CSVN – Dù trong điều kiện tổ chức sản xuất còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị cơ sở rất chủ động trong công tác điều hành quản trị. Đặc biệt tay nghề NLĐ ngày càng nâng cao đã góp phần giúp các đơn vị nói riêng và VRG nói chung đạt được những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhân dịp đầu xuân 2023, Cao su Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG về những kết quả nổi bật của lĩnh vực nông nghiệp trong năm qua và định hướng phát triển trong năm tới.
– Thưa ông, xin ông chia sẻ về những kết quả nông nghiệp của VRG năm 2022?
Ông Lê Thanh Tú: Năm 2022 có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tổ chức sản xuất của các đơn vị. Đó là thời tiết cực đoan, dịch bệnh Covid – 19 vẫn còn phức tạp, bệnh hại trên vườn cây, bối cảnh kinh tế, địa chính trị trên thế giới… Trước tình hình thực tế khách quan đó, lãnh đạo VRG và các đơn vị đã đánh giá tình hình để rút ra bài học kinh nghiệm, chủ động ứng phó với từng thách thức, khó khăn bằng những giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Một điểm sáng phải nhắc đến đầu tiên của lĩnh vực nông nghiệp trong năm qua đó là trong điều kiện lao động SXKD khó khăn nhưng lãnh đạo cơ sở đã rất trách nhiệm, quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa là NLĐ ngày càng nhận thức về việc rèn luyện, nâng cao tay nghề. Kết quả tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIII đã phản ánh được phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi được phát động sâu rộng, có hiệu quả, được đông đảo NLĐ hưởng ứng. Có được điều này là trách nhiệm của cơ sở, xuất phát từ việc chăm lo đời sống NLĐ, vai trò của tổ chức Công đoàn các cấp trong việc phát động các phong trào thi đua.
Đối với công tác kỹ thuật, “gia đình kỹ thuật” đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc thành lập group để thường xuyên trao đổi thông tin, chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo VRG trong hoạt động nông nghiệp. Thông tin trong group rất đa chiều, không chỉ từ VRG xuống cơ sở mà còn từ cơ sở đến Tập đoàn và giữa các đơn vị với nhau.
Từ đó, bất kỳ thông tin, giải pháp… đều được cập nhật, thông tin một cách nhanh chóng giúp lãnh đạo VRG nắm bắt thông tin và có những điều hành kịp thời, tạo điều kiện cho cơ sở triển khai các công việc linh động, kịp thời. Và không chỉ dừng lại ở đây, chúng tôi còn kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý kỹ thuật của VRG sẽ nâng cao hơn nữa trong thời gian tới. Vai trò của Ban Quản lý kỹ thuật VRG – Viện Nghiên cứu CSVN và các đơn vị cơ sở đã tạo được nên “thế trận” vững chắc để tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả. Trong điều kiện thâm canh còn khó khăn do giá bán mủ xuống thấp, các đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác quản trị giống, chăm sóc vườn cây và khai thác khoa học góp phần tăng năng suất vườn cây.
Giống đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định năng suất vườn cây, do đó trong thời gian qua Ban Quản lý kỹ thuật đã nghiên cứu và xây dựng được cơ cấu giống phù hợp với đặc điểm vùng sinh thái, điều kiện tiểu vùng khí hậu. Điều này hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá về năng suất, sản lượng trong những năm tới đây và tương lai xa hơn nữa. Trong công tác bảo vệ thực vật, nhất là phòng trị bệnh rụng lá đốm tròn trên vườn cây, Ban Quản lý kỹ thuật Tập đoàn tiếp thu bài học của các nước, đồng thời chủ động nghiên cứu các mô hình quản lý bệnh hại, đánh giá tác động một cách thận trọng để xây dựng phương án phòng trừ bệnh một cách khoa học, bài bản.
Tính đến ngày 16/12, VRG khai thác được 403.999 tấn mủ, về trước kế hoạch sản lượng được giao 15 ngày. Hết năm 2022, VRG sẽ khai thác được 430.000 tấn, vượt 6% so với kế hoạch. Đây là một kết quả đáng mừng trong điều kiện diện tích khai thác giảm nhưng sản lượng khai thác vẫn tăng dần đều qua các năm.
– Năm 2022 VRG ghi nhận nhiều đơn vị đã có sự tiến bộ rõ rệt về năng suất vườn cây, năng suất lao động, ông đánh giá như thế nào về kết quả này và những kỳ vọng của VRG trong thời gian tới để giữ vững năng suất bền vững?
Ông Lê Thanh Tú: Tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động là nhiệm vụ xuyên suốt và dài hạn của hoạt động nông nghiệp. Những năm gần đây, VRG chủ trương không mở rộng diện tích trồng mới cao su, một số diện tích sẽ được chuyển giao về cho địa phương để sử dụng trong các công trình phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, một số diện tích sẽ được VRG chuyển đổi sang mục đích khác. Do đó, trong điều kiện diện tích giảm nhưng sản lượng khai thác phải đảm bảo tăng trưởng qua các năm thì VRG, mà vai trò chủ chốt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật toàn VRG đã cơ cấu lại độ tuổi vườn cây, bộ giống. Công tác giống gắn với các nhóm giải pháp về thâm canh vườn cây, quản lý khai thác, tay nghề người lao động sẽ giúp VRG thực hiện được mục tiêu dài hạn là nâng cao năng suất vườn cây.
Trong bức tranh chung của lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, cả 66 đơn vị đều có sự tiến bộ chung. Các dự án tại Lào – Campuchia đã phát huy hiệu quả, năng suất vườn cây nhiều đơn vị đạt mức cao và bền vững (Cao su Việt Lào, Cao su Bà Rịa – Kampong Thom, Cao su Tân Biên – Kampong Thom…). Các đơn vị truyền thống ở khu vực Đông Nam bộ tiếp tục ổn định và duy trì năng suất bình quân trên 2 tấn/ha nhiều năm liền như Cao su Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh, Đồng Phú, Phước Hòa… Đặc biệt, năm 2022 ghi nhận sự đột phá của Cao su Đồng Nai khi năng suất vườn cây đạt trên 2,2 tấn, 10 nông trường đều đạt năng suất trên 2 tấn/ha. Kết quả đó là nhờ sự quyết liệt trong quá trình tái cơ cấu vườn cây, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Các đơn vị khu vực Tây Nguyên có sự tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện sản lượng và năng suất vườn cây nhờ thời tiết thuận lợi. Đặc biệt là nhờ phong trào thi đua rất sôi nổi giữa các đơn vị, đây là tín hiệu đáng mừng. Khu vực này năm nay xuất hiện gương điển hình như Cao su Chư Mom Ray, Cao su Sa Thầy, Cao su Mang Yang là nhân tố mới, mặc dù điều kiện vườn cây không thuận lợi nhưng các đơn vị đã quản lý có hiệu quả, được sự hỗ trợ của địa phương nên có kết quả tốt và năng suất dự kiến sẽ ổn định trong nhiều năm.
Kỳ vọng của VRG trong công tác quản lý lĩnh vực nông nghiệp là nâng cao hiệu quả SXKD, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đưa hàm lượng về khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào trong điều hành sản xuất để nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động. Do đó, VRG luôn tạo điều kiện để các đơn vị cơ sở chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
– Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
QUỲNH MAI (thực hiện)
Related posts:
- Gỗ MDF VRG Quảng Trị: Thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng
- VRG chúc mừng Quân khu 7 nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
- Đẩy nhanh chiến lược vaccine và coi trọng đảm bảo kinh tế vĩ mô
- Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy tái đắc cử Bí thư Đoàn Thanh niên Cao su Đồng Nai
- VRG đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề tại Bình Dương
- Nệm Đồng Phú ưu đãi nhân dịp Đại hội Công đoàn Cao su Việt Nam
- Hội nghị Cao su ANRPC năm 2017: Tái cơ cấu chuỗi giá trị nhằm phục hồi sản xuất
- Đảng bộ cơ quan VRG góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của Tập đoàn
- Thí sinh hoàn tất sửa phần cây, thi lý thuyết và dụng cụ
- Để khai thác cao su bền vững