CSVNO – Nhóm Nghiên cứu Cao su Quốc tế (International Rubber Study Group, IRSG) cho biết đã ký kết hợp tác với Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University) Singapore để thực hiện các hoạt động nghiên cứu về tác động kinh tế và xã hội của biến đổi khí hậu đối với ngành cao su và khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững trong chuỗi cung ứng cao su tự nhiên.
Cao su tự nhiên là 1 loại nguyên liệu thô chiến lược không thể thay thế. Tính đến 2019, các đồn điền cao su tự nhiên có diện tích khoảng 14 triệu ha và sản xuất tổng cộng 13,01 triệu tấn. Thái Lan và Indonesia sản xuất 56% tổng sản lượng của thế giới và Đông Nam Á chiếm 84% sản lượng cao su toàn cầu (IRSG, 2021).
Sản xuất cao su là nguồn sinh kế của khoảng 40 triệu người trên toàn cầu, với khoảng 90% sản lượng là từ các đồn điền nhỏ. Cao su được sử dụng trong hơn 5.000 sản phẩm, chủ yếu trong ngành công nghiệp ô tô và máy bay, với hơn 70% sản lượng được sử dụng trong lốp và các bộ phận khác trong ô tô.
Cây cao su Hevea brasiliensis, nguồn sản xuất cao su tự nhiên chủ yếu, phát triển tối ưu ở những vùng có nhiệt độ trung bình 25-28°C và lượng mưa trên 1.500 mm, trong khi điều kiện ở những vùng cận biên mát hơn, khô hơn hoặc cả hai. Độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho dòng chảy mủ, nhưng mưa quá nhiều có thể cản trở việc thu hoạch. Đất phải chua (pH tối ưu 4,5 đến 5,5) và phải thoát nước tốt để tránh úng, bệnh rễ và chết cây. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho một số khu vực truyền thống kém thuận lợi hơn vì hạn hán hoặc lượng mưa quá nhiều, trong khi một số khu vực cận biên sẽ trở nên thuận lợi hơn do ấm lên.
Đã có nhiều nghiên cứu dự đoán sự thay đổi về tính phù hợp của vùng trồng cao su ở Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Biến đổi khí hậu cũng có thể có lợi cho sản xuất cao su trong tương lai ở các khu vực cận biên hiện tại đang mát và ẩm ướt như các tỉnh Bắc Thái Lan, Lào, Vân Nam và Hải Nam (Trung Quốc), miền nam Brazil, miền bắc Gabon và đông nam Cameroon. Những thay đổi cũng có thể có lợi cho việc trồng cao su thay vì dầu cọ ở những khu vực đang trở nên khô hạn hơn.
Để hiểu được tác động của biến đổi khí hậu đến ngành cao su, Phòng thí nghiệm nông thực phẩm Singapore @ NTU (SAIL) sẽ thực hiện các hoạt động nghiên cứu về tác động kinh tế và xã hội của biến đổi khí hậu đối với ngành cao su. Nghiên cứu này sẽ xem xét hiệu chỉnh lại mô hình thống kê của IRSG nhằm dự đoán cung và cầu cao su tự nhiên và cao su nhân tạo bằng cách kết hợp các yếu tố quyết định hoặc thay đổi mới trong ngành này (bao gồm cả thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi cung ứng). Dựa trên mô hình hiệu chỉnh mới, các nhà nghiên cứu sẽ đề xuất một sách trắng về việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cao su toàn cầu từ quan điểm chuỗi cung ứng và tác động của nó đến sinh kế và cộng đồng như thế nào.
Salvatore Pinizzotto, Tổng thư ký IRSG cho biết: “Cần phải nghiên cứu thêm để đo lường và đảm bảo rằng cao su tự nhiên được sản xuất và phân phối với các hoạt động bền vững tốt nhất. Một phương pháp tiếp cận dựa trên kiến thức chặt chẽ sẽ là động lực chính cho quá trình ra quyết định hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng cao su và cải thiện phúc lợi của cộng đồng các hộ tiểu điền trên toàn thế giới”.
Sự hợp tác giữa IRSG và NTU có thể được phát triển hơn nữa vào năm thứ hai, tập trung vào tính bền vững trong ngành cao su từ vườn cây đến chuỗi cung ứng. Truy xuất nguồn gốc là một trong những khía cạnh thách thức nhất của tính bền vững trong chuỗi cung ứng cao su tự nhiên vì khoảng 85% cao su tự nhiên toàn cầu được sản xuất bởi các bên liên quan độc lập nhỏ và ít tương tác với các công ty hạ nguồn. Hơn nữa, chuỗi cung ứng cao su tự nhiên rất phức tạp và có sự tham gia của nhiều người trung gian độc lập, những người mua cao su từ các hộ tiểu điền và bán cho các nhà chế biến. Do đó, việc theo dõi nguồn gốc của cao su trong bối cảnh như vậy là một thách thức lớn.
Ngoài ra, việc đánh giá hiệu quả bền vững và các tiêu chuẩn sản xuất của các nhà sản xuất độc lập thậm chí còn phức tạp hơn đối với những người mua ở phía dưới hạ nguồn. Vì cao su thiên nhiên không hư hỏng nên có thể bảo quản trong thời gian dài và có thể vận chuyển đi xa. Điều này có nghĩa là việc truy cập vào ngày và địa điểm sản xuất của nhà máy có thể không cung cấp thông tin có ý nghĩa liên quan đến các hộ tiểu điền và vườn cây. Là một phần của sự hợp tác, IRSG sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho học bổng Tiến sĩ NTU-CEIT. Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Thương mại Quốc tế Xuất sắc (Centre of Excellence International Trading, CEIT), Trợ lý Giáo sư Ru Hong, đến từ Trường Kinh doanh Nanyang của NTU: “Cao su là một trong những mặt hàng quan trọng nhất trên thế giới, hỗ trợ trực tiếp cho hơn 40 triệu người và gián tiếp cho nhiều hơn. Do đó, điều quan trọng là phải học cách đảm bảo cả vườn cây và chuỗi cung ứng đều bền vững”.
NGUYỄN ANH NGHĨA (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
Related posts:
- Sản xuất sản phẩm cao su: cơ hội và thách thức tại các nước ASEAN
- Dự báo mức tiêu thụ cao su tự nhiên tăng trưởng 5,4% đến năm 2033
- Xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan tăng 22,8% trong tháng 6/2022
- Thủ tướng: Mở cửa sản xuất nông nghiệp an toàn
- Trông đợi nguồn vốn 100 nghìn tỷ, cho vay lãi suất ưu đãi chỉ 3-4%/năm
- Đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp VN-Nhật Bản
- Kerala (Ấn Độ): Giá tăng nhưng người trồng cao su không vui
- Mở rộng mô hình liên kết cho cao su tiểu điền
- Phát triển bền vững ngành gỗ sau đại dịch Covid-19
- Triển lãm công nghiệp dịch vụ ô tô quy mô lớn