Đừng “máu thành tích”

  • Sau những năm vắng bóng, Tập đoàn mình tổ chức Hội thao trở lại kìa Tư Mủ. Vui ghê chưa.
  • Ủa vậy hả. Con Covid làm anh em mình lỡ hẹn các kỳ hội thao và văn nghệ trực tiếp. Giờ tình hình ổn rồi chúng ta lại có dịp thể hiện “tài lẻ” bên cạnh “tài chẳn” là cạo mủ hén.
  • Tui thấy ngoài cơ hội cho công nhân mình thể hiện tài năng thì quan trọng là dịp giao lưu và rèn luyện tinh thần, thể chất để có khí thế mà làm việc tốt.
  •  Nhưng mà cũng đừng có “máu thành tích” quá nha, đã là hội thao, hội diễn, thì phần “hội” chủ yếu cho công nhân vui chơi phong trào là chính. “Máu” quá nó mất hay à nha.

HAI CẠO

Giống cái

Một dạo, ở tổ A nhiều thợ cạo cùng làm việc trên một vườn cây, nhưng cuối tháng, mỗi thợ thu hoạch sản lượng mủ thường chênh lệch nhau đến vài tạ mủ. Mọi người ầm ĩ so đo, nào là: ông giống PB 235, tui VM 515, RRIM 600… nên ông ít mủ, tui nhiều mủ hơn.

Trong khi Tư Cường tổ trưởng chưa tìm ra giải pháp hòa giải nội bộ thì bác Tám phu công – tra đã nghe, biết chuyện.

Bác cười giả lả nói với Tư Cường:

– Bây giờ có cả trăm giống cao su cao sản, nhưng thực tế chỉ 2 giống này thôi bây!

Biết bác nói vui. Tư Cường và mọi người cũng im lặng lắng nghe.

– Đó là giống đực và giống cái, bây muốn nghe cái nào trước?

– Dạ, nghe giống cái trước ạ!

– Này nhé, giống cái phải làm như vầy (không là thành đực): chăm sóc bón phân đúng định kỳ, xử lý cây tầm gửi bu bám cành nhánh hút dưỡng chất của cây, điều trị bệnh nấm hồng, bệnh phấn trắng… kịp thời. Xử lý vết cạo phạm gỗ, thường xuyên phòng bệnh loét sọc miệng cạo, bệnh khô miệng cạo. Làm tốt khâu đó rồi, thì khi cạo phải đúng độ dốc, độ sâu quy định cách tượng tầng 1,1 – 1,5 ly, đường cạo phải có lòng máng, và cạo vuông tiền vuông hậu thì mủ cho đầy chén. Loại giống cao su cái thường là phần cây của những thợ cạo siêng năng, chăm chỉ và biết yêu quý cây.

– Thế còn giống đực…

– Ừ thì, trường hợp những thợ cạo lười nhác mà phần cây sẽ là giống cao su đực. Là do, họ ít khi quan tâm chăm sóc để miệng cạo, mương, máng… râu ria lòng thòng (*), thành ra khi cạo mủ chảy vào chén rất ít. Bây muốn chuyển đổi giống đực sang cái cho mủ nhiều hơn dễ ợt hà.

– Chuyển đổi sao hả bác?

– Giống cái không có râu. Thì bây cạo râu cho sạch đi, dòng mủ được cạo ra sẽ chảy thẳng thớm trọn vẹn vào chén hứng mủ, không làm chảy tràn rơi vãi ra cây, ra đất là mủ nhiều lên chứ sao.

– Dạ, đúng ạ. Cạo râu ria xong thì… “mặc váy” (**) cho cây nữa là đúng điệu giống cái luôn đó bác ơi! (Cười…)

Cũng từ đó, những người thợ cạo tổ A không còn so đo về sản lượng mủ hoặc giống cây với nhau nữa. Bởi lẽ chỉ có một giống cao su hứa hẹn cho vụ mùa bội thu vàng trắng đong đầy hàng năm. Đó là, giống cao su cái đang khoác chiếc váy xinh xắn  mà mọi người thường hay rỉ tai nhau và cười… ra rả.

(*) Cọng mủ dây; (**) Mái che chén

XÊ AI