CSVN – Sau 25 năm công tác tại Cao su Chư Prông, anh Trịnh Đình Luận – Giám đốc Nông trường An Phú mới nhận thấy cơ hội để phát triển kinh tế cho gia đình, bởi anh cho rằng khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn.
Phát huy lợi thế từ kinh nghiệm
Chúng tôi biết anh vào những ngày đầu trồng mới tại vùng dự án Ia Mơr những năm 2008 – 2009, khi đó anh là Đội trưởng Đội vườn ươm cây giống trực thuộc Xí nghiệp cây giống – phân bón của Cao su Chư Prông. Nhưng lần tình cờ gặp lại đầu vụ tái canh năm 2022, chúng tôi bất ngờ khi được mọi người giới thiệu vườn ươm cây giống của công ty ngày nào giờ là của anh Trịnh Đình Luận.
Trong câu chuyện ôn lại kỷ niệm ngày đầu, anh Luận cho hay: “Việc công ty có chủ trương xã hội hóa vườn ươm cây giống, tôi nhận thấy đây là cơ hội để khởi nghiệp từ chính kinh nghiệm của mình, nên xin lãnh đạo công ty cho tôi nhận lại vườn ươm”.
Anh Luận vốn là nhân viên phòng kỹ thuật nông nghiệp 10 năm, năm 2008 được điều đi làm đội trưởng của vườn ươm để sản xuất cây giống cho dự án Ia Mơr với diện tích khoảng trên 2.000 ha. Từ kinh nghiệm làm cây giống, trải qua nhiều chức vụ quản lý ở cơ sở đã củng cố kiến thức, trình độ tay nghề trong việc sản xuất cây giống nên anh mạnh dạn đứng ra nhận và tuyển dụng gần 10 lao động chuyên lai ghép cây giống.
Anh chia sẻ: “Làm cây giống không phải ai cũng làm được, nhất là lai ghép giống khó. Hàng ngày bản thân luôn theo dõi, chỉ bảo tận tình, kiểm tra từng mắt ghép của anh em công nhân làm nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống sau khi ghép. Những ngày đầu, nhiều anh em chưa nắm rõ kỹ thuật, còn hạn chế về tay nghề nên tỷ lệ cây chết sau ghép rất lớn”.
Từng có ý định bỏ cuộc vì cây giống sau ghép chết nhiều, anh giãi bày: “Thú thật rất xót vì tiền mình bỏ ra, rồi lo sợ không đảm bảo cây giống cho công ty nên tôi đã cố gắng hết sức, vực dậy tinh thần anh em, tính toán lại ngày công và các chế độ hỗ trợ, từ đó công việc trở nên trơn tru hơn, hiệu quả hơn. Đến nay, có thể tự tin cung cấp đủ cây giống cho công ty trong vụ tái canh năm 2022, thậm chí còn có thể cung cấp cây giống cho bà con tiểu điền”.
Được biết, cây giống tại vườn ươm của anh giờ đã có được lòng tin không chỉ của Cao su Chư Prông mà các đơn vị khác như Cao su Kon Tum, Mang Yang và Ea H’leo cũng đến hỏi mua.
Hiệu quả kinh tế cho công ty và gia đình
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Cao su Chư Prông cho biết: “Việc duy trì bộ máy quản lý và lao động tại vườn ươm tiêu tốn nhiều hơn hiệu quả nó mang lại, nên công ty có chủ trương để anh em trong công ty nhận lại, hàng năm công ty sẽ đặt hàng số lượng, loại giống phù hợp với diện tích tái canh, đây là điều kiện, cơ hội để anh em có tay nghề, kinh nghiệm phát huy sở trường, vừa phục vụ tốt công tác tái canh cho công ty vừa là mô hình phát triển kinh tế gia đình”.
Nói về hiệu quả kinh tế, anh Luận cho hay: “Bước đầu tôi tập trung sản xuất cây giống phục vụ việc tái canh của công ty, nhưng có thể năm sau sẽ mở rộng thêm. Hiện mức giá xuất vườn của tôi đang thấp hơn khi công ty tự làm cũng như mua ở nơi khác, đây có thể là lợi thế cạnh tranh cho những năm sau của tôi”.
Việc tăng nguồn thu cho gia đình của anh Luận có thể đang ở giai đoạn đầu, nhưng trước mắt vụ tái canh năm 2022 Cao su Chư Prông đã mua được cây giống có giá thành thấp nhưng vẫn đạt chất lượng, phù hợp với quy định của Ban Quản lý kỹ thuật VRG trong cơ cấu giống.
GIA LINH
Related posts