Cây cao su – cây anh hùng

  • Năm nay vừa tròn 125 năm cây cao su có mặt ở Việt Nam đó Tư Mủ. Ngành mình đang kỷ niệm ngày truyền thống 28/10 kết hợp với sự kiện này luôn đó.
  • Ủa vậy hả. 125 năm, một thế kỷ và một phần tư thế kỷ nữa, coi vậy mà ông bạn thân thiết của mình hàng ngày có lai lịch lâu đời quá hả.
  • Ừ, ổng đã trải qua bao thăng trầm, từ đổ máu xương, thân hình đầy vết tích chiến tranh, rồi thế hệ con cháu gầy dựng, phục hồi, phủ màu xanh rộng khắp, cùng với chúng ta đóng góp xây dựng đất nước như ngày hôm nay.
  • Không biết cây cao su ở các nước như thế nào chứ riêng ở ta theo tui thấy xứng đáng là một loài cây anh hùng.
  • Tui cũng thấy thế.

HAI CẠO

Hậu bối

Vợ chồng Tư Mủ mần tiệc thôi nôi cho đứa cháu nội đúng vào tháng 10. Tư Mủ mời vài bạn già có ông Hai Cạo, Tám phu công- tra qua nhà  khề khà… cho vui.

Trên bàn dọn sẵn con gà luộc với chai rượu gạo, bánh kem cũng được cắt phần ra dĩa, cho các lão tiền bối thưởng thức. Rượu được vài tuần, ông Hai Cạo nói chuyện riêng với Tư Mủ…

Biết họ hạp gu “Nói nhau nghe”. Ông Tám quay sang hỏi vợ chồng Út Đẹp (con trai trưởng và dâu Tư Mủ):

– Thằng cu Bin “nhưn” vật chính đâu bây?

– Dạ! Cô Út đang bế cho ăn cháo gà bác ạ.

– Cháu nó đã chọn công việc gì thông qua vật dụng chưa vậy?

– Dạ, chưa…

– Thôi được rồi. Bác nhậu chập nữa, bây chuẩn bị mấy thứ đồ hàng con nít chơi bằng nhựa như: gương, lược, xoong nồi, cuốc xẻng, dao rựa, xe, bút viết, súng ống… để sẵn ra đấy cho bác nhé.

– Dạ, vâng ạ!

Ông Tám quay vô bưng ly rượu lên uống, thì nghe ông Hai Cạo xướng thơ:

– Tháng mười, ngày hai tám tây (28/10)/ Nhậu nhà Tư Mủ, tui say nghĩa tình…

Ông Tư Mủ nổi hứng dặm vá thêm:

Mến ông Hai Cạo làng mình/ “Nói nhau nghe” những tự tình thiệt hay/ Tiết kiệm, vượt khó, chung tay…/ Thi đua, đoàn kết… dựng xây ngành nhà.

Thấy trúng tủ, ông Tám chêm vô:

Tư Mủ, Hai Cạo thiệt là…/ Có công góp sức… chín ba (93 năm) rạng ngời

Thấy rượu để hơi lâu sợ nhạt. Ông Hai Cạo chốt đoạn kết:

Tám phu công- tra, bạn tui/ Chuyện vui, xả – trét… ai thời cũng mê/ Từ thành thị, tới vùng quê/ Hăng say lao động, hả hê tiếng cười…./ Khen ông con mắt tinh đời/ Khéo xâu kết những chuyện vui… lưu truyền.

Tới đây thơ hợp xướng của 3 ông lão tạm ngưng, khi ông Tám kêu vợ chồng Út Đẹp bế thằng cu Bin lên để chọn vật dụng đồ chơi bày ra ở góc nhà. Vợ chồng Út Đẹp khoe với mấy bác là Bin biết đọc số từ 1 – 10…

Ông Tám hỏi cu Bin:

– Cháu đọc số cho mấy ông nghe nào?

– 1. 2. 5… (ngưng); 2. 8. 10… (ngưng)

Ông Hai Cạo, rồi ông Tư Mủ (ông nội) và ba mẹ Út Đẹp năn nỉ, nhưng thằng cu Bin dứt khoát không đọc nữa. Bỏ vô ngồi ở góc bày biện đồ chơi thằng nhỏ cũng khóc la làng không chịu xuống.

Ông Tám phá lên cười:

– Nó không đọc, không xuống chọn đồ hàng là đúng rồi. Vì thằng nhỏ chọn công việc là “hậu bối” cho mấy ông rồi còn gì.

– Ý ông là thằng cu Bin đã chọn nghề cạo mủ?

– Chứ gì nữa. Thằng nhỏ đọc số 125 kỷ niệm cây cao su di nhập vào Việt Nam, 28/10 là kỷ niệm 93 năm truyền thống của ngành cao su đấy. Ép nó chọn cái khác, thằng nhỏ không chịu khóc la làng đó.

– Ừ, heng…

Vậy là mọi người nâng ly, vừa cười tủm tỉm về cái thằng nhỏ bụ bẫm, dễ thương… là “hậu bối” tương lai của ông Tư Mủ. “Chúc mừng! Dzô… 100% nghen!”.

NGUYỄN CỦ CẢI