CSVN – Năm 2007, thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000 ha cao su giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia, VRG đã thành lập 16 công ty con với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Tập đoàn bắt đầu trồng cao su tại 7 tỉnh: Kampong Thom, Kratie, Ratanakiri, Odor Meanchey, Preah Vihea, Siêm Reap và Mondolkiri.
Việc phát triển cao su ở vùng sâu vùng xa vốn đã có nhiều khó khăn, huống hồ phát triển cao su trên nước bạn còn khó khăn hơn gấp bội lần khi tất cả đều mới mẻ. Dân cư thưa thớt, điều kiện cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, ngôn ngữ khác biệt, khí hậu thổ nhưỡng khắc nghiệt… Đó chỉ là một phần trong những rào cản khi triển khai thực hiện dự án.
Chinh phục biết bao gian khó, đến nay với hơn 90.000 ha cao su xanh tốt đang độ khai thác, VRG cho thấy việc phát triển cao su mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, mang lại lợi ích cho các địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 18.000 người lao động bản địa. Đó là một minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam – Campuchia.
Kỳ 1: Cuộc trường chinh vạn dặm
15 năm cao su Campuchia là một hành trình vô vàn gian nan, vất vả. Những người tiên phong đã trèo đèo, lội suối, băng rừng, dầm mình dưới cái nóng bỏng da để khai hoang, cắm mốc, vạch đường ranh. Từ những bước chân mở đường ấy đã mọc lên những cánh rừng cao su xanh trù phú bạt ngàn nối tiếp nhau, viết lên một khúc ca thấm đẫm tình đất, tình người.
15 năm ấy biết bao nhọc nhằn…
Những ngày mưa tháng 8 dai dẳng tròn 15 năm trước, 31 cán bộ đầu tiên của Công ty TNHH PTCS Tân Biên Kampong Thom mang trong mình nhiệt huyết cháy bỏng vì màu xanh vững bền của ngành cao su đã đặt chân tới xã Kroyea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom. Chuyến đi đầu tiên là chuyến tiền trạm đầy gian khổ.
Là một trong những hạt nhân tiên phong đi khai hoang mở đất, ông Trần Văn Toàn – Nguyên TGĐ Cao su Tân Biên Kampong Thom, kể lại: “Khi chúng tôi sang đây, xung quanh chỉ toàn là rừng nghèo kiệt, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, anh em không ai biết tiếng bản địa, chưa nắm bắt được văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của địa phương nên khó càng thêm khó. Đoạn đường từ quốc lộ đi vào dự án chưa tới 40 km, mà mỗi lần đi qua là mất nửa ngày, thậm chí cả ngày vì rất khó đi. Lúc đó, ở đây không có người dân sinh sống. Mọi người vẫn hay đùa nhau, chúng tôi giống như người rừng, vì lúc nào khắp người cũng lấm lem bùn đất, dù nắng gắt hay mưa dầm vẫn miệt mài đo đạc, cắm mốc diện tích được bàn giao. Song song đó, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con sở tại vào làm công nhân cao su…”.
13 năm lăn lộn ở nước bạn, tận tay mở đất, ươm mầm, chăm bón và hôm nay đứng giữa vườn cao su xanh mướt đang khai thác, ông Nguyễn Văn Luyến – TGĐ Công ty TNHH PTCS Phước Hòa Kampong Thom xúc động khi kể lại hành trình gầy dựng rừng cao su tươi tốt từ mảnh đất heo hút này. Đó là buổi trưa nắng gắt ngày 10/2/2009, 10 cán bộ của Công ty CPCS Phước Hòa (công ty mẹ của Phước Hòa Kampong Thom), đã có mặt tại xã Boeung Lavea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom để bắt tay vào việc khai hoang, trồng cao su.
