Nông nghiệp công nghệ cao: Tiến tới làm chủ các dự án

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) là 1 trong 5 lĩnh vực, ngành nghề chính của VRG được Chính phủ cho phép đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2017 bắt đầu triển khai cho đến nay, qua báo cáo tổng kết của các ban chuyên môn và các đơn vị thành viên triển khai dự án thì hoạt động NNƯDCNC vẫn ở quy mô nhỏ, ít và tiến độ thực hiện khá chậm. Các dự án NNƯDCNC đã triển khai như ở một số đơn vị đã có hiệu quả tốt, góp phần vào việc tăng doanh thu lợi nhuận cho đơn vị, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Điều này minh chứng rằng, chủ trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện NNƯDCNC của VRG là một chủ trương đúng đắn và các đơn vị cần thực hiện, phải thực hiện để phát triển bền vững.

Từ năm 2017, khi triển khai thực hiện các dự án cho đến nay bằng việc thử nghiệm trồng chuối cấy mô tại Cao su Dầu Tiếng và Phước Hòa. Và sau này đến các đơn vị khác thì hình thức được lựa chọn nhiều nhất là liên kết, hợp tác với các đối tác. Tuy nhiên, định hướng của lãnh đạo VRG trong thời gian tới, tầm nhìn đến năm 2030 các đơn vị phải làm chủ công nghệ, nắm bắt quy trình thực hiện và tiến tới làm chủ đầu tư các dự án NNƯDCNC.

Sau khi thu hoạch, chuối được chuyển về nhà xưởng phân loại theo tiêu chuẩn
Lợi nhuận cố định trong khoảng từ 14 – 32 triệu đồng/ha/năm

Tính đến tháng 9/2022, VRG đã phê duyệt thực hiện tổng cộng 16 dự án tại các công ty thành viên thuộc khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên với tổng diện tích là 4.857,8 ha. Tuy nhiên khu vực Đông Nam bộ mới triển khai được 26% và khu vực Tây Nguyên là 98,6%. Các loại cây trồng chủ đạo là chuối cấy mô (91%), mít changai, bưởi, cây có múi, sầu riêng…

Về hình thức thực hiện, 100% các dự án NNƯDCNC đều là dự án hợp tác liên kết trong đó, có vốn chi phối là 117,08 ha (dự án chuối cấy mô của Cao su Dầu Tiếng góp 51%) còn lại là các dự án còn lại có tỷ lệ vốn góp từ 10 – 30%. Số dự án đã được lập để thực hiện trong khu NNƯDCNC, đã được UBND tỉnh ra Quyết định thành lập là 5 dự án tại các công ty: Đồng Phú, Bình Long, Lộc Ninh, Phú Riềng với tổng diện tích là 1.411.

Hầu hết các dự án hợp tác liên kết có thời hạn từ 10 -20 năm, riêng các dự án tại Dầu Tiếng, Lộc Ninh có thời hạn 20 năm. Các đơn vị thu khoản lợi nhuận cố định trong khoảng từ 14 – 32 triệu đồng/ha/năm ngay từ năm thực hiện đến hết thời gian dự án không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh đã góp phần giải quyết các khó khăn trong việc đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Trong quá trình thực hiện, mỗi đơn vị cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. “Vũ khí” thuận lợi nhất của các đơn vị trực thuộc VRG trong việc triển khai thực hiện NNƯDCNC là đất. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn có sự hỗ trợ rất tốt của địa phương. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn gặp những khó khăn nhất định, có một số đơn vị đã ngưng thực hiện dự án (Hòa Bình), có đơn vị lại không tìm được đối tác để hợp tác (Tây Ninh).

