CSVNO – Nhằm tổng hợp, đánh giá việc thực hiện công tác phòng trị bệnh rụng lá đốm tròn mới xuất hiện tại Việt Nam và định hướng các giải pháp nâng cao chất lượng vườn cây, phòng trị bệnh với hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao, ngày 30/11, VRG đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đánh giá hiệu quả công tác phòng trị bệnh rụng lá đốm tròn và các định hướng” tại Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam.
Rụng lá đốm tròn là loại dịch bệnh mới, hoàn toàn khác với các loại bệnh khác trên cây cao su. Những hiểu biết về bệnh còn rất hạn chế. Tác nhân gây bệnh là phức hợp (gồm nhiều phức hợp nấm gây ra), đặc tính sinh học của các tác nhân gây bệnh rất phức tạp (chưa từng thấy, so với các loại bệnh khác). Các biện pháp kiểm soát bệnh vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có quốc gia nào khống chế, kiểm soát được dịch.
Tại hội thảo, Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đã báo cáo “Đánh giá hiệu quả công tác phòng trị bệnh rụng lá đốm tròn và các định hướng”. Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã báo cáo “Kết quả nghiên cứu về bệnh Rụng lá đốm tròn, đánh giá hiệu quả phòng trị bệnh và đề xuất định hướng” và “Vấn đề quản lý bệnh lá hiệu quả trong ngành cao su”.
Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, Công ty CP Cao su Sa Thầy, Công ty CP Cao su Chư Prông – Stung Treng đã báo cáo tham luận về tình hình bệnh rụng lá đốm tròn và công tác phòng trị bệnh tại đơn vị.
Rụng lá đốm tròn là loại dịch bệnh mới
Bệnh rụng lá đốm tròn được phát hiện trên cây cao su ở Việt Nam vào tháng 10/2021, tại Nông trường Túc Trưng (Đồng Nai), Nông trường Thọ Sơn (Phú Riềng) và Nông trường Thống Nhất (Phú Thịnh), một số vườn cây tiểu điền tại huyện Đa Teh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng 250 ha, chủ yếu trên dòng vô tính RRIV 124, RRIV 1, RRIV 114, một số dòng vô tính khác cũng ghi nhận nhiễm bệnh như GT 1, RRIV 5, RRIV 4.
Đến tháng 11/2022, bệnh đã phát hiện trên vườn cây tại 8 công ty vùng Đông Nam bộ, gồm: Đồng Nai, Phú Riềng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bình Long, Tây Ninh, Tân Biên, Bình Thuận. Tổng diện tích vườn cây được phát hiện nhiễm bệnh khoảng 9.643 ha.
Tác nhân gây bệnh rụng lá đốm tròn mới phát hiện trên cây cao su ở Việt Nam do tổ hợp nấm Pestalotiopsis sp và Colletotrichum sp. Đây là hai chi nấm lớn với hàng trăm loài hoặc hàng chục phức hợp loài trong bảng phân loại.
Xét về tuổi cây, bệnh được ghi nhận trên nhóm vườn cây từ tuổi 4 – tuổi 19. Tập trung chủ yếu trong trong nhóm vườn cây từ tuổi 5 đến tuổi 12. Trong 9.643 ha vườn cây nhiễm bệnh, diện tích vườn cây tuổi 5 chiếm 6% (589 ha), tuổi 6 chiếm 16% (1.493 ha), tuổi 7 chiếm 12% (1.197 ha), tuổi 8 chiếm 15% (1.483 ha), tuổi 9 chiếm 20% (1.952 ha), tuổi 10 chiếm 14% (1.384 ha), tuổi 11 chiếm 5% (428 ha) và tuổi 12 chiếm 5% (452 ha). Nhóm vườn cây từ tuổi 13 – tuổi 19 và vườn cây tuổi 4 chỉ chiếm khoảng 6% (khoảng 661 ha).
Théo báo cáo tại hội thảo, mùa bệnh rụng lá đốm tròn kéo dài, phụ thuộc rất lớn yếu tố thời tiết, bệnh có thể phát sinh nhiều chu kỳ trong năm; tốc độ phát triển gây bệnh rất nhanh (5 – 7 ngày) gây rụng lá. Chi phí phòng trị bệnh cao, hiệu quả tức thời khó thấy rõ.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời hiệu quả cao
Ngay sau khi bệnh tái phát, từ ngày 10/4, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã khẩn trương tổ chức phòng trị bệnh trên các vườn cây. Kết quả cho thấy hiện trạng các lô nhiễm bệnh rất nhẹ, bộ lá ổn định, mật độ tán lá vẫn duy trì > 80%, không chuyển nặng trong suốt thời gian dài. Đến thời điểm tháng 9, một số vườn cây KTCB tái nhiễm (hiệu lực của thuốc đã hết), một số vườn cây (ổ bệnh) chuyển bệnh ở mức trung bình – nặng. Tuy vậy, công tác phòng trị đã giữ bộ lá của các vườn cây kể trên ở mức 40% – 60% mật độ tán lá. Một số vườn cây KTCB (tuổi 6 – 7) có hiện tượng tự hủy cành thấp, kết hợp với bệnh và vàng lá sinh lý cũng đã được ghi nhận. Đối với các vườn cây thu hoạch mủ (đã phát hiện bệnh) đều duy trì ở mức rất nhẹ, mật độ tán lá tốt, năng suất vườn cây ổn định.
Ngay sau khi bệnh tái phát, từ tháng 8, Cao su Phú Riềng đã tổ chức phòng trị bệnh trên các vườn cây (chủ yếu tập trung tại Nông trường Thọ Sơn). Đến thời điểm tháng 11, bệnh đã có biểu hiện suy giảm, các vườn cây nhiễm bệnh nặng vẫn duy trì mật độ tán lá khoảng 40% – 60%. Một số vườn cây KTCB (tuổi 5 – 6) có hiện tượng tự hủy cành thấp, kết hợp với bệnh và vàng lá sinh lý cũng đã được ghi nhận.
Công tác phòng trị bệnh Rụng lá đốm tròn tại các công ty thuộc Tập đoàn đã góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu tác hại của bệnh, giảm thiểu nguồn bệnh phát tán tự nhiên, giảm thiểu tốc độ lây lan của bệnh. Có thể thấy, tốc độ phát dịch ở Việt Nam trong 2 năm đầu chậm hơn nhiều so với các nước đã xảy ra dịch (Indonesia, Malaysia, Thái Lan).
Nhiều biện pháp kiểm soát và tiêu diệt mầm bệnh
Hội thảo đã đề xuất nhiều biện pháp quản lý bệnh rụng lá đốm tròn, cụ thể: phòng trị bệnh bệnh phấn trắng từ đầu năm, để có bộ lá khỏe. Bón phân cân đối, đầy đủ, hợp lý theo nhu cầu của cây (chẩn đoán dinh dưỡng), bón phân theo khuyến cáo của đơn vị tư vấn chuyên môn. Giảm thiểu nguồn bệnh lưu tồn: vệ sinh vườn cây, thu gom xác bả thực vật, lá bệnh trên vườn cây để xử lý. Trong một số trường hợp, cho phép gom đốt tàn dư thực vật trên các lô bệnh nặng. Tăng cường thử nghiệm các chế phẩm vi sinh có ích (phân hủy xác bả thực vật, cạnh tranh và tiêu diệt mầm bệnh). Phòng trị bệnh Rụng lá đốm tròn bằng thuốc trừ nấm một cách hợp lý (loại thuốc, thời điểm phun, số lần, chi phí…) để kiểm soát bệnh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG, nhận định, rụng lá đốm tròn là loại dịch bệnh mới trên cây cao su nên những hiểu biết về dịch tễ học của bệnh còn rất hạn chế. Trên phương diện dịch tễ học, nguy cơ bệnh lan rộng nghiêm trọng hơn là khó tránh khỏi. Do đó, cần có các giải pháp thích ứng lâu dài với loại bệnh mới này. Hội thảo đã cập nhật cho các đơn vị nhiểu kiến thức hữu ích về định hướng các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng vườn cây, quản lý công tác bảo vệ thực vật trên vườn và phòng trị bệnh với hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao, đẩy mạnh mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn.
TUỆ LINH – ĐÀO PHONG
Related posts:
- Cao su Chư Mom Ray: Biểu dương 23 tập thể và cá nhân
- Vinh danh 112 tập thể có vườn cây năng suất, chất lượng
- Tỉnh Gia Lai sẽ nhanh chóng giải quyết những kiến nghị của VRG
- VRG ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Kinh tế TPHCM
- 22 công ty tham gia tập huấn quản lý chất lượng cao su
- 5 dự án đầu tư ra nước ngoài phải có xác nhận địa điểm
- Trường Cao Đẳng Cao su đạt giải nhất Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc
- NT Xa Cam (Bình Long): 124 công nhân "về đích" trước 1 tháng
- Gió lốc làm gãy đổ 80 ha Cao su Mang Yang
- Cao su Chư Mom Ray: Công bố hoàn thành sản lượng 5.750 tấn