CSVN – Chữ hiếu không phải là thứ đồ trang sức, mà nó là “phẩm chất của nhân cách” – Chữ hiếu bộc lộ tự nhiên không phải cố gượng ép và được thể hiện rõ nhất trong hành động khi cha mẹ già yếu phải vào bệnh viện.
“Gánh bố” cùng mẹ, nỗi vất vả sẽ vơi đi
Gặp bà Rớt – 80 tuổi sống ở phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá tại hành lang Khoa nội B, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang trong buổi trưa trời mưa gió vần vũ, bà chậm rãi ăn cơm và cho biết, chồng bà 87 tuổi bị tai biến 16 năm rồi. Đó cũng là quãng thời gian dài bà “đồng hành” với ông với bao vất vả lo âu. Lần này ông lại nhập viện sau 2 tuần được về nhà. Với bà “bệnh viện là nhà” – Bà kể: “Nhà chỉ mỗi một đứa con trai, cháu lại đi làm việc Nhà nước nên ít có thời gian vào viện để chăm sóc bố. Tuy vậy, sau giờ làm việc, cháu lại tranh thủ giờ nghỉ trưa vội vàng chạy vào viện thay phiên cho bà “ngả lưng” và tối đến lại ra viện canh bố thay cho mẹ”.
Nhìn dáng bà nhỏ với tấm lưng còng xuống theo thời gian, nỗi vất vả hằn trên khuôn mặt nhưng mỗi lần kể về đứa con trai “độc đinh” thì đôi mắt ánh lên niềm tự hào. “Mỗi lần ông mệt, không thở được là lại phải chuyển vào bệnh viện. Nhiều đêm ông đau nhức mình mẩy, nghe tiếng rên của ông mà nóng cả ruột. Cũng may thằng con cũng biết thương mẹ, cùng “gánh bố” nên nỗi cực nhọc cũng vơi đi. Bà thấy mình cũng còn hạnh phúc hơn nhiều nhà khác con đàn cháu đống vậy mà khi bố mẹ vào bệnh viện chúng phó thác cho bác sĩ…” – Bà cười đôn hậu.
Thể hiện đạo hiếu làm con khi còn có thể
Khác với bà Rớt, bà Đèo – 75 tuổi, người xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang vừa móm mém ăn suất cơm bệnh viện của một người đi chăm bệnh cho. Rớm nước mắt, bà tâm sự, nhà có hai đứa con, một trai một gái thế mà khi chồng bà trở bệnh phải nhập viện thì con cái đều viện cớ “bận việc” và chỉ mình bà theo chăm ông trong viện đã hơn 2 tháng nay. “Cũng không phải là bận công chuyện mà do “chúng giận” khi ông bà chia đất cho “không công bằng”. Vì vậy mà “xảy ra cơ sự” anh em không nhìn mặt nhau bởi con trai được chia đất nhiều hơn con gái. Giờ già cả mà chẳng nhờ vả được đứa nào, một mình mòn mỏi chăm ông trong viện. Cũng nhờ “trời thương” nên bà còn khỏe để lo cho ông. Thôi thì được ngày nào hay ngày đó, chỉ mong ông có về với tổ tiên cho nhẹ nhàng đừng đau đớn là mừng rồi”, bà ngậm ngùi trải lòng.
Những đêm thức trắng, những ngày dài canh cánh nhìn theo những giọt nước biển chậm rãi nhỏ từng giọt trong phòng cấp cứu, nhiều lúc bà ngủ gục khi ngồi bên giường bệnh canh ông; tiếng bà Đèo năn nỉ khi đút từng thìa nước yến “ông ơi, cố mà nuốt để về nhà, đi bỏ nhà bỏ cửa hơn hai tháng rồi ông à. Ông thương tui thì gắng mà nuốt để sống ông nhé…”.
Hai hoàn cảnh, hai số phận khác nhau nhưng hai bà đều có chung cảnh ngộ – Chăm chồng bị bệnh nan y khi tuổi già sức yếu. Nghe câu chuyện của hai người mẹ kể về những đứa con trong những ngày tháng bảy nhân dịp “Vu lan báo hiếu” bất cứ ai cũng có thể chạnh lòng, suy ngẫm về đạo làm con, về chữ hiếu.
Vào bệnh viện mới thấy rõ nhất “chữ hiếu” của đạo làm con. Đó là thái độ, hành vi khi thay tả và đút cháo cho bố mẹ; đó là sự có mặt hay vắng mặt thường xuyên của các thành viên trong gia đình khi cha mẹ già yếu “trái gió trở trời”. Đừng nghĩ rằng, cứ biền biệt để cố làm thật nhiều tiền gởi về biếu cha mẹ là thể hiện tấm lòng hiếu thảo; cứ ngày giỗ chạp mâm cao cỗ đầy là tròn chữ hiếu… Tình thân là cội nguồn của chữ hiếu. Hãy thể hiện đạo hiếu với cha mẹ khi còn có thể.
THÀNH KHẨN.
Related posts:
- Nông thôn mới trên vùng đất Long Tân
- Đảm bảo sản xuất, sẵn sàng tiếp ứng cho miền Nam
- Đừng chuyển nỗi đau này thành nỗi đau khác!
- Các nguồn lây đều được kiểm soát, dồn tổng lực để dập dịch
- Ổn định đời sống, gắn bó lâu dài với vườn cây
- Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch là thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu
- Làm gì trước làn sóng Covid - 19?
- TP HCM được phân thêm gần 980.000 liều vắc-xin Covid-19
- TP HCM: Cập nhật mới toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà
- Bám trụ với cao su vì niềm đam mê ... phong lan