Bài 1: Lớp cha trước, lớp con sau…
CSVN – Truyền thống lịch sử ngành cao su VN luôn được giữ gìn, kế thừa và phát triển bền vững. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia viết tiếp những trang sử vàng, bằng tích cực lao động sáng tạo, hăng say lao động; niềm tin và khát vọng về một ngành cao su VN phát triển bền vững.
Phấn đấu hoàn thành trách nhiệm được giao
Theo lời giới thiệu của chị Lê Thị Nhung – Trưởng ban Tuyên giáo Nữ công Công đoàn Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, chúng tôi đi qua những cung đường uốn lượn bao bọc bởi vườn cao su xanh mát ghé nhà bà Lê Thị Hiếu – cán bộ lão thành cách mạng – Gia đình truyền thống công nhân cao su bốn thế hệ.
Tay bắt mặt mừng, so với tuổi gần 80 thì bà còn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào gian giữa căn nhà là bó hoa hồng không còn tươi được đặt trang trọng trên bàn gia tiên. Bà phấn khởi khoe với chúng tôi, hoa mới được tặng nhân dịp 55 tuổi Đảng. Dứt lời bà chỉ vào Huy hiệu 55 tuổi Đảng được treo trang trọng trên tường với nhiều loại Huân chương, Huy chương và Kỷ niệm chương khác nhau,
Rót nước trà mời chúng tôi, bà nói, bà sinh năm 1943, ba mẹ quê ở Hải Lăng – Quảng Trị. Ba bà từng là phu công tra. Năm 1945, cả nhà dắt díu nhau chạy từ Đồng Nai sang Phan Thiết. “Ngày đó, ba kể lại cuộc sống của người phu đồn điền cao su cơ cực lắm, thiếu ăn, thiếu mặc, họ phát vải bố để mang đi làm, rận rệp bu xung quanh thắt lưng. Khi bệnh thì vô nhà điểm, bọn chủ tây phát cho mấy viên thuốc kí ninh để uống… ” – Bà Hiếu trầm ngâm hồi tưởng.
Bà kể rằng, gia đình có 6 chị em, năm 1962, bà và một người em gái vào làm công nhân cho đồn điền Cao su An Lộc. Ngày đó làm cao su vất vả lắm. Cứ khoảng 5-6 giờ sáng là đi ra lô, đưa cơm theo để ăn trưa. Công nhân đi bộ mấy cây số để cạo, rồi đợi ngoài lô trút mủ, chờ đến chiều lại trút tiếp mới về. Năm 1965 bà lập gia đình, đến năm 1967 thì chồng mất vì bệnh, bà ở vậy nuôi con cho đến bây giờ.
Khi chúng tôi hỏi “Cơ duyên nào mà bà được ứng cử vào đại biểu Quốc hội?”. Trong khóe mắt ánh lên niềm vui, bà chia sẻ: “Thực ra cô cũng không có thành tích gì lắm. Cô vào Đảng năm 1967, sau giải phóng năm 1975, vừa làm công nhân cao su tại nông trường của Công ty Cao su Đồng Nai, về địa phương cô tham gia công tác và làm phó ban – trưởng ban của ấp Suối Tre (1978). Trước năm 1975 với vai trò là thư ký Công đoàn mật tại nông trường, cô đã vận động được 16 công nhân tiếp tế lương thực cho bộ đội (bà cười). Đến năm 1976 được sự quan tâm của Công đoàn Lao động tỉnh, vận động cô ứng cử vào đại biểu Quốc hội khóa VI – đại diện cho công nhân của 12 nông trường. Nhưng cô chỉ tiếc rằng trong 4 năm là đại biểu Quốc hội mình chưa làm được gì cho công nhân cao su”.
Bà ngập ngừng, giọng chùng xuống: “Vì thấy cô là công nhân tốt, lao động giỏi thì được bầu vào đại biểu Quốc hội. Nói thật khi đi họp cô muốn phát biểu lắm nhưng không biết nói thế nào. Vì mình không có trình độ nên không biết bắt đầu ra sao, giọng cứ nghẹn lại, lúng túng, khi tính nói, thì người ta đã nói hết rồi”.
Như chạm vào kí ức của những năm tháng nhiệt huyết tuổi trẻ, cô Hiếu nói một mạch, ngày ấy mỗi năm đi họp Quốc hội 20 ngày, con thì còn nhỏ, nhờ cha chăm sóc và nuôi dưỡng. Nhìn cha thương tật (bị bọn lính trên đồn bắn cụt một chân) lòng không nỡ, nhưng Đảng và anh em lao động tin tưởng giao phó nên phải cố gắng hoàn thành trách nhiệm được giao.
