CSVN – Ngày 18/8, tại thành phố Huế, TCT Cao su Đồng Nai và Trường Đại học Khoa học Huế đã tiến hành Hội thảo nghiệm thu đề tài “Công ty Cao su Đồng Nai – Hành trình xuyên thế kỷ – Những dấu ấn và giá trị trường tồn” tập 1 (1906-1986). Đây là một đề tài khoa học lịch sử được TCT và Trường Đại học Khoa học Huế hợp tác sưu tầm nghiên cứu và biên soạn, do PGS.TS Hoàng Văn Hiển – Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Huế làm chủ nhiệm đề tài.
Tập 1 dày 605 trang được nghiệm thu đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống CSVN (28/10/1929 – 28/10/2022). Đang tiến hành biên soạn tập 2 (1986 – 2025) chào mừng 50 năm ngày thành lập TCT (1975 – 2025) do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành. Công trình có 8 chương, 21 mục:
– Chương 1: Sự hiện diện của người Pháp ở Đồng Nai và những hệ quả (cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX).
– Chương 2: Công nhân Cao su Đồng Nai trong những năm đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945).
– Chương 3: Độc lập dân tộc hay là chết – Hòa chung lời thề sắt son trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
– Chương 4: Công nhân Cao su Đồng Nai cùng cả nước đánh bại âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ và chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ – Quân đội Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1965).
– Chương 5: Huyện đồn điền cao su lãnh đạo phong trào đấu tranh xây dựng vùng cao su Đồng Nai (1965 – 1976).
– Chương 6: Công ty Cao su Đồng Nai trong 10 năm xây dựng, từng bước tiếp nhận, chuyển đổi mô hình quản lý và tham gia bảo vệ Tổ quốc 1976 – 1986.
– Chương 7: Công tác chăm lo đời sống công nhân và thực hiện các chính sách xã hội 1976 – 1986.
– Chương 8: Những tên đất, tên người sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, quê hương.
Đây là một công trình hết sức có ý nghĩa được Ban lãnh đạo TCT đặc biệt quan tâm và quyết tâm thực hiện. Tác phẩm là pho sử vàng chói lọi đất, người, cây cao su Đồng Nai suốt chặng đường lịch sử xuyên thế kỷ gắn liền và là bộ phận hợp thành, nằm trong lịch sử phong trào công nhân Cao su Việt Nam (đã xuất bản và tái bản lần 2). Những tên đất, tên người, sự kiện lịch sử, những chiến công, những dấu ấn, thành tựu và giá trị trường tồn của Cao su Đồng Nai và bức tranh lịch sử toàn cảnh với những màu sắc nhuốm thời gian đầy sinh động, hào hùng hòa vào dòng thác cách mạng của dân tộc, đất nước. Tất cả được tổng hợp, ghi chép, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử. Được đánh giá một cách khách quan, khoa học, cụ thể và biện chứng.
Cuốn sách được biên soạn dựa trên nhiều nguồn tư liệu thành văn có thật trong nước và ngoài nước nên sẽ là tài liệu quý góp phần tìm hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử ngành cao su Việt Nam, lịch sử cuộc kháng chiến chống xâm lược trong suốt những năm chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt đối với công nhân cao su Đồng Nai, đó là tài liệu góp phần vào việc nhận thức lịch sử của chính họ, đồng thời nhằm ôn lại quá trình đấu tranh cách mạng vẻ vang, gian khổ hy sinh của các thế hệ công nhân đi trước. Để lại giá trị truyền thống muôn đời con cháu mai sau.
Tính đến nay 125 năm cây cao su có mặt tại Việt Nam (1897), 93 năm truyền thống Cao su Việt Nam (28/10/1929 – Thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng – Phú Riềng Đỏ). Đối với Đồng Nai, cây cao su được trồng đầu tiên vào năm 1906 tại đồn điền Suzannah (Xu – za – na) ở Dầu Giây. Đến năm 1924, toàn tỉnh Biên Hòa có 30 sở đồn điền, đến năm 1930, số lượng công nhân cao su ở Biên Hòa – Đồng Nai đã lên đến 15.000 người.
Từ Đồn điền Dầu Giây đến TCT Cao su Đồng Nai 2 lần Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang 2005, Anh hùng lao động 2007). Qua mỗi giai đoạn lịch sử, cuốn sách đã làm sống lại quá trình đấu tranh, cống hiến và làm việc hết mình của công nhân cao su Đồng Nai đã góp phần to lớn sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, làm nên sự đổi thay cho đất nước, nhưng trong mỗi bước đi ấy đều gắn liền với sự hy sinh gian khổ, thử thách lớn lao.
Giai cấp công nhân ở Đồng Nai trong 80 năm hình thành và phát triển (1906 – 1986). Từ Phú Riềng Đỏ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trải qua những chặng đường đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ công nhân Cao su Đồng Nai đã hiến dâng tất cả sức lực, trí tuệ, mồ hôi, nước mắt, xương máu cho đất nước, quê hương, cho độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc của nhân dân. Không phân biệt già, trẻ, gái, trai, người Kinh, người đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo… Họ đã sống, chiến đấu, xây dựng và chiến thắng hết sức vẻ vang. Xứng đáng Cao su Đồng Nai anh hùng.
LINH ĐAN
Related posts:
- VRG quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu cao hơn năm 2021
- Nồng ấm Tháng Công nhân
- Háo hức niềm vui khi Xuân về
- Thành công của cao su Tân Biên - Kampong Thom góp phần tô thắm tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
- Gặp người thổi hồn vào tượng nhà mồ
- Phóng viên Tạp chí Cao su VN đạt giải báo chí về học và làm theo Bác
- Niềm vui của những "chân đi"
- Cao su Sơn La thực hiện tốt mục tiêu kép
- Quán triệt triển khai quy định, hướng dẫn của Trung Ương về tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước
- Không sợ vất vả, chỉ sợ cây không cho mủ !