“Đúng là vạn sự khởi đầu nan, vừa rời khỏi một nơi đầy đủ tiện nghi ở Việt Nam, chúng tôi sang đây phải ở trong lán trại tạm bợ giữa rừng. Anh em phải ra suối để lấy nước ăn uống và sinh hoạt. Những tháng đầu tiên, công ty chỉ có “tướng” mà không có “lính” nên ban TGĐ phải tự lo chuyện chợ búa, bếp núc, giặt giũ… bên cạnh nhiệm vụ khai hoang và trồng mới cao su. Đó chỉ là một phần rất nhỏ những khó khăn của chúng tôi khi phát triển cao su trên đất bạn” – ông Luyến nhớ lại.
Khó bút mực nào tả hết gian khổ của những ngày đầu khi xây dựng dự án, anh em phải sống tạm bợ, giá cả đắt đỏ so với Việt Nam, xa dân cư, xa chợ, kham khổ, thiếu thốn. Mùa khô hạn không có nước sạch sinh hoạt, giếng đào đầy phèn và vôi, mùa mưa đối mặt với sốt rét rừng, tối không điện chỉ làm bạn với trăng sao. Xa gia đình, xa vợ con, người thân, đôi ba tháng mới về thăm một lần. Song bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, họ đã vượt qua.
Kỳ tích trồng cao su “thần tốc”
Nói về chuyện trồng mới cây cao su ở đất nước Chùa tháp, phải kể đến kỳ tích của Công ty CP Cao su Chư Sê Kampong Thom. Chỉ sau 5 năm trồng mới, công ty đã thực hiện hoàn thành kế hoạch trước 3 năm, trồng hơn 16.268 ha cao su bạt ngàn xanh tốt trên địa bàn tam giác 3 tỉnh Kampong Thom, Siem Reap và Preah Vihear, lập nên một kỷ lục.
Tháng 7/2009, Cao su Chư Sê Kampong Thom được thành lập và đặt ra mục tiêu “thần tốc” là ngay trong năm đầu tiên phải trồng được 2.000 ha cao su. Đây là một con số gần như “không tưởng”, bởi do nhiều nguyên nhân mà những công ty cao su đã đầu tư trước đó ở Campuchia, thì trong năm đầu chỉ triển khai trồng thí điểm khoảng 70 – 80 ha và chỉ có Phước Hòa Kampong Thom trồng được hơn 500 ha trong năm đầu tiên.
Nhớ lại những ngày gian nan ấy, ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Cao su Chư Sê Kampong Thom, chia sẻ: “Để triển khai trồng trên 2.000 ha ngay trong năm đầu tiên, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, táo bạo. Điển hình như xe cơ giới, công ty huy động từ nhiều nguồn để đảm bảo luôn có khoảng 150 xe ủi cho công tác khai hoang mỗi ngày. Trong việc sử dụng nhân lực để triển khai trồng mới, để đảm bảo được tiến độ đề ra công ty lên kịch bản rõ ràng: ai làm việc gì, ở đâu, vị trí nào; ở địa bàn nào ai là chính ai là phụ … Mỗi ngày, công ty huy động trên 3.200 lao động, 200 xe vận chuyển”. Trồng mới đòi hỏi người trồng luôn phải thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật. Tuy nhiên, do diện tích trồng mới quá lớn, đội ngũ cán bộ của công ty không thể giám sát nổi. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã liên hệ với Đại học Nông lâm Huế, đưa toàn bộ sinh viên đến kỳ thực tập chuẩn bị cho việc tốt nghiệp, sang thực tập ngay tại công ty. Những kỹ sư nông nghiệp tương lai này đã góp phần đắc lực trong việc lên kế hoạch, hướng dẫn kỹ thuật và giám sát chặt chẽ việc trồng mới trên từng lô cao su.
