Mưa đêm!

CSVN – “Mỗi độ vào mùa cạo, như thường lệ khoảng 2h sáng chị chui ra khỏi chiếc chăn ấm, vỗ về đứa con nhỏ và nhẹ nhàng làm những việc cần thiết trong nhà, rồi mang theo đồ nghề đi lên lô làm nhiệm vụ. Nhưng sáng nay, khi choàng tỉnh dậy như một thói quen, chị làm xong những việc cần thiết, và mở cửa để ra lô thì ngoài trời đổ cơn mưa lớn. Buồn bã, chị khép cửa và ngồi chờ cho mưa nhẹ hạt để ra lô cạo mủ”… Đó là trường hợp công nhân khai thác Hoàng Thị Hồng, ở Tổ 4, Đội cao su Ea Wy gặp phải trong buổi sáng lên lô.

Ảnh: Bùi Thái Dũng

Năm nay chị Hồng mới 32 tuổi đời nhưng đã trải qua 12 năm tuổi nghề. Chị chia sẻ: Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên học xong THPT bản thân không thi vào các trường Đại học, Cao đẳng như chúng bạn cùng trang lứa. Mà ở nhà phụ giúp việc gia đình rồi xin vào làm công nhân tại Đội cao su Ea Wy.

Mặc dù lúc vào học nghề làm công nhân tuổi còn nhỏ, nhưng với sự siêng năng cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi nên tay nghề của chị từng bước được nâng lên. Vì vậy Hồng đã được cán bộ ở Đội cao su Ea Wy tin tưởng đề xuất công ty nhận vào làm công nhân chính thức. Từ một cô bé vừa rời ghế nhà trường đang tuổi ăn, tuổi chơi, Hoàng Thị Hồng đã phải dậy thật sớm vào mỗi ngày để lên lô học nghề và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc vườn cây, khai thác mủ. Những ngày đầu mới đến với cao su đối với Hồng không khác gì kỳ “vượt cạn” của người phụ nữ.

Hoàng Thị Hồng chia sẻ: “12 năm ngồi trên ghế nhà trường miệt mài với đèn sách, em rất ít phải làm việc nhà chứ đừng nói dậy sớm từ tinh mơ. Quần áo lúc nào cũng tươm tất, sạch sẽ. Nhưng khi vào làm công nhân phải dậy từ 2 – 3 giờ sáng, làm bạn với các loại mủ cao su – điều mà thời còn đi học khi xe chở mủ cao su chạy qua là phải tránh xa hoặc bịt kín mũi vì “mùi hương” đặc biệt của mủ cao su”. Thoắt cái đã 12 mùa cạo mủ trôi qua, cũng chừng ấy thời gian cuộc sống của Hoàng Thị Hồng gắn chặt với vườn cao su và những thăng trầm của giá mủ lúc lên, lúc xuống. Đã có một số công nhân khi giá mủ xuống thấp, vì cuộc sống gia đình gặp khó khăn nên đã xin nghỉ và đi vào các khu công nghiệp ở thành phố lớn làm công nhân hoặc làm thuê ở ngành nghề khác. Nhưng riêng Hồng vẫn chung thủy với nghề cạo mủ. Bởi đối với chị, đây không những là nghề đã giúp chị từng bước trưởng thành, mà còn giúp gia đình chị vượt qua khó khăn về kinh tế. Trước lúc làm công nhân cạo mủ gia đình Hoàng Thị Hồng là hộ nghèo ở địa phương. Đến nay, sau một thời gian làm công nhân cao su điều kiện kinh tế gia đình từng bước nâng cao và thoát khỏi hộ nghèo…

Lúc tôi đang viết bài này, thì ngoài kia trời vẫn đang mưa rất nặng hạt. Mà cơn mưa này đã kéo dài gần 1 ngày đêm. Điều đó cũng có nghĩa người công nhân yêu nghề như Hoàng Thị Hồng cũng có thể đã ngồi ngóng chờ mưa tạnh để ra lô cạo mủ từ 3 giờ sáng đến nay. Mưa không ra lô được ngày nào thì sản lượng mủ sẽ mất đi ngày đó.

Trong câu chuyện kể với chúng tôi về những nỗi nhọc nhằn của người công nhân cạo mủ, anh Lê Minh Trọng – Đội trưởng Đội cao su Ea Wy chia sẻ: Nếu nói mưa đêm là nỗi ám ảnh của anh chị em công nhân khai thác cũng không ngoa. Nhưng mưa lớn trước lúc công nhân khởi hành lên lô, thì công nhân vẫn đang ở trong nhà không bị gió lạnh, mưa tạt làm ướt người. Còn khi công nhân đã lên lô cạo mủ trời mới đổ mưa thì vất vả hơn gấp bội. Bởi khi ấy người công nhân phải tập trung về nhà nghỉ trên lô để trú mưa quá trình di chuyển đã bị mưa làm ướt người. Mặc dù các nhà nghỉ này đều được xây dựng kiên cố nhưng các trang thiết bị thiếu thốn, hơn nữa muỗi rất nhiều. Nếu mưa đêm bất chợt đến và chợt đi vội vã thì còn đỡ. Nhưng cơn mưa kéo dài thì người công nhân cứ đứng đếm hạt mưa rơi và tán gẫu cho thời gian trôi qua. Trong khoảng thời gian này nếu ở nhà của mình thì họ có thể làm nhiều việc trong nhà.

