VRG có nhiều giải pháp và nỗ lực hoàn thành kế hoạch được giao

CSVNO – Đó là nhận định của ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban với VRG, vào ngày 16/9.

Toàn cảnh cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG, cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh thực hiện 9 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn ước đạt lần lượt 101% và 102% so với cùng kỳ năm trước.

Về chiến lược phát triển, ngành nghề, định hướng kinh doanh, sản phẩm, thị trường, Tập đoàn tiếp tục tập trung đầu tư và kinh doanh vào 5 lĩnh vực chính đã được Chủ sở hữu thông qua là cao su, chế biến gỗ, công nghiệp cao su, đầu tư phát triển khu công nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tập đoàn đẩy mạnh chuyển đổi số để bảo đảm sự hội nhập và đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng năng suất lao động. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua việc hợp nhất thương hiệu cao su của các công ty, dùng chung thương hiệu Cao su Việt Nam, đăng ký bản quyền ở tất cả các thị trường trọng điểm. Hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành như khu công nghiệp chế biến gỗ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025. Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn là 161.730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32.300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34.435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế Công ty Mẹ Tập đoàn khoảng 12.350 tỷ đồng (trung bình 2.470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm).

Để đạt được mục tiêu trên, Tập đoàn đang thực hiện một số nội dung chính, như: Chuyển đổi một phần diện tích cao su sang phát triển ngành sản xuất khác có hiệu quả cao hơn. Phát huy tối đa năng lực vườn cây cao su để bảo đảm hiệu quả, duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm cao su. Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn. Thoái vốn ở những danh mục đầu tư đã đạt ngưỡng hiệu quả, được thị trường đánh giá cao. Thực hiện sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ, tăng hiệu năng, hiệu lực quản lý.

Ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại cuộc họp

Về đề án cơ cấu lại Tập đoàn, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ cở phân tích, đánh giá thực trạng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, đảm bảo Tập đoàn tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, Tập đoàn đã hoàn thành và trình Ủy ban đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 và những năm tiếp theo, Tập đoàn kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm xem xét và ban hành Quyết định về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025 để Tập đoàn có cơ sở tổ chức thực hiện” – ông Lê Thanh Hưng, kiến nghị.

Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn và ý kiến đóng góp của Đoàn công tác, phát biểu kết luận cuộc họp, ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của tập thể lãnh đạo và người lao động VRG trong việc khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị Ban Lãnh đạo VRG tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nội dung quan trọng. Trong đó, Tập đoàn cần tăng cường quản trị doanh nghiệp, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

“Bên cạnh đó, đề nghị Vụ Nông nghiệp hoàn thiện và trình Ủy ban đề án cơ cấu lại của VRG trước ngày 23/9. Tôi ủng hộ các kiến nghị của VRG và giao các Vụ chuyên môn nghiên cứu, hỗ trợ, tạo điều kiện để Tập đoàn hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao trong điều kiện cho phép” – ông Đỗ Hữu Huy, nhấn mạnh.

TUỆ LINH