Vui vì được góp chút công sức của mình cho cách mạng
Tuổi thanh xuân của người phụ nữ làm công nhân cao su trải qua biết bao thăng trầm, như ngọn lửa cháy bùng trong dòng hồi tưởng của bà, khi chúng tôi hỏi “trong quãng đời làm công nhân cao su, điều gì khiến cô nhớ và hạnh phúc nhất?” – Không kịp suy nghĩ, bà Hiếu hồ hởi: “Với 37 năm công tác trong ngành cao su, điều mà cô nhớ và sung sướng nhất là năm 1965 vận động được anh em công nhân tham gia đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Cô vui lắm, vì mình đã góp được một chút công sức cho cách mạng, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Còn niềm hạnh phúc của cô, đó là được làm công nhân cao su, cuộc sống ổn định, về hưu vui vầy bên con cháu. Tiếp bước truyền thống “cha truyền con nối”, con trai của cô là Lê Quốc Trung (sinh năm 1966) cũng làm công nhân lái xe chở mủ tại Nông trường An Lộc và mới về hưu tháng 9 vừa rồi. Và cứ thế hệ này tiếp bước thế hệ kia, cháu nội của cô nay cũng vào làm bảo vệ tại Khu công nghiệp Long Khánh (của Tổng công ty)…”.
Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của bà khi nói về truyền thống ngành, về tương lai các con, các cháu khi vào làm công nhân cao su; về quá trình phát triển mọi mặt của Tổng công ty hiện tại và tương lai đem lại no ấm cho người lao động làm chúng tôi cũng vui lây. Câu chuyện làm công nhân cao su cứ dài ra, trà vẫn nóng và vị ngọt cứ miên man…
Hiểu thêm về lịch sử ngành và giá trị của sức lao động
Chia tay bà Hiếu, từ ấp Suối Tre chúng tôi xuôi về Nông trường Cẩm Mỹ khi trời bắt đầu vần vũ. Theo dự báo thời tiết, chiều nay Đồng Nai sẽ mưa to. “Không biết trời có chiều lòng người, hay lại vương vấn “níu chân” đoàn ở lại miền Đông gian lao mà anh dũng” – anh tài xế đùa vui.
Theo như lời chị Nhung, hôm qua đường Đồng Nai mưa ngập mênh mông, “Ừ, mà bây giờ mưa xuống chỗ nào cũng thành sông …” – tiếng chị phóng viên trẻ trong đoàn thêm vào. Cứ thế, câu chuyện về dự án Sân bay Long Thành đang khẩn trương thực hiện, những cánh rừng cao su đang dần thu hẹp lại để nhường chỗ cho những khu công nghiệp mọc lên và cả những cánh rừng cao su hết chu kỳ khai thác đang được thanh lý để nhường chỗ cho những giống năng suất cao…Rồi cả cách “thoát nghèo” của công nhân cao su. Họ “biết làm giàu” trở thành “đại gia” khi tuổi đời còn rất trẻ…
Tiếng cười nói cứ râm ran, và chặng đường như ngắn lại…Gia đình bốn thế hệ tiếp theo mà chúng tôi hẹn gặp là vợ chồng ông bà Đặng Hữu Lộc – Nông trường Cẩm Mỹ của Tổng Công ty.
Bà Nguyễn Thị Huê (vợ ông Lộc) vồn vã đón chúng tôi. Bà khá trẻ so với độ tuổi 66, cùng lúc ông Lộc đón cháu ngoại đi học mẫu giáo về. Như đã hẹn trước, ông Đặng Hữu Lộc mời chúng tôi vào nhà và bắt đầu câu chuyện.
Trong kí ức của họ, cả ông bà cố nội – ngoại, ông bà nội – ngoại đều làm phu công tra cho thực dân. Vì lúc nhỏ học ở trường sơ nên không hiểu lắm về ngành nhưng sau này nghe ba mẹ kể lại và tìm hiểu về lịch sử truyền thống mới hiểu hơn về loại cây “đi dễ khó về’, sự lao động cực khổ của cha ông ta để “bán thân đổi lấy đồng xu” trong thời kỳ Pháp thuộc.
“Trời ơi, 12 tuổi lẽo đẽo theo mẹ ra lô tập cạo, xách cái giỏ không nổi, bóc chén phụ mẹ mà muỗi cắn sưng hết mình mẩy. Thế mà sáng nào cũng vậy, cứ 7 giờ sáng là lính mở cổng, công nhân lên xe ra lô, mang theo cơm ăn trưa chờ trút mủ cho đến 5 giờ chiều xe ra rước về. Thời ông bà cố làm chậm, không đúng quy cách là bị đánh đập và trách phạt còn đến thời của ba mẹ mình thì được cấp nhà cho ở, mỗi hộ được 14m² (Nhà đôi 28m²), trong nhà chỉ sắm vài chiếc xoong nồi để nấu nướng và một hòm gỗ đựng đồ…” – Bà Huê hồi tưởng.