Hiện nay ở Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Thời gian mưa hết sức thất thường, có lúc mưa lớn, lúc mưa nhỏ, có lúc chỉ là cơn mưa rào kéo dài trong vài phút đến 1 tiếng. Nhưng cũng có cơn mưa kéo dài cả ngày lẫn đêm. Mà đối với người công nhân sợ nhất là những cơn mưa đêm. Trong những ngày này do bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nên trong nhiều ngày liên tục trời mưa to đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ khai thác mủ của đơn vị.

Anh Hồ Đình Hùng – Tổ trưởng tổ 4, Đội cao su Ea Wy tâm sự: Do bị ảnh hưởng bởi thời tiết và biến đổi khí hậu nên trong những năm gần đây ở Tây Nguyên đã xuất hiện mưa dầm và kéo dài – điều này trước đây không hề xảy ra. Vì để đảm bảo sản lượng mủ được giao khi trời mưa nhỏ các công nhân đều mang áo mưa lên lô để cạo mủ. Mặc dù việc này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình di chuyển và cạo mủ, nhưng nếu không làm như thế sản lương mủ đạt được sẽ thấp. Tiêu biểu cho sự siêng năng, cần mẫn này có công nhân Hoàng Thị Hồng. Chỉ trừ mưa quá lớn không thể lên lô còn lại là chị Hồng sẽ lên lô thực hiện nhiệm vụ của mình trên vườn cây. Chính vì vậy mà năm 2021 chị Hồng được giao khai thác 7,4 tấn mủ, nhưng với tinh thần chịu thương chịu khó, tỉ mẩn trong từng đường cạo nên chị đã cạo được 11,8 tấn mủ, đạt gần 160% chỉ tiêu được giao. Là công nhân về đích sớm nhất trong Đội và về đích thứ 2 trong năm của toàn công ty. Do trong Tổ có những công nhân chịu thương chịu khó như chị Hồng, nên năm 2021 Tổ 4 đã khai thác được tổng sản lượng hơn 254.520 kg mủ, bình quân mỗi công nhân khai thác được hơn 10 tấn mủ.

Ngày xưa người nông dân làm nông nghiệp phải “Trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm…” còn ngày nay công nhân cạo mủ phải “ăn cơm, bơm xe, nghe thời tiết…” và luôn cầu mong cho trời chỉ mưa chiều mà không mưa đêm để việc cạo mủ được thuận lợi.

Qua những câu chuyện mà công nhân cạo mủ kể lại, hôm nào thời tiết đẹp thì khoảng 3 giờ sáng là những công nhân có mặt tại lô cạo mủ rồi, để đến hơn 11 giờ nhập mủ. Đối với những khu vực đơn vị đi lấy mủ chuyến đầu thì phải có mặt tại lô để cạo mủ từ 1 giờ 30 sáng.

Trải lòng về những công việc của người công nhân trên lô cao su, chị Hoàng Thị Hồng tâm sự: Nếu trời mưa kết thúc trước 1 giờ sáng thì trên lô ẩm ướt và mặt đất trơn trượt dễ ngã. Nếu mưa đúng thời điểm lên lô cạo mủ thì phải dời thời gian cạo lại khi ngưng mưa. Có hôm ra cạo được vài cây trời chợt đổ cơn mưa đêm, mưa như trút nước. Thậm chí có hôm vừa cạo xong trời nổi gió và mưa, chị lại phải tất tưởi chạy đi kiểm tra từng cây xem có bị gió thổi bay máng che mưa làm tràn mủ ra không… Mưa đêm là nỗi ám ảnh đối với công nhân cạo mủ.

Công nhân Hoàng Thị Hồng cho biết thêm: “Để có tiền trang trải cho cuộc sống của gia đình 4 miệng ăn và tiền học của 2 đứa con năm nay lên lớp 1 và lớp 2. Cả 2 vợ chồng chị ngoài việc cạo mủ trên lô của đơn vị chị còn nhận cạo thêm 500 cây cao su tiểu điền cho người dân ở gần nhà. Nhưng để việc này được diễn ra suôn sẻ cần yếu tố không có mưa đêm!

TỐNG TRƯỜNG NGỮ

(Ia H’leo – Đắk Lắk)