Từ cô du kích Quảng Trị đến hai lần trở thành Đại biểu Quốc hội

CSVN – Một người vợ tảo tần hôm sớm, chu toàn nơi hậu phương để chồng yên tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, người phụ nữ ấy có những đóng góp to lớn cho đất nước bằng tiếng nói của mình trên cương vị là đại biểu Quốc hội. Người mà chúng tôi nhắc đến đó là bà Nguyễn Thị Liệu – Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IV, V, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su Bình Long.

Bà Liệu giữ gìn những kỷ vật để con cháu có thể hiểu thêm về lịch sử, về một thời đạn bom mất mát nhưng vô cùng hào hùng
Người con Quảng Trị có những đóng góp to lớn cho bà con Thanh Hóa

Đón chúng tôi đến thăm nhà là một bà mẹ miền Trung năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn rất rạng rỡ trong bộ đồ bà ba màu tím. Trong căn nhà 3 gian, mọi thứ bày biện rất đơn giản và gợi cho chúng tôi nhớ đến những năm tháng thanh xuân sôi nổi và đầy dấu ấn cách mạng của người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất hào hùng của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

17 tuổi, độ tuổi trăng tròn, ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm của người trẻ sinh ra trong thời đất nước còn binh biến, bà tình nguyện tham gia lực lượng du kích chống Pháp ở vùng tạm chiến, có nhiệm vụ đưa rước bộ đội đi lại an toàn và canh gác những động tĩnh của giặc để báo về tổ chức. Lần giở những cuốn album hình nhuốm màu thời gian, câu chuyện của cuộc đời bà như một cuốn phim quay chậm, sắc nét và đầy sống động.

Những ngày tháng “bẻ gãy sừng trâu” đó, bà cùng với các chị em trong đội ngày đêm đào hầm. Cũng trong những ngày tháng đó, bà gặp gỡ với định mệnh cuộc đời mình, bà lập gia đình cùng với một chàng trai xứ Thanh trên quê hương Quảng Trị. Chàng trai đó cũng như bà, đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường vì độc lập dân tộc. Thời chiến, mấy ai kết hôn được ở cùng nhau, chồng là bộ đội, nay đóng quân nơi này, mai đã rời đi nơi khác. Vợ chồng bà cũng vậy nhưng cả hai không lấy đó để phiền lòng, bởi chiến tranh muôn vàn khó khăn, cái lý tưởng lớn lao nhất đó là tình yêu với quê hương đất nước, chỉ có đất nước được thống nhất thì Nam – Bắc sum họp, gia đình đoàn tụ.

Bà nói: “Sinh ra trong cảnh đất nước còn chiến tranh, chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều nung nấu tinh thần cống hiến công sức mình vào cuộc chiến chống thực dân. Tuy là những người tuổi đời còn trẻ nhưng ai cũng có ý chí sắt đá, sẵn sàng hi sinh, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc”.

Năm 1962 bà đến Thanh Hóa, là quê hương của chồng, tại đây bà được phụ trách Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa, lúc này bà và chồng đã có một người con. Chồng biền biệt xa nhà đi kháng chiến, bà cũng như nhiều chị em khác được động viên ở lại “3 sẵn sàng, 3 đảm đang” để chi viện cho miền Nam. Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa của bà có 12 – 17 chị em nữ, bất kỳ việc gì các chị em đều xắn tay áo vào làm, từ đi cày cho đến lợp nhà, lái xe.

Bà tâm tình: “Trong suốt khoảng thời gian này, cái vất vả của ai cũng như nhau cả, không có ai là sung sướng, vậy nên một người làm bằng hai, bằng ba vì miền Nam ruột thịt. Là tổ trưởng, tôi tự răn mình luôn gương mẫu để chị em trong tổ noi theo, sáng sáng tôi để hai con vào hai thúng quang gánh gánh đi gởi trẻ, nhà trẻ thời đó ở trong rừng”.

Thời gian đó, Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa của bà nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với cương vị là người chỉ huy, 8 năm liền bà đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 1970, với những thành tích nổi bật và sự đóng góp cho địa phương, cho đất nước, bà được bầu chọn vào Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Mỗi lần đi họp Hội đồng bà đạp xe đạp gần 60km, ngày đó đường sá đi lại khó khăn, con nhỏ ở nhà không ai giữ nên phải đem 2 đứa đi theo, bà vào họp thì ở ngoài đứa lớn coi đứa nhỏ.

Năm 1971, bà được nhân dân tín nhiệm bầu đại diện cho nhân dân tỉnh Thanh Hóa làm Đại biểu Quốc hội khóa IV và liên tục sau đó, bà “được lòng” bà con nên tiếp tục tham gia khóa V. “Ưu đãi” của đại biểu Quốc hội thời đó là đi tàu, đi xe công cộng sẽ được ưu tiên ngồi hàng ghế đầu. Thế nhưng bà cũng không hề tận dụng điều đó mà lúc đến còn chỗ nào sẽ ngồi chỗ đó, vì tâm thế của người chiến sĩ cách mạng bà luôn răn dạy mình sống tử tế. Trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến cuối năm 1976, bà trải qua nhiều nơi công tác khác nhau, thường xuyên đi viện trợ cho những nơi khó khăn, và dù mỗi điểm đến khó cách mấy bà cũng không lùi bước.

