CSVN – Khác với trẻ em ở thành thị hay những vùng nông thôn khác, ngày hè của con em công nhân cao su lại có những kỷ niệm đẹp và nhiều ý nghĩa gắn liền với hình ảnh cây cao su và đời sống của những người công nhân cần mẫn.
Mùa hè – dịp trải nghiệm với vườn cây
Đối với học sinh là con em công nhân cao su, ngày hè không chỉ là những chuyến nghỉ để về thăm nội, ngoại mà còn là những ngày trải nghiệm với vườn cây cao su, với lao động và thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ ngoài lô cao su để có được dòng mủ trắng.
Với đặc thù công việc trên vườn cây, nhiều phụ huynh là công nhân lựa chọn cách quản lý con trong những ngày hè bằng việc mang trẻ theo vào vườn cây, vừa có thể đỡ đần cha mẹ công việc ngoài lô, cũng là cách quản lý con tránh xa sự ảnh hưởng của thói hư, tật xấu, sự phụ thuộc vào điện thoại thông minh và mạng xã hội,… Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh còn đưa các con ra lô cao su để trẻ biết trân quý thành quả lao động và có nhiều hoạt động gắn bó với cha mẹ hơn trong cuộc sống, đó cũng là cách giáo dục truyền thống tốt đẹp của người công nhân cao su.
Cháu Vũ Gia Phương, học sinh lớp 8, con chị Nguyễn Thị Luyến công nhân khai thác Nông trường Minh Hòa (Cao su Dầu Tiếng) cho biết, từ bé cháu đã rất thích được cha mẹ đưa vào lô mỗi khi hè về. Đó cũng là dịp để vui chơi vừa là để phụ mẹ trong công việc, đồng thời hiểu thêm về công việc vất vả mà cha mẹ hằng ngày lao động để nuôi cháu khôn lớn. Từ đó cháu yêu quý hơn công việc của cô chú công nhân trên vườn cây.
Được biết Vũ Gia Phương là học sinh chăm ngoan học giỏi, biết giúp đỡ ông bà cha mẹ, được vinh dự đại diện thiếu nhi tỉnh Bình Dương tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tại Hà Nội.
Giữ gìn và phát huy truyền thống ngành
Ông Trần Trung Tính – Phó Chủ tịch Công đoàn Nông trường Minh Hòa cho biết, hằng năm đơn vị cũng tạo điều kiện hỗ trợ học bổng khuyến tài – khuyến học, tặng quà cho con em công nhân học giỏi chăm ngoan, giáo dục truyền thống ngành cao su cho các cháu thiếu nhi. Tuy nhiên, đối với việc ngày hè người lao động mang con ra khu vực sản xuất, đơn vị cũng quán triệt phải đảm bảo an toàn cho trẻ và an toàn lao động, tránh tình trạng sử dụng lao động chưa đủ tuổi để phụ việc, vi phạm nội quy lao động của đơn vị.
Bên cạnh đó, các biện pháp ngăn ngừa việc trộm cắp, phá hoại tài sản trên vườn cây và đảm bảo phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em khi hè về cũng được các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và các trường học tổ chức thực hiện nghiêm túc. Chị Lê Thị Hằng Nga – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Minh Tân (Dầu Tiếng) cho rằng, để nâng cao ý thức của phụ huynh và các em trong việc bảo vệ tránh tai nạn thương tích, phòng chống trộm cắp tài sản, UBND xã phối hợp với Đoàn Thanh niên và các nông trường, các trường học trú đóng trên địa bàn đã có những chương trình hoạt động vui chơi, lồng ghép tuyên truyền đối với người lao động, giáo dục các em thiếu nhi nâng cao ý thức, tổ chức đội hình chiến sỹ an ninh nhỏ tại các trường học để mùa hè các em được vui chơi, giải trí, tìm hiểu giá trị truyền thống tốt đẹp.
Tin rằng, cùng với sự chung tay của chính quyền địa phương, các đơn vị ngành cao su đã và đang có những chương trình, kế hoạch đảm bảo cho con em công nhân phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần; giáo dục các em biết gìn giữ và phát huy truyền thống ngành. Hứa hẹn một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam trong tương lai.
MAI CHI
Related posts:
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con
- Bức thư gửi muộn
- Khi truyền thống là xung lực tinh thần
- 1.332 bài dự thi Cuộc thi viết 85 năm
- Giám đốc đồn điền xin làm… nhân viên!
- Mùa trải thảm vàng...
- Giải thưởng của niềm tâm huyết
- Xí nghiệp Chế biến đạt giải nhất Hội thao Cao su Đồng Nai
- Dịch bệnh rồi sẽ qua, yêu thương sẽ lại về...
- Nhà là nơi để về