CSVN – Xuất thân trong gia đình có 3 thế hệ làm công nhân cao su, chị Lưu Thị Nguyên – Cao su Chư Păh rất tự hào về truyền thống của ngành, của gia đình mình.
Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước
Mới 8 tuổi, cô bé Lưu Thị Nguyên đã cùng 4 anh chị em khăn gói theo cha mẹ là ông Lưu Thiện Thiết và bà Lê Thị Thảo – Công nhân cao su của Nông trường Quốc doanh Thống Nhất (Thanh Hóa) vào xây dựng Nông trường Cao su Ninh Đức (tiền thân của Công ty Cao su Chư Păh). Ông Thiết là lính lái xe Trường Sơn, từng được công nhận là “Kiện tướng lái xe” nên được phân công làm lái xe, còn bà Thảo làm tạp vụ Đội công trình.
Khi chị vừa tròn 14 tuổi, mẹ của chị đã không qua khỏi trong ngày đi đào hào thoát nước vì trúng mìn. 6 năm sau, người cha thân yêu của chị cũng rời bỏ gia đình ra đi mãi mãi vì bệnh tật. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, con đường đèn sách của chị đành lỡ hẹn. 17 tuổi, chị xin vào làm công nhân của nông trường. Để có thêm tiền trang trải, ngoài phần cạo chính, chị còn nhận cạo thêm nhiều phần cây khác. Chị nói: “Lúc đó đi cạo không như bây giờ, không kiềng, không mái che mưa, chỉ đóng cọc buộc dây để giữ chén hứng mủ. Sau khi thu mủ phải gánh về chứ cũng không có xe đạp để vận chuyển, gánh xa cả cây số, đi toàn lối mòn với đường rừng thôi”.
Ngày tháng trôi qua, sự tận tụy đã giúp chị trở thành hạt giống đỏ trong đội thi thợ giỏi cạo mủ vào những năm 90 của thế kỷ trước. Chị kể: “Thời ấy, mỗi năm thi một lần từ tổ đến nông trường, rồi công ty, có năm thi khu vực Tây Nguyên – miền Trung nữa, nhưng tôi chưa gặt hái được thành tích cao”. Nhưng trời không phụ người có lòng, những kinh nghiệm đúc kết qua nhiều lần thi đã giúp chị được xướng tên trên vị trí vinh dự khi giành giải nhất Hội thi thợ giỏi cấp công ty năm 2003. Chị đã nghỉ hưu được 8 năm, hiện nay 2 người con trai và 1 con dâu cũng theo nghề của mẹ vào làm công nhân cao su tại đơn vị. Con trai chị là anh Nguyễn Lưu Thành ở Tổ 11, làm công nhân được gần 10 năm nhưng đã 2 lần tham gia Hội thi thợ giỏi cấp nông trường và 1 lần cấp công ty. Con dâu Nguyễn Thị Minh – Tổ 10, cũng tiếp bước chồng, phát huy truyền thống gia đình phấn đấu trở thành thợ giỏi đại diện cho NLĐ của tổ tham gia tranh tài lần đầu tiên sau nhiều năm nỗ lực.
Nghề cạo mủ giúp chúng tôi ổn định cuộc sống
Từ đôi bàn tay trắng vào Tây Nguyên lập nghiệp. Sau bao biến cố, nỗ lực vượt khó, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định. Tuy không giàu có, nhưng gia đình chị cũng khá đủ đầy và viên mãn với kinh tế phát triển, con cái trưởng thành. Dù đã nghỉ hưu nhưng chị vẫn là công nhân hợp đồng của nông trường với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng, cộng với lương hưu cũng hơn 10 triệu. Chị cho hay: “Nghề cạo mủ đã cho gia đình tôi nhiều thứ, nhiều cảm xúc, thành tích và vinh dự cùng những giải thưởng, bằng khen… Hiện nay, gia đình chúng tôi, các con cái sống cạnh nhau ở thôn 5, xã Nghĩa Hòa, một trong những cái nôi truyền thống của công nhân Cao su Chư Păh”.
Cùng chị ra Tổ 10 thăm nơi công tác, nay là công nhân hợp đồng và cũng là nơi người con dâu Nguyễn Thị Minh đang làm việc, chúng tôi cảm nhận được một không khí rất khẩn trương, ai cũng tranh thủ xong việc để về chuẩn bị tham gia Hội thi Bàn tay vàng cấp nông trường.
Tranh thủ lúc 2 mẹ con ôn lại kỷ niệm ngày chị Nguyên tham gia thợ giỏi còn lưu trên điện thoại, chúng tôi trao đổi với chị Minh về truyền thống gia đình, chị Minh bày tỏ: “Tôi thấy rất tự hào về truyền thống của gia đình nhà chồng, cha mẹ ruột tôi cũng làm công nhân cao su ở đây nên tôi rất biết ơn và trân trọng sự đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh đã xây dựng nên vùng đất cao su trù phú ở Ia Nhin như hôm nay. Cao su đã giúp bao gia đình công nhân thoát nghèo, tiếp sức cho bao bạn trẻ bay cao, thực hiện giấc mơ vượt khó. Truyền thống đó đã giúp cho chúng tôi gần nhau hơn”.
GIA LINH
Related posts:
- Một giám đốc nông trường đam mê sáng tạo
- Nông trường Cồn Tiên đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Quảng Trị
- Thanh niên VRG kế thừa truyền thống, góp sức xây dựng Tập đoàn phát triển
- Đa dạng giải pháp nhằm ổn định lao động
- Trí thức trẻ tâm huyết với ngành: Xông pha lên vùng cao
- Truyền thống vẻ vang của ngành là động lực để thế hệ trẻ phấn đấu, góp sức vượt khó
- Tận tâm với cây và đất
- “Các đơn vị tại Lào cần tăng cường giải pháp để sản xuất kinh doanh năm 2024 có hiệu quả”
- "Giải thưởng tiếp thêm động lực để thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ"
- Nỗ lực đạt danh hiệu "Bàn tay vàng"