CSVN – Trong những ngày toàn đơn vị hào hứng thi đua hoàn thành kế hoạch năm, chúng tôi có dịp được gặp ông là Phạm Bá Phong, 1 trong 19 người đầu tiên gây dựng nên Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê.
Trồng 200 ha cao su chỉ với 10 triệu đồng
“Xuất ngũ tôi về huyện Dầu Tiếng, nơi từng sống và chiến đấu, nơi có anh em, bạn bè. Với nhiều chiến công lập được nên tôi được điều về bảo vệ Ủy ban Dầu Tiếng. Sau khi chiến tranh kết thúc, tôi trở về với đời thường rồi được các anh ở Dầu Tiếng gửi thư mời về Công ty Cao su Dầu Tiếng làm việc. Tôi được bố trí làm Trưởng phòng bảo vệ, đó là năm 1982”, ông kể với chúng tôi.
Nhấp một ngụm trà nóng, ông tiếp: “Tôi là 1 trong 19 người của bộ khung từ Cao su Dầu Tiếng lên xây dựng Cao su Chư Sê. Ngày mới lên, đất rừng bát ngàn không ai quản lý. Đến nơi, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Lao động công ty, ngày ấy tôi vận động đồng bào dân tộc thiểu số trồng cao su và thành lập nên Nông trường Ia Tiêm, tất cả họ đã khai hoang và trồng được 160 ha cho nông trường. Hồi đó, khi đi tuyển dụng lao động cũng không khó lắm do đồng bào cũng hiểu được tiếng mình nên khi trao đổi và hướng dẫn họ làm việc cũng rất thuận tiện. Ngày ấy đường nhựa cũng có, mà xấu lắm, nhỏ ti tí”.
Nói về những ngày đầu xây dựng Công ty Cao su Chư Sê, ông chia sẻ: “Năm 1986, tôi được đề bạt làm Giám đốc Nông trường Ia Tiêm. Hồi đó, cơ quan giao nhiệm vụ cho tôi trồng mới 200 ha cao su chỉ với 10 triệu đồng. Thời bao cấp làm việc gì cũng khó khăn, anh em chúng tôi vật lộn với công cuộc khai hoang suốt năm, suốt tháng, mỗi tháng được 20 kg gạo, gian nan vất vả lắm”.
Đời lính oai hùng
Trong căn nhà nhỏ, chúng tôi rất ấn tượng về những tấm Huân, Huy chương, danh hiệu mà ông được Bác Hồ ký tặng được treo ở vị trí trang trọng nơi góc phòng khách. Năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Chậm rãi rót từng ly trà nóng mời khách, ông bắt đầu câu chuyện về thời cầm súng.
Năm 20 tuổi (năm 1952) ông nhập ngũ làm lính đặc công, thuộc Đại đoàn 36 đóng quân ở huyện Dầu Tiếng. Đến năm 1958 thì chuyển về Hải quân, ở đoàn tàu phóng ngư lôi có tên Tiểu đoàn 135 phân đội 3, đóng quân ở đảo Vạn Hoa – Hải Phòng.
Năm 1966, ông được lệnh vào Nam chiến đấu. “Tôi Nam tiến trên một con tàu không số. Đường Hồ Chí Minh trên biển thì mọi người đều biết, đã đặt chân lên là xác định quên mình. Để tránh sự kiểm tra gắt gao của tàu địch, tàu của chúng tôi treo cờ nước ngoài, treo lưới và các dụng cụ đi biển để ngụy trang. Tôi cũng chỉ được biết trên tàu có 12 thủy thủ và phải tuyệt đối giữ bí mật, chúng tôi không được phép nói chuyện hay hỏi han công việc của nhau, ai biết việc người nấy”, ông hồi tưởng.
Năm 1970 ông về Tiểu đoàn 19 thuộc Đoàn 429 đặc công, đây là đơn vị từng trực tiếp dẫn đường đưa Quân giải phóng qua xa lộ, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Thăng trầm cuộc đời của người cựu chiến binh Phạm Bá Phong không thể kể hết trong một lúc, một chiều nhưng có điều ở ông làm chúng tôi thấy ngưỡng mộ, đó là ý chí sắt đá của người cộng sản và một trái tim nồng hậu. “Trong sự nghiệp cách mạng của tôi, danh hiệu tôi trân trọng nhất là Huân chương do Bác Hồ tặng và Huân chương Chiến công hạng 2”, ông tâm tình.
Trong cuộc sống thường nhật, các cựu binh, đồng đội vẫn thường lui tới ngôi nhà nhỏ của ông để ôn lại những kỷ niệm, những câu chuyện tình người và ngày đầu đi trồng cao su trên Tây Nguyên đại ngàn.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Đỗ Minh Thành - Tấm gương trẻ năng động, sáng tạo
- Rực rỡ sắc màu đồng bào miền núi phía Bắc tại cao su Bảo Lâm
- Đội ngũ công nhân cao su ra đời
- Rcom Bliu - Một cán bộ Đoàn năng động và nhiệt huyết
- "Nghĩa tình là sợi dây gắn bó người lao động với ngành"
- Các đồn điền cao su ra đời
- Kế thừa tình yêu cao su qua 4 thế hệ
- Công nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của ngành cao su
- Người ươm mầm cao su
- Tinh thần Phú Riềng Đỏ sáng mãi