Với những cách làm bài bản, khoa học, quyết liệt và sáng tạo, ngay trong năm đầu tiên, công ty đã tạo ra sự đột phá trong việc trồng cao su khi triển khai trồng được 2.029 ha, với tỷ lệ cây sống rất cao trên 98%. Phát huy thành công đó, trong những năm tiếp theo, công ty liên tục trồng mới trên diện tích lớn, năm 2013 trồng tới 4.539 ha. Và khi kết thúc trồng mới vào năm 2014, công ty đã trồng được 16.268 ha. Với kỳ tích này, công ty đã được Ban lãnh đạo VRG tặng bằng khen đột xuất “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác trồng mới 5 năm từ 2010 – 2014”.
Đất không phụ tình người
Chinh phục bao khó khăn, trở ngại, năm 2014, Cao su Tân Biên Kampong Thom hồi hộp đón chờ dòng nhựa trắng đầu tiên. Trong năm đó, công ty đã khai thác hơn 109 ha, thu hơn 66 tấn mủ. Những năm sau, diện tích cao su đưa vào khai thác tăng dần lên. Đến năm 2019, công ty đã đưa vào khai thác toàn bộ diện tích hơn 7.238 ha và từ 2020 đến nay đã có lợi nhuận. Sau đó không lâu, các công ty khác cũng lần lượt bắt tay vào khai thác. Đến nay, toàn bộ diện tích cao su của 16 công ty đều đã được đưa vào khai thác với nhiều vườn cây cho năng suất mủ cao, nổi bật có Bà Rịa Kampong Thom đạt năng suất bình quân tới 2,15 tấn/ha, Tân Biên Kampong Thom đạt năng suất bình quân 2,14 tấn/ha, Chư Sê Kampong Thom đạt năng suất bình quân 2 tấn/ha…
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng các công ty đã hoàn thành “mục tiêu kép”, đạt doanh thu và lợi nhuận cao, điển hình như: Chư Sê Kampong Thom đạt doanh thu 787 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 206 tỷ đồng; Tân Biên Kampong Thom đạt doanh thu 379 tỷ đồng, lợi nhuận 192 tỷ đồng; Bà Rịa Kampong Thom đạt doanh thu trên 397 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 163 tỷ đồng; Phước Hòa Kampong Thom đạt doanh thu 364 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 103 tỷ đồng…
Từ năm 2007 cho đến nay, hoạt động đầu tư của các công ty cao su đã và đang tiếp tục góp phần thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Campuchia. Không những góp phần tích cực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện hạ tầng khu vực nông thôn, tạo việc làm với thu nhập ổn định, mà còn góp phần hình thành tập quán định canh, định cư, lao động với tác phong công nghiệp cho đội ngũ người lao động tại các vùng dự án.
Dòng nhựa trắng tuôn chảy trong những cánh rừng cao su mênh mông, xanh mướt đã mang đến cuộc sống ấm no cho nhiều người dân nước bạn. Đấy là thành quả của 15 năm khai phá, tạo lập. Nhìn dòng nhựa trắng không ngừng chảy, nhìn nụ cười đẫm mồ hôi của các công nhân Campuchia, có thể thấy bao năm tháng gian lao đã đơm hoa, kết trái.
TRẦN HUỲNH
Kỳ 2: Cao su đã thay đổi diện mạo nông thôn Campuchia
Related posts:
- Nông trường Bachiang I nhiều năm liền năng suất 2 tấn/ha
- Nhiều điểm có lợi hơn cho Người lao động của thỏa ước lao động tập thể công ty mẹ Tập đoàn
- VRG đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
- “Công tác giống cần phải được các đơn vị đặc biệt quan tâm”
- Cao su Chư Prông: Tổ chức hội thảo Quản lý rừng bền vững
- Lãnh đạo VRG tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Campuchia nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam
- Đẩy mạnh thi đua nước rút hoàn thành nhiệm vụ năm 2020
- Cao su Quảng Trị ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi 100 triệu đồng
- Cao su Đồng Nai đặt mục tiêu tuyển dụng 150 lao động tại Cao Bằng
- "Cao su Phước Hoà - Kampong Thom hoàn thành kế hoạch sản lượng, đạt nhiều kết quả kinh tế"