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG nhấn mạnh: “Trong số tổng diện tích đã được phê duyệt, các đơn vị mới thực hiện trồng 1.476,8 ha, chỉ chiếm gần 39%, còn lại 61% là chưa triển khai thực hiện. Lãnh đạo VRG chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị trong quá trình thực hiện các dự án NNƯDCNC. Trong thời điểm giá mủ cao su lên xuống thất thường như hiện nay, doanh thu từ lĩnh vực cao su cũng sẽ giảm, thêm vào đó những đòi hỏi của thị trường về đa dạng sản phẩm nông nghiệp yêu cầu chúng ta phải phát triển NNƯDCNC. Và đây cũng là xu thế phát triển chung của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, lãnh đạo VRG yêu cầu các đơn vị, nhất là người đứng đầu đơn vị phải quyết liệt hơn trong việc thực hiện chủ trương phát triển NNƯDCNC của Tập đoàn”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Văn Thành – TV HĐQT VRG cho rằng, việc phát triển NNƯDCNC giúp các đơn vị giải quyết được rất nhiều việc, nhất là trong tình hình lợi nhuận từ cao su thấp và một số khu vực có diện tích đất không phù hợp phát triển cao su. Ông Phạm Văn Thành cũng đề xuất các đơn vị nên tiếp tục thí điểm NNƯDCNC trên một số diện tích nhỏ. Nếu kết quả thí điểm khả quan thì sau năm 2025, các đơn vị có thể mạnh dạn mở rộng quy mô và tự thực hiện mà không phải phụ thuộc vào các đối tác”.

Cao su Bình Long thực hiện trồng chuối công nghệ cao xen canh trong vườn cây kiến thiết cơ bản
Thành lập thí điểm Khu NNƯDCNC

Trong định hướng giai đoạn từ nay đến 2025, VRG sẽ tiếp tục đầu tư mạnh về lĩnh vực này, phấn đấu đạt mục tiêu tối thiểu 10.000ha diện tích chuyển đổi mục đích từ trồng cao su sang phát triển các loại cây trồng theo hướng NNƯDCNC và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô phù hợp với quy hoạch của các địa phương trong tầm nhìn dài hạn đến 2030.

Hiện tại, hầu hết các đơn vị đang thực hiện theo hình thức liên kết, do đó lãnh đạo VRG đề nghị trong thời gian đầu thực hiện, các đơn vị liên kết, hợp tác với bên ngoài nhưng về lâu dài, các đơn vị phải học hỏi công nghệ, mô hình triển khai để chủ động trong việc này. Bởi vì, đây là ngành nghề chính của VRG, các đơn vị không thể nào phụ thuộc vào đối tác bên ngoài. Đặc biệt, các đơn vị chủ động tìm kiếm đầu ra của sản phẩm. Sản xuất phải tiêu thụ được trên thị trường, đặc biệt là xuất khẩu đi nước ngoài, vì đầu tư vào NNƯDCNC rất lớn, do đó chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các thị trường lớn, thị trường khó tính.

Ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG cho rằng để việc phát triển NNƯDCNC đi vào nề nếp, chỉ có con đường duy nhất là xây dựng Khu NNƯDCNC, nông nghiệp sạch do Thủ tướng quyết định thành lập. Trong thời gian tới, VRG sẽ thí điểm đầu tư thành lập Khu NNƯDCNC kiểu mẫu để từ đó các đơn vị trực thuộc thực hiện tại đơn vị mình. Trong thời gian này, các đơn vị cần tập trung rà soát các quy định của pháp luật trong hợp tác liên kết để đảm bảo triển khai có chặt chẽ và đúng quy định”.

Từ thực tế các đơn vị, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG khẳng định các đơn vị khi triển khai NNƯDCNC gặp nhiều trở ngại trong “không gian pháp lý”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các đơn vị có rất nhiều khả năng thực hiện được NNƯDCNC vì doanh thu, lợi nhuận lĩnh vực này mang lại cao hơn thu nhập bình quân/ha cao su của đơn vị. Đồng thời, ông nhấn mạnh việc chuyển đổi cây trồng cần được duy trì và phát triển, các đơn vị phải đánh giá hiệu quả của từng giai đoạn liên doanh, liên kết, từng bước tiếp cận, học tập công nghệ khoa học kỹ thuật…

LÂM KHANH. Ảnh: VŨ PHONG