Tiếp nối truyền thống và trưởng thành
“Vậy anh chị gặp nhau và xây dựng gia đình trong hoàn cảnh nào?” – Chúng tôi hỏi. Ông Lộc nhìn vợ, cười cho biết, chúng tôi bắt đầu vào làm công nhân ngay từ ngày đầu Công ty Cao su Đồng Nai được thành lập, gặp nhau tại Nông trường Cẩm Mỹ, năm 1980 lấy nhau, sinh ra 4 người con và gắn bó với vùng đất này từ đời ông bà cố cho đến nay. “Trước giải phóng, đất nước còn khó khăn trăm bề và ngành cao su cũng không nằm ngoại lệ. Đến năm 1986, kinh tế thông thương, đời sống của người công nhân cao su cũng “dễ thở” hơn. Nhất là những năm 2010 – thời kỳ hoàng kim của “vàng trắng”, đời sống công nhân trong ngành khấm khá hơn, họ biết tích lũy, xây nhà, sắm xe, mua đất… Ngày trước chỉ mong “ăn cho no” còn bây giờ có điều kiện thì “ăn cho ngon”, có tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn; yên tâm phục vụ, gắn bó với nghề đã chọn cho đến ngày về hưu (Được biết anh gắn bó với ngành 37 năm, còn chị có 30 năm thâm niên công tác). – Ông Lộc hồ hởi bộc bạch.
Bà Huê khoe những biểu trưng vinh danh mà VRG trao tặng về gia đình truyền thống công nhân tiêu biểu 4 thế hệ. Trong ánh mắt và giọng nói của bà đầy tự hào về con gái hiện làm giám đốc Nông trường An Viễng. “Cháu Đặng Thị Hiền Vi sinh năm 1984, là chị của cặp song sinh của anh chị. Hơn 15 năm về trước, Vi đang làm trong khu công nghiệp bỗng nhiên đòi về “nối nghiệp” mẹ. Theo mẹ tập cạo được 7 ngày là quyết định xin vào làm công nhân cao su. Thấy con quả quyết đành chiều và đi theo hỗ trợ Vi cho đến khi cạo rành. Có lẽ con gái cũng “có máu” làm nghề và cứ thế trưởng thành. Nghĩ lại thấy con không phụ công mẹ cha và cây cao su đã nuôi nấng mình ăn học là thấy vui trong lòng…” – Bà kiệm lời khi kể về thành tích của con gái – thế hệ thứ 4 tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp của ông bà cố nội – ngoại, ông bà nội – ngoại và ba mẹ để góp công sức xây dựng công ty và ngành ngày càng phát triển.
Ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay
Bà Huê nói tiếp, ngay từ những ngày vào làm công nhân tại Nông trường Cẩm Mỹ, vợ chồng tôi thường động viên nhau phải cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Ngày nào cũng tự nhủ lòng rằng “Ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay”. Cứ thế, khi lên lô là cạo hết phần cây, tận thu hết mủ, phấn đấu cuối tháng hoàn thành kế hoạch sản lượng.
Ký ức tươi đẹp của nghề như nắng mai chợt ùa về, giọng ông Lộc phấn chấn: “Nhớ những năm 1984, 1989 khi vinh dự đại diện cho Tổng công ty đi thi Bàn tay vàng toàn ngành được giải khuyến khích. Lúc đứng lên bục được nhận thưởng vỏ xe trong lòng thấy vui và tự hào. Còn bà xã năm 1997 -1998 thi Bàn tay vàng cấp công ty được hạng Ba, nhận thưởng được cái máy rađiô”.
Bà Huê tiếp lời, nghĩ lại thấy vui gì đâu á, nhưng một lần đi cạo bị bọn trộm vào lấy mất rađiô, về mà cứ tiếc hùi hụi…
Câu chuyện trở nên rôm rả hơn khi nói về những “cái được” khi vào làm công nhân cao su. “Nhờ có lương hưu (hai vợ chồng hơn 10 triệu/ tháng) mà cuộc sống ổn định, sống khỏe hơn so với nhiều người khác. Hơn nữa những lúc trái gió trở trời cũng có Nhà nước lo, giảm bớt “gánh nặng” cho con cái. Cuộc sống vui vầy bên con cháu và làm tròn trách nhiệm “đón cháu” cho con yên tâm công tác coi như đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Lộc lạc quan chia sẻ.
Chia tay gia đình anh chị khi chiều muộn, những cơn mưa bắt đầu nặng hạt nhưng những câu chuyện về gia đình bốn thế hệ “Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Anh chạy vào đất đỏ làm phu…” theo chúng tôi trong suốt hành trình.
NGUYỄN LÝ – NGỌC MAI
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Công đoàn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Công đoàn Cao su Việt Nam ký quy chế phối ...
- VRG và các công ty cao su tại Campuchia đã chủ động đi trước trong phòng chống dịch
- Chuyện tờ tiền lẻ
- Giữ vững “trận địa” để người lao động an toàn và ổn định sản xuất
- VRG có 2 công ty thuộc top 10 Doanh nghiệp bền vững 2020
- Mít tinh kỷ niệm 91 năm thành lập Công đoàn Việt Nam
- Bình Phước phải dồn lực xây dựng các tuyến cao tốc, thúc đẩy kết nối chiến lược giữa Đông Nam Bộ và ...
- Sẽ tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam
- "Đảng ủy VRG chủ động các giải pháp lãnh đạo để đạt kết quả cao nhất năm 2023"
- "Cao su vẫn là cây công nghiệp có giá trị lớn của Bình Phước"