Thẻ đại biểu Quốc hội là một trong những kỷ vật quý giá của bà
Nữ cán bộ Công đoàn và hành trình bám lô, gần NLĐ

Là người con của quê hương Quảng Trị nhưng bà được nhân dân Thanh Hóa ghi nhận và biết ơn vì những đóng góp của bà cho sự phát triển của Nông Cống, Nga Sơn, Thanh Hóa. Năm 1977, ông xã của bà là một trong những thành viên của đoàn cán bộ khung vào tiếp quản Nông trường Quốc doanh Cao su Quản Lợi (sau này là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long). Hết thời chiến, chồng tiếp tục biền biệt xa nhà để phát triển cao su ở tận miền Nam, còn bà ở lại quê nhà. Mãi đến tháng 7/1980, khi có quyết định của Bộ Nông Nghiệp vào Tổng cục Cao su làm việc thì bà cùng các con khăn gói lên đường vào Nam để đoàn tụ với chồng và lập nghiệp ở vùng đất mới.

Hành trình vào Nam ngày ấy không hề dễ dàng. Để đi từ Thanh Hóa vào đến Bình Phước bà phải đi 4 chặng. Trong đó, bà nhẩm tính từ Thanh Hóa đi tới Đồng Nai đã trải qua cả chục bến xe. Bà kể: “Mỗi lần tới bến xe nào là mẹ con chúng tôi trải chiếu ngủ ngay đó để chờ khi nào mua được vé lại tiếp tục hành trình”.

Vào Cao su Bình Long, bà phụ trách công tác chế độ chính sách, tiền lương. Gia đình bà được công ty bố trí cho ở nhà tập thể của đơn vị. Hai năm sau bà chuyển qua làm Trưởng Ban nữ công, rồi được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Công đoàn công ty. Bà giữ chức vụ này đến năm 1990 thì nghỉ hưu theo chế độ.

Bà tâm tình: “Chiến tranh bom đạn tàn phá khốc liệt, không một nơi nào trên đất nước Việt Nam là không bị ảnh hưởng. Những vườn cây cao su oằn mình dưới bom đạn, che giấu bộ đội, cũng những vườn cây cao su đó biết bao công nhân mình vừa làm việc vừa vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sau giải phóng, cả nước bước vào công cuộc gầy dựng đất nước. Công nhân cao su những năm tháng đó vất vả lắm, những vườn cây còn sót lại bom mìn, bà con khai hoang trồng mới vướng phải nên hi sinh cũng không ít, rồi bệnh sốt rét. Máu xương và nước mắt của các thế hệ cha anh ngày đó đã đổ xuống để Cao su Bình Long vẻ vang như hôm nay”.

Khởi sự chặng đường mới trong vô vàn gian khó, người phụ nữ trong Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa, người đại biểu Quốc hội những năm tháng trước đã cất giấu khoảng thời gian đẹp đẽ vào trong tim, những kỷ vật một thời thanh xuân được “bó vào 1 bó, không để ý tới” để hòa nhập cuộc sống mới. Bước đầu tiên là lo ổn định nơi ăn ở, lo cho các con được đến trường và lo tròn vai trong công việc mới.

Với vai trò là cán bộ Công đoàn, đôi chân của bà in dấu trên khắp các vườn cây, nông trường, gắn bó gần gũi với người lao động. Bằng tình cảm, bằng tâm huyết với nghề, với người lao động, bà luôn quan tâm và đấu tranh để người lao động được thụ hưởng những chế độ, phúc lợi tốt nhất trong khả năng của đơn vị. Những năm 1980 – 1990, hình ảnh của người phụ nữ với vóc dáng thanh mảnh, hiền lành, phúc hậu đọng lại trong lòng của người lao động về một “bà Liệu chất phác, gần dân”.

Trong ngôi nhà ba gian được xây dựng năm 1983, bà lưu giữ rất kỹ những kỷ vật, hình ảnh của của một thời đạn bom và hình ảnh của chị em Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa. Bà trân trọng mỗi giai đoạn của cuộc đời, và dù ở vị trí nào, cô du kích Quảng Trị ngày đó cũng bản lĩnh, quyết đoán nhưng cũng không kém phần dịu dàng, khéo léo để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

Trong cuộc trò chuyện gần 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi gần như đã xem hết những kỷ vật bà trân trọng gìn giữ, từ chiếc bản đồ đất nước Việt Nam đã úa màu nhưng vẫn được treo trang trọng nơi tiếp khách cho đến những huân, huy chương, thẻ đảng viên, thẻ đại biểu Quốc hội và những tấm ảnh in dấu từng bước chân bà và gia đình đi qua.

Tất cả những kỷ vật đó, bà giữ gìn để con cháu có thể hiểu thêm về lịch sử, về một thời đạn bom mất mát nhưng vô cùng hào hùng.

Trước khi chia tay, bà gởi gắm: “Chúng tôi chỉ mong rằng thế hệ trẻ biết trân trọng những hi sinh xương máu của ông cha ta đã đổ xuống để giành được độc lập dân tộc và dựng xây đất nước phồn vinh như hôm nay. Công nhân cao su hiện nay cũng đã khấm khá hơn nhờ ngành cao su ngày càng phát triển, có tiếng tăm trên thị trường thế giới. Tôi tin tưởng rằng với chặng đường dài xây dựng và phát triển Cao su Bình Long, VRG thì NLĐ sẽ vững niềm tin sắt son, không nao núng trước những khó khăn”.

Hạnh phúc của người phụ nữ hơn 85 tuổi đời và có 50 tuổi Đảng Nguyễn Thị Liệu giờ đây là nhìn 12 người cháu, trong đó có 4 cháu cố, 8 cháu nội ngoại khôn lớn, trưởng thành, tiếp nối sự nghiệp, con đường của cha mẹ, ông bà, góp phần dựng xây quê hương đất nước.

NGUYỄN PHỤNG