CSVN – Từ khi cây cao su bén rễ trên vùng đất huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu gần 10 năm qua đến nay đang cho thu hoạch mủ. Cây cao su đã và đang mang lại việc làm, tạo thêm thu nhập giúp đồng bào nơi đây ngày càng no ấm.
Cao su xanh ngát vùng lòng hồ
Tại đồi cao su thuộc bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) công nhân Tổ sản xuất số 1 đang miệt mài thu hoạch mủ. Trong số đó có cả cán bộ kỹ thuật của Công ty CPCS Dầu Tiếng Lai Châu tỷ mẩn hướng dẫn kỹ thuật cạo, thu hoạch. Ngắm nhìn những đồi cao su xanh ngắt bao trọn cả vùng lòng hồ thủy điện bản Chát, đã và đang đem lại no ấm cho người dân các xã trong vùng dự án của Than Uyên, ít ai biết rằng, vùng đất này trước kia từng chỉ trồng duy nhất cây ngô, cây sắn hoặc bỏ không do bạc màu. Để có thể bén rễ và chính thức khơi dòng “vàng trắng’, mọi sự không hề dễ dàng với Công ty CPCS Dầu Tiếng Lai Châu.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – TGĐ Công ty cho biết: “Đối với cây cao su về vùng đất Than Uyên, đặc thù rất khó khăn. Dự án chúng tôi triển khai nằm trên lòng hồ thủy điện, phương tiện đi lại khó khăn, đi 2 – 3 loại phương tiện mới đến được vùng cây. Người dân vẫn giữ phong tục địa phương nên đưa cây cao su vào mình phải hướng họ đến tác phong công nghiệp”.
9 năm qua, cây cao su đã tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng trăm lao động địa phương. Đến nay, hơn 40 người lao động trực tiếp được đảm bảo mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng; với khoảng 40% diện tích được khai thác mủ từ năm 2021, các hộ dân ở bản Thẩm Phé và bản Hàng của xã Mường Kim đã được nhận quyền lợi góp đất trồng cây cao su.
Hiệu quả trên vùng đất mới Than Uyên
Anh Hoàng Văn Dung – Công nhân Đội sản xuất số 1 (Cao su Dầu Tiếng Lai Châu) tâm sự: Tôi làm công nhân cao su được 8 năm, không đi làm ở đâu nữa. Cũng có nhiều chế độ để chúng tôi gắn bó với công ty. Vì vậy, chúng tôi rất cảm ơn công ty.
Trồng cao su có nhiều cái lợi, không chỉ đơn thuần lợi về kinh tế, phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn là cây “đa mục tiêu’. Từ những vùng đất trống, đồi núi trọc, giờ đây, cây cao su đã và đang cùng đồng bào có cuộc sống ấm no, góp phần cùng các xã của Than Uyên xây dựng nông thôn mới.
Ông Lò Quyết Thắng – Chủ tịch UBND xã Mường Kim, huyện Than Uyên chia sẻ: “Đối với cây cao su khi bà con góp đất vào trồng, hiện nay, trên địa bàn xã các hộ gia đình đã được hưởng lợi từ việc góp đất trồng cây cao su và tạo việc làm cho bà con trên địa bàn. Tránh tình trạng li hương ra địa bàn làm ăn ở nơi khác, tăng thu nhập cho bà con nhân dân”.
Mặc dù bén rễ trong điều kiện khắc nghiệt nhưng cây cao su ở Than Uyên vẫn căng tràn nhựa sống. Những chuyến xe và thuyền chở công nhân xuôi ngược các đồi cao su ngày thêm nhộn nhịp cùng tiếng cười rộn ràng phần nào chứng minh hiệu quả của cây cao su trên vùng đất mới Than Uyên. Để rồi, công ty có thêm những quyết tâm mới, sự kỳ vọng vào một năm sản xuất thắng lợi.
PHƯƠNG LY
Related posts:
- Gấp rút chuẩn bị cho Hội thi Bàn tay vàng lần thứ XIII
- "Vàng trắng" vẫn chảy
- Kỳ vọng một năm thắng lợi
- Công nhân trồng sầu riêng thu nhập hơn 600 triệu đồng mỗi năm
- Cao su Phước Hòa Kampong Thom tổ chức bữa ăn giữa ca cho công nhân
- Không lơ là, chủ quan trong trạng thái bình thường mới
- Lan tỏa hơi ấm tháng công nhân
- Người viết sử ngành bằng thơ
- Phát huy nội lực - Rạo rực niềm tin!
- Phát động thi đua "bảo vệ vùng xanh"