CSVN – Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) tuy là lĩnh vực đem lại doanh thu, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đi kèm với đó là các rủi ro về dịch bệnh trên vườn cây, thị trường tiêu thụ và nhất là khung pháp lý vẫn chưa hoàn thiện để các doanh nghiệp có thể phát triển lĩnh vực này một cách “trơn tru”.
Không ít thách thức, trở ngại
Đối với Việt Nam, việc phát triển NNƯDCNC chỉ mới bắt đầu hơn 10 năm về trước. Và đến nay, một số công ty, tập đoàn đã có hiệu quả bước đầu trong lĩnh vực này nhưng con số các doanh nghiệp thành công “vang dội” vẫn còn ít và chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và yêu cầu phát triển của thực tế. Những năm gần đây, khái niệm NNƯDCNC ngày càng có chỗ đứng và ít nhiều hiện diện trong các thay đổi phương thức canh tác và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay các mô hình như trồng rau thủy canh, khí canh, trồng rau, trái cây trong nhà kính đã dần quen thuộc với nhiều người.
Nếu thực hiện thành công thì lợi nhuận của các sản phẩm NNƯDCNC mang lại rất lớn. Tuy nhiên, xét về những trở ngại, thách thức cho các cá nhân, tập thể thực hiện thì không thiếu. Đó là vốn đầu tư phát triển NNƯDCNC là rất lớn, gấp đôi, thậm chí gấp ba và nhiều lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, là những yêu cầu cao về nguồn nhân lực phải có trình độ, sử dụng được thiết bị công nghệ hiện đại, nắm bắt quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch. Sản phẩm tốt yêu cầu phải có thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài… Có như thế thì “vòng tuần hoàn” của NNƯDCNC mới dần trở thành vị trí chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trường Thọ – Phó TGĐ Cao su Dầu Tiếng cho biết: “Công ty có nhiều thuận lợi để chuyển đổi sang các lĩnh vực SXKD có giá trị tăng cao hơn như lĩnh vực NNƯDCNC. Do đó, công ty đã xác định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cao su sang đầu tư các dự án NNƯDCNC là giải pháp trước mắt và lâu dài trong chiến lược phát triển của công ty”. Tháng 1/2022, UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất việc chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất theo đề nghị của công ty giai đoạn 2021 – 2030 là 14.919 ha, chiếm 53,4% tổng diện tích đang quản lý, sử dụng. Trong đó, khu NNƯDCNC là 2 khu với diện tích 2.712 ha.
Từ năm 2017, trên cơ sở sự chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án NNƯDCNC của VRG và chủ trương cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND tỉnh Bình Dương, công ty đã hợp tác với các đối tác để triển khai 3 dự án NNƯDCNC để trồng chuối cấy mô và bưởi da xanh trên diện tích khoảng 360 ha/2.712 ha, chiếm 13% diện tích được quy hoạch.
Trong quá trình triển khai dự án, công ty nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp. Đồng thời, các đối tác hợp tác với công ty đều có thị trường đầu ra ổn định, có kinh nghiệm thực hiện thành công các dự án tương tự. Hiện tại, các dự án đang trong quá trình SXKD theo kế hoạch. Bình quân thu nhập của công ty (từ thu phí hạ tầng đã đầu tư trên diện tích đất công ty được giao quản lý) từ các dự án NN ƯDCNC khoảng 25 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công ty cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Nhất là rủi ro về dịch bệnh. Đối với dự án 1, quý II/2020, hiệu quả đạt theo tiến độ kế hoạch. Tuy nhiên từ quý III/2020, do phát sinh bệnh héo rũ Panama trên cấy chuối (trên thế giới chưa có giải pháp phòng, trị hiệu quả), dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng trị nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu, khiến diện tích số cây trên vườn hiện tại bị thu hẹp, từ đó làm giảm sản lượng, doanh thu và hiệu quả của dự án, công ty buộc phải xử lý kết thúc dự án.
Ông Nguyễn Trường Thọ cũng cho biết, về kinh nghiệm trong lĩnh vực này, công ty không có kinh nghiệm về kỹ thuật, thị trường để tự chủ động thực hiện các dự án.
Đối với Cao su Đồng Phú, 160 ha trồng chuối cấy mô đã giúp đơn vị thu lợi nhuận 29 triệu đồng/ha. Các dự án sau công ty có góp vốn 10% và lợi nhuận thu được dao động 28 – 30 triệu đồng/ha. Ông Hồ Cường – TGĐ công ty cho biết: “Công ty hợp tác với đối tác có kinh nghiệm, hiện nay vườn chuối đã thanh lý để trồng lại chu kỳ 2, thời gian hợp tác với đối tác là 10 năm. Trong quá trình thực hiện, công ty cũng gặp nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, định hướng của công ty là trong thời gian tới sẽ mở rộng để làm vùng NN ƯDCNC với diện tích ít, tiếp cận, nghiên cứu về cây giống, thị trường và chủ động đầu tư”.
Vướng mắc về pháp lý
Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tích hợp đến năm 2050 là dành 97% quỹ đất cho phát triển các ngành công nghiệp – dịch vụ, đô thị và 3% để phát triển nông nghiệp. Việc chuyển dịch ngành nghề, cây trồng trên địa bàn phải phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao giá trị sử dụng hiệu quả trên đất. Tuy chỉ dành 3% cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên tỉnh Bình Dương cũng dành nhiều ưu tiên cho phát triển NNƯDCNC.
Cao su Phước Hòa xây dựng kế hoạch chuyển đổi 500 ha để phát triển NNƯDCNC, nhưng bước đầu công ty liên kết với đối tác thực hiện được hơn 44 ha. Lãnh đạo công ty cho biết, NNƯDCNC cần đầu tư rất cao, kỹ thuật thâm canh cao… Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh đối với việc phát triển NNƯDCNC, công ty xin thí điểm 100 ha khoán cố định để tìm hiểu đầu tư có hiệu quả hay không và tính pháp lý, cơ sở nào để mở rộng. Công ty triển khai trên đất có diện tích cao su đến hạn thanh lý. Các yếu tố về kỹ thuật, giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tiêu thụ hoàn toàn đối tác. Qua 3 năm thực hiện, công ty thu lợi nhuận cố định hơn 1,6 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, do dịch bệnh panama nên chuối chết sau 1 – 3 vụ thu hoạch, đối tác thiệt hại lớn. Từ thực tế, đơn vị vẫn còn nhiều lúng túng không biết đầu tư như thế nào cho hiệu quả.
NNƯDCNC là một lĩnh vực khá mới mẻ, do đó Cao su Bình Long rất thận trọng trong quá trình triển khai thực hiện. Công ty đã thí điểm hợp tác liên kết đầu tư trồng chuối cấy mô với 75 ha đầu tiên, góp vốn 3 tỷ đồng và thu về lợi nhuận 20%, trong 5 năm đơn vị sẽ thu hồi vốn. Và với bước đầu thực hiện có hiệu quả, năm 2022 công ty tiếp tục ký kết hợp tác để trồng tiếp 75 ha cũng với hình thức góp vốn 10%/tổng số vốn của dự án. Như vậy, Cao su Bình Long đã triển khai được hai mô hình với diện tích 150 ha/350 ha được phê duyệt. Trong các dự án, công ty đã cử cán bộ tham gia ban điều hành quản lý.
Ông Lê Văn Vui – TGĐ công ty cho biết: “Công ty quy hoạch 1.600 ha/14.500 ha để phát triển NNƯDCNC, tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn còn chậm bởi công ty rất thận trọng trong hình thức liên doanh liên kết vì về lâu dài chúng ta không thể thực hiện mãi theo hình thức này”.
Theo ông Vui, khó khăn ngoài yếu tố về con người, kỹ thuật, thị trường thì vẫn còn khó khăn về nguồn điện, nước để phục vụ cho dự án và khó khăn nhất vẫn là vướng các yếu tố về pháp lý nên nhiều đơn vị chưa dám thực hiện đồng loạt. “Về lâu dài, các đơn vị cần phải hình thành nông trường, đơn vị trực thuộc công ty để thực hiện NNƯDCNC. Chúng tôi cũng mong muốn VRG có quy định chung hướng dẫn hướng đi lâu dài về mô hình, pháp lý tổ chức quản lý trong lĩnh vực này”.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Đảng bộ Cao su Ea H’leo phấn đấu kết nạp từ 30-40 đảng viên
- Đội 2 Nông trường VII về trước kế hoạch sớm nhất Cao su Lộc Ninh
- MDF VRG Kiên Giang nỗ lực ổn định nguồn nguyên liệu
- Thưởng 75 triệu đồng cho đơn vị đầu tiên vượt kế hoạch tại Cao su Dầu Tiếng
- Ông Trần Minh giữ chức Chủ tịch HĐQT Cơ khí Cao su
- Khuyến khích người dân Lào gắn bó lâu dài với ngành cao su
- Cao su Chư Prông phát huy sức mạnh tập thể, lập thành tích cao
- Cao su Tân Biên: Chia cổ tức 12%
- Cao su Chư Păh được đề nghị tặng Cờ thi đua Chính phủ
- Chị Nông Thị Phương giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ Cao su Chư Mom Ray