Tổ chức công ty cao su đại điền ở Việt Nam

(tiếp theo kỳ trước)

CSVN – Nhìn cách “sống” của đồn điền người ta cho rằng đó là hình mẫu thu hẹp của một xứ thuộc địa, một không gian thuộc địa khép kín. Vườn cao su mỗi ngày được rộng thêm, công nhân tập trung ngày càng đông đảọ hơn. Người ta vui mừng trước vùng đất đỏ ngày xưa âm u này đang thay da đổi thịt.

Cảnh chờ nhận lương của công nhân

Uy quyền của ông chủ ngày càng tăng, ngày càng rộng. Và con người của ông chủ cũng thay đổi theo. Ông chủ tỏ ra tàn bạo hơn trước. Công nhân sợ ông chủ, có người gặp ông chủ không dám ngước mặt lên.

Trần Tử Bình trong “Phú Riềng Đỏ” đã mô tả người giám đốc đồn điền như một ông vua con. Người ta sợ ông ta vì trong tay ông ta có một bọn lính đánh thuê, vì ông ta có nhiều tiền. Sau lưng ông ta có các nhà ngân hàng. Bên cạnh ông ta có bọn chủ tỉnh người Pháp và một số quan cai trị khác cũng là người Pháp như chánh sở cảnh sát (ông cò), quan Biện lý, quan Chánh án… Ở Nam Kỳ lúc đầu bọn quan lại bản xứ như tri huyện, tri phủ, chánh phó tổng… đều chưa “xáp” được với ông chủ mà phải đợi đến thời Ngô Đình Diệm, khi chế độ xã, ấp thay thế cho độc quyền cai trị của chủ đồn điền thì bọn quan làng mới bắt đầu cất tiếng nói yếu ớt của mình. Nhưng bọn này rồi cũng bị ông chủ vô hiệu hóa không khó khăn lắm.

Như vậy ông chủ có đường dây tài chính mạnh, đường dây hành chính vững. Người công nhân cho rằng ông thủ là người “bất khả xâm phạm”, nếu lỡ đụng đến thì không tránh khỏi bị tù mọt gông. Nhưng còn một đường dây khác không kém phần sức mạnh của ông chủ là đường dây tinh thần, nối liền ông chủ với giáo đường. Nhà thờ đi đầu; các tôn giáo khác yếu thế hơn đi sau. Khi công nhân tập hợp được vài ngàn người lúc ấy đồn điền đã có vài nghìn hecta cao su, cũng là lúc đồn điền xây nhà thờ, rước cha cố về “lo phần hồn” cho công nhân, ông chủ dựa vào cha cố để giáo dục công nhân khuyên họ làm điều thiện, răn đe họ không bạo loạn, không lãn công… Uy quyền của ông chủ đồn điền đã có nền tảng vững chắc. Ổng chủ không tiếp xúc trực tiếp với công nhân mà mọi việc đều thông qua bọn phụ tá đồn điền, bọn xu cai. Chính bọn trung gian này đã gây nhiều dau thương nhất cho công nhân.

Tổ chức công ty cao su đại điền ở Việt Nam

Những qui định của Nhà nước thuộc địa

Theo qui định chung của chính quyền thuộc địa thì mỗi công ty cao su phải có hai trụ sở: một ở ngoài Nam Kỳ (ở Paris hay ở một nơi nào khác miễn là thuộc địa của Pháp) và một ở Nam Kỳ.

Tại trụ sở ở nước ngoài có Hội đồng Quản trị chịu trách nhiệm quản lý công ty, vạch chương trình hành động hàng năm cho công ty. Hội đồng Quản trị không phải là cơ quan điều hành mà giao quyền điều hành cho một số người được tín nhiệm thực hiện tại chỗ. Tại Nam Kỳ, để điều hành công việc hằng ngày của công ty có một ủy ban điều hành gồm một số thành viên Hội đồng Quản trị được ủy nhiệm hay một Administrateur délégué (một Quản trị viên được ủy quyền).

Ở Việt Nam, việc quản lý công ty thường giao cho Tổng Giám đốc. Người này nhất thiết phải là người Pháp, ông ta liên hệ trực tiếp với trụ sở ở châu Âu và có đội ngũ cán bộ giúp việc. Từng thời kỳ tự Tổng Giám đốc làm bảng yêu cầu vật tư, trang thiết bị cho toàn công ty; ông ta tự mua sắm lấy sau khi được duyệt hay gởi về cho Trụ sở châu Âu thực hiện việc mua hàng. Ba tháng một lần, hay thường xuyên hơn,

Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc kiểm tra đồn điền một lần; mỗi lần kiểm tra đều có bản báo cáo kiểm tra gởi lên cho ủy ban điều hành hay người Administrateur délégué, một bản sao gửi cho Giám đốc đồn điền được kiểm tra.

Ngày mồng một hằng tháng, Giám đốc đồn điền gởi cho Tổng Giám đốc những số liệu về sản xuất của tháng vừa qua tình hình dự trữ cuối tháng và dự trữ kinh phí cho tháng đang bắt đầu. Những tài liệu này được diện về trụ sở châu Âu bằng mật mã. Sau khi xem xét, Trụ sở châu Âu sẽ chuyển kinh phí bằng điện tín cho Giám đốc đồn điền thông qua Tổng Giám đốc công ty.

Ngày 10 hằng tháng, Giám đốc đồn điền làm báo cáo về tình hình kỹ thuật của tháng cho Tổng Giám đốc.

Ngày 20, gởi các tài liệu kế toán, bảng cân đối thu chi, tình hình khai thác và các báo biểu thống kê. Tất cả các tài liệu kế toán đều tập trung tại trụ sở của công ty. Ở đây người ta làm bảng cân đối chung báo cáo thống kê/tháng. Dựa vào đó, người ta có thể đối chiếu và so sánh các số liệu về sản xuất, khai thác mủ, chế biến và các khoản chi tiêu của các đồn điền.

Trong một công ty có hai loại kế toán:

– Kế toán đồn điền, làm riêng cho mỗi đồn điền và các bảng cân đối gởi cho Tổng Giám đốc để hợp thành bảng cân đối chung ở công ty tại Nam Kỳ.

– Kế toán tổng quát do trụ sở ở châu Âu làm.

Sau đây là cơ cấu tổ chức của một công ty cao su Việt Nam:

Cụ thể trong các công ty cao su Pháp ở Việt Nam, chúng ta thấy công việc quản lý đều chia thành 3 cấp :

+ Cấp công ty với một Tổng Giám đốc (hay một Tổng thanh tra, trong trường hợp thuê người nước ngoài) có trách nhiệm điều hành mọi công việc sản xuất, kinh doanh hành chính, quản trị, giao dịch, mua bán.

Tổng Giám đốc có 3 bộ phận giúp việc, đứng đầu là 1 Giám đốc

Giám đốc sản xuất kinh doanh Giám đốc kỹ thuật

Giám đốc hành chính, tài chính thương mại

Cấp đồn điền: Có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc sản xuất trong đồn điền. Đứng đầu là Giám đốc đồn điền. Không nghe nói có Phó Giám đốc.

Dưới Giám đốc có 1 – 2 phụ tá người Pháp (họa hoằn mới có một người Việt Nam) phụ trách vườn cây, xưởng chế biến hay xưởng cơ khí. Giám đốc đồn điền lãnh đạo Phòng kỹ thuật, Phòng Y tế và công tác xã hội, Phòng kế toán và thống kê, Phòng cung ứng vật tư và bán cao su.

+ Cấp làng (đội) phụ trách công việc sản xuất trên một diện tích từ 250 – 400 ha cao su, với khoảng 120- 250 công nhân. Cấp làng do một thầy xu cai quản; nếu là làng lớn thì có thêm một thầy xu. Hai hoặc ba làng có 1 xu xếp (surveillant-chef) phụ trách.

(xem tiếp kỳ sau)

CSVN

(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)

Cao su đại điền – hình thành và phát triển