CSVN – Hội thi Bàn tay vàng lần thứ XIII đi qua nhưng dư âm sẽ còn vang mãi, đó không chỉ là dấu ấn về kết quả của Hội thi mà đó còn là niềm tự hào, động lực phấn đấu của thợ giỏi, còn là dấu ấn không thể nào quên trong hành trình nghề nghiệp. Và Hội thi không chỉ là nơi cạnh tranh giữa các thợ giỏi với nhau, giữa các đội với nhau mà còn là kết tinh nét đẹp văn hóa truyền thống của công nhân cao su.
Tăng tỷ lệ công nhân đạt trình độ khá – giỏi
Phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi đã trở thành truyền thống nghề nghiệp, tạo động lực phấn đấu rèn luyện cho các thế hệ công nhân kỹ thuật thu hoạch mủ trên vườn cây cao su. Tuy chịu ảnh hưởng lớn từ khó khăn chung như: đại dịch Covid-19, tranh chấp lao động từ phát triển của các khu công nghiệp… trong vài năm gần đây, ngành cao su đứng trước thách thức về sự biến động trong công tác quản lý lao động tay nghề cao nhưng phong trào đã phần nào gây dựng niềm tin cho lớp công nhân mới hôm nay…
Để tham dự Hội thi cấp ngành, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn những năm trước. Cụ thể, nhiều đơn vị đã tổ chức Hội thi BTV các cấp để tuyển chọn đội thợ giỏi; Hội thi cấp công ty được tổ chức sớm hơn mọi năm; Có nhiều chế độ đãi ngộ với thành viên tham gia đội thợ giỏi, treo thưởng lớn để thợ giỏi phấn đấu đạt thành tích cao… Với ý nghĩa to lớn của ngày hội công nhân cao su, có thể chắc chắn rằng Hội thi BTV lần thứ XIII là sự kiện ấn tượng nhất trong năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Thái – Phó Ban Quản lý kỹ thuật VRG, Trưởng tiểu ban Nội dung – Giám khảo Hội thi đánh giá: “So với các năm trước, đặt biệt là mùa thi năm 2020, hầu hết các đơn vị đều tăng tỷ lệ công nhân đạt kỹ thuật khá giỏi (đạt >85%). Nguyên nhân chính đó là công tác đào tạo tay nghề luôn được chú trọng thực hiện hàng năm; cán bộ kỹ thuật quan tâm sâu sát, uốn nắn tay nghề cạo mủ từng công nhân trên vườn cây; tập trung công tác quản lý kỹ thuật ngay từ đầu mùa cạo, thường xuyên kiểm tra hướng dẫn khắc phục lỗi đối với công nhân tay nghề yếu; nâng cao đời sống của người công nhân cao su, có quy chế thưởng – phạt hàng tháng theo hệ số kỹ thuật, động viên công nhân có trình độ tay nghề”.
Khu vực Tây Nguyên bứt phá ngoạn mục
Hội thi có tổng cộng 64 đoàn tham gia, trong đó 47 đoàn dự thi giải đồng đội (5 thí sinh chính thức + 1 dự bị), 17 đoàn dự thi giải cá nhân (1 – 3 thí sinh). Bên cạnh các đơn vị trực thuộc VRG, Hội thi ghi nhận sự tham gia của 4 đơn vị ngoài VRG, đó là Binh đoàn 15 và 3 đơn vị kinh tế địa phương là Cao su Đắk Lắk, Cao su Thống Nhất và Cao su Sông Bé.
324 thí sinh tham gia Hội thi đều được cấp giấy công nhận là thợ giỏi cấp Tập đoàn, trong đó 278 thí sinh chính thức đã thi tất cả các môn để lấy điểm xét hạng (235 thí sinh tham gia thi giải đồng đội, 43 thí sinh dự thi giải cá nhân) và 46 thí sinh dự bị từ 47 đoàn dự thi giải đồng đội đã tham gia thi đủ 2 môn dụng cụ và lý thuyết, đảm bảo điều kiện được cấp Giấy chứng nhận thợ giỏi ngành cao su.
Hội thi năm nay ghi nhận sự tham gia khá phong phú về thí sinh người đồng bào địa phương, cụ thể có 70 thí sinh (chiếm 30%) tổng số 229 thí sinh Việt Nam, đến từ 16/54 dân tộc anh em của Việt Nam. Kết thúc Hội thi có 91 thí sinh đạt 60 điểm thực hành. Bình quân điểm kỹ thuật toàn Hội thi là 56,3 điểm/ thí sinh. Điểm lý thuyết bình quân đạt 29,54 điểm /thí sinh. Điểm dụng cụ bình quân 4,98 điểm (năm 2020 là 4,95 điểm và năm 2018 là 4,87). Điểm tốc độ bình quân là 4,62, có 1 thí sinh thực hành xong trước 15 phút (cờ vàng ở cây 100).
Hội thi năm nay ghi nhận sự bứt phá vươn lên của các đơn vị khu vực Tây Nguyên khi anh Trần Hữu Thắng – Cao su Chư Sê đạt giải nhất cá nhân nam; Cao su Kon Tum đạt giải nhì đồng đội; Cao su Mang Yang và Cao su Sa Thầy đạt giải ba; Cao su Chư Mom Ray và Cao su Krong Buk đạt giải khuyến khích. Ngoài ra, có 25 thợ giỏi đạt danh hiệu Bàn tay vàng và 24 thợ giỏi đạt danh hiệu Kiện tướng.
Một “mùa vàng” nữa đã trôi qua, thợ giỏi trở về với công việc và cuộc sống thường nhật. Họ sẽ là những hạt nhân tiêu biểu để đẩy mạnh hơn nữa phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi tại đơn vị và trong toàn ngành. Mùa Xuân 2023, thợ giỏi cấp ngành chắc hẳn sẽ có thêm nhiều câu chuyện về Hội thi Bàn tay vàng lần thứ XIII để nhân đôi niềm vui. Và các thợ giỏi cũng sẽ có thêm nhiều thời gian luyện rèn để sẵn sàng cho mùa thi năm 2024 với tâm thế tốt nhất.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Related posts:
- Niềm vui cao su Quế Phong
- Mong được làm công nhân cao su
- "Các đơn vị cao su miền Trung tập trung vượt khó"
- Cây cao su cùng giúp đồng bào ấm no
- Nơi đất khó “vượt mốc” kế hoạch
- 4 công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai góp phần giữ vững an ninh quốc phòng
- Tại sao nông dân chưa thể làm giàu từ cây cao su?
- Cao su Chư Păh nhận giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
- Công ty 74, Binh đoàn 15 khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 100 cán bộ
- Các đơn vị khu vực Tây Nguyên: Đẩy mạnh phong trào "Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi" tiến tới Hội thi ...