Các công ty cao su thuộc VRG khu vực Campuchia tăng trưởng tốt và ổn định

CSVNO – Vượt khó, các công ty cao su thuộc VRG khu vực Campuchia đều có sự tăng trưởng tốt hơn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu của Tập đoàn. Bên cạnh sản xuất kinh doanh, các công ty đã tích cực chăm lo người lao động về vật chất, tinh thần. Đây là một thành quả rất đáng tự hào trong bối cảnh bức tranh kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG cùng ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG
(bìa phải), thay mặt VRG đón nhận quà tặng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Vũ Phong
Chiếm hơn 35% sản lượng toàn Tập đoàn

Năm 2022, tình hình SXKD của các công ty gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, lượng mưa ít, phân bố không đều trong năm và giữa các vùng, thời tiết khô hạn kéo dài. Giá xăng dầu tăng mạnh, kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Đặc biệt giá mủ những tháng cuối năm liên tục giảm, giá bán bình quân năm 2022 của các công ty khu vực Campuchia giảm 6% so với năm 2021, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, với sự đoàn kết một lòng, cùng nhau vượt khó, các công ty đều cố gắng trong việc tiêu thụ sản phẩm, ổn định tài chính, hoàn thành nhiệm vụ.

Với 83.084 ha cao su khai thác, năm 2022, các công ty đều có tăng trưởng tốt hơn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu của Tập đoàn. Sản lượng của các công ty ước đạt 125.364 tấn mủ cao su (vượt 8% so với KH); năng suất bình quân gần 1,6 tấn. Doanh thu 4.677 tỷ đồng (vượt 7,6% KH); lợi nhuận 698 tỷ đồng (vượt 33% KH); nộp ngân sách 193 tỷ đồng (vượt 9% KH). Tiền lương bình quân của NLĐ trên 8,1 triệu đồng/ người/tháng (vượt 8% KH).

Các công ty đã đóng góp lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Tập đoàn. Nhiều đơn vị đạt kết quả nổi bật, là điểm sáng của toàn ngành, đạt doanh thu và lợi nhuận cao, điển hình như: Chư Sê Kampong Thom đạt doanh thu 994 tỷ đồng, lợi nhuận 218 tỷ đồng; Tân Biên Kampong Thom đạt doanh thu 529 tỷ đồng, lợi nhuận 150 tỷ đồng; Bà Rịa Kampong Thom đạt doanh thu trên 376 tỷ đồng, lợi nhuận 113 tỷ đồng; Đồng Phú Kratie đạt doanh thu 271 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 58 tỷ đồng…

Năm 2022, khu vực Campuchia tiếp tục có 3 công ty (Cao su Bà Rịa Kampong Thom, Tân Biên Kampong Thom và Chư Sê Kampong Thom), 8 nông trường (NT Ou Tuek Thla, Ou Thum của Cao su Bà Rịa Kampong Thom. NT Santuk 1, 2, 3 của Cao su Tân Biên Kampong. NT 1, 2, 3 của Chư Sê Kampong Thom) và 3 Tổ/Đội tham gia Câu lạc bộ 2 tấn của VRG.

Lãnh đạo Vụ Thi đua khen thưởng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VRG thăm vườn cây khai thác của các công ty cao su tại tỉnh Kampong Thom, ngày 21/9
Ông Hoàng Hữu Tuấn – TGĐ Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom kiểm tra nhà máy chế biến mủ của công ty
Ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom thăm hỏi NLĐ ở Làng công nhân
Định hướng phát triển bền vững

Năm 2023, đa số các công ty đều bước sang năm thứ 15 của dự án, chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp duy trì vườn cây năng suất cao, các đơn vị cũng xây dựng định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới. Là lá cờ đầu toàn diện của khu vực Campuchia nhiều năm nay, ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom, chia sẻ: “Năm 2022, công ty đã đưa toàn bộ diện tích hơn 16.268 ha vườn cây vào khai thác, dự kiến sản lượng đạt 25.544 tấn (vượt 4% KH). Thời gian tới, công ty sẽ duy trì vườn cây luôn đạt năng suất trên 1,8 tấn/ha và gia công trên 20.000 tấn mỗi năm. Công ty đã chuẩn bị cho công tác tái canh chu kỳ 2 cây cao su tại dự  án, từ  khâu chọn giống  đến lập  vườn nhân, vườn ươm và thanh lý các diện tích nhằm chủ động trong công tác tái canh. Dự kiến sẽ tái canh trồng mới bắt đầu từ năm 2027 – 2044. Bên cạnh đó, để chủ động trong công tác sản xuất khi vườn cây đi vào tái canh, công ty cũng đã quy hoạch xây dựng nhà máy gỗ. Dự kiến năm 2026 sẽ đi vào hoạt động, mỗi năm chế biến từ nguồn nguyên liệu là gỗ cây cao su với diện tích 1.000 ha/năm”.

Chỉ trong năm 2022, Cao su Chư Sê Kampong Thom đã xây dựng chùa để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của NLĐ và gia thuộc với tổng chi phí 215.000 USD. Công ty cũng xây dựng một siêu thị Green Mart trong rừng cao su cung cấp hơn 100 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ NLĐ tại dự án. Hàng tháng, công ty hỗ trợ cho mỗi công nhân 20 kg gạo/người/ tháng…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chăm lo cho NLĐ, các công ty cũng đã ký kết hợp tác toàn diện với Công ty Viễn thông Metfone (Viettel Cambodia) để lắp đặt các trụ sóng 4G trong vùng dự án. Đồng thời, kéo đường cáp quang Internet đến trụ sở và khu làm việc của các nông trường, nhà máy chế biến nhằm tạo thuận lợi trong công việc chuyên môn và chia sẻ, hỏi thăm gia đình thông qua điện thoại thông minh. Phần nào nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ làm việc xa nhà.

Những thành quả các công ty cao su đạt được trong năm 2022 tiếp tục là một minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam – Campuchia.

THIÊN HƯƠNG