Phát huy thành tích

  • Mới đây mà đã hơn nửa năm rồi Tư Mủ hả, nhiều khi tối ngày cặm cụi ngoài lô, không biết thời gian trôi, thấy đến khi trút mủ chạy mưa là biết mùa mưa bão đến rồi.
  • Cha, nay tự sự giữ ta. Sản lượng được nhiêu rồi, hết mùa mưa là đến mùa “rút” đó.
  • Nhờ tranh thủ thời tiết thuận lợi hồi đầu mùa để đẩy nhanh tiến độ sản lượng theo chỉ đạo của ngành nên cũng ổn ông à.
  • Vậy tốt rồi, có thành tích để chào mừng các sự kiện cuối năm nay đó ông.
  • Sự kiện gì vậy?
  • Thì nào là hội thi bàn tay vàng, hội thao sắp tới, kỷ niệm 93 năm truyền thống ngành, 125 năm cây cao su có mặt ở Việt Nam…đó.

HAI CẠO

Chuyện ở Cửa Lò

(Trò chơi phản cảm của nhóm du khách chiều 27/7 ở bãi biển Cửa Lò)

 Nắng nóng nên em đến Cửa Lò

Ngực khoe váy lộ thấy mà lo

Cứ ngỡ Cửa Lò thêm cửa mới

Nào ngờ chiêu trò của các o.

Chỉ tội các bờm tóc dựng đứng

Ngó nghiêng chẳng dám, ứ gay to

Văn hóa du lịch cùng thiên hạ

Đừng khoe của mẹ của cha cho…

Quản lý đâu rồi mau mau dẹp

Để mẹ biển buồn đời trách cho

Nam thanh nữ tú về ngẫm lại

Câu chuyện không hay ở Cửa Lò!

THÀNH KHẨN

Cạo lựa

Tư Vũ thợ cạo vốn chịu khó, cần mẫn, cạo mủ thì luôn vượt kế hoạch, thường được biểu dương thợ giỏi tại lễ mừng công của đơn vị nhiều năm liền.

Tiếng lành đồn xa, mọi người biết chuyện, bác Tám phu công- tra cũng tìm tới gặp người nổi tiếng hỏi han:

– Năm nào cũng đạt danh hiệu thợ giỏi, chắc có bí quyết gì hả Tư?

– Nói bí quyết thì nghe lớn lao quá bác ơi. Cháu chỉ có “cạo lựa” thôi. Mùa cạo cũng là mùa mưa, khi nhà cháu thu hoạch ngô thì tận dụng phần thân của cây, thu hoạch lúa thì lấy rơm rạ, thu hoạch chuối thì tận thu tàu lá, cắt tranh lợp nhà thì lấy phần tranh dư thừa…

– “Cạo lựa” thì có liên quan gì mấy thứ bỏ đi đó chớ?

– Dạ, không bỏ đâu bác. Cháu đem những thứ đó vào lô cột lên cây cao su, đoạn trên miệng cạo để chắn nước mưa. Những lúc trời mưa bão cây cao su bị ẩm ướt thì cháu “cạo lựa” những cây đã được chắn nước, sẽ khô ráo miệng cạo đó bác.

– Đúng là thợ giỏi cái gì cũng nghĩ ra…

– Cháu cũng làm đại thôi, ban đầu lượm tàu lá chuối héo rơi vãi dọc đường đem cột lên cây cao su để dẫn nước mưa vào thùng. Cháu chủ yếu lấy nước để tiện vệ sinh thùng chứa mủ. Nhưng sau đó, thấy bên dưới miệng cạo khô ráo, hiệu quả… thì ứng dụng làm đại trà. Hiện tại, mỗi lô nhận khoán cháu làm cả trăm cây, trời mưa nhưng miệng cạo vẫn khô ráo, cạo thiệt là sướng…

– Bác đặt tên cho cái sáng kiến này nghen Tư, để sau này có ai ứng dụng cải tiến bằng vật liệu thay thế chắn mưa thủ công này thì còn nhớ nguồn gốc của nó nha hơm?

– Dạ, bác đặt tên gì ạ?

– “Bắt vèo” nghen. Bác tạm cắt nghĩa như vầy: Bắt nước chảy vèo ra khỏi thân cây cao su. Nếu có người hỏi, bây giải thích như vậy là ổn hà. Ờ, ờ… bác lại nhớ cái vụ này: ông Mười Đục, Bảy Lèo, Hai Cồ…cũng “cạo lựa”, cạo mủ nhiều thiệt mà bị tổ trưởng rầy…

– Sao có chuyện mủ nhiều mà bị rầy vậy bác?

– Mấy ông đó có bắt vèo bắt viếc gì cho cây cao su đâu, mà khi mưa tạnh, miệng cạo đang còn nước ẩm ướt thì cũng xách dao đi “cạo lựa”…như bây vậy, mà lựa cây bự cạo, cây nhỏ bỏ đó.

– Trời, trời… “cạo lựa” cây to trữ lượng nước mưa nhiều thì cháu cũng bái “sư tổ” của nghề thợ cạo luôn rồi.

– Thì đó, “cạo lựa” nên mủ nhiều… nước mưa mới bị rầy sấp mặt chứ sao. Hì hì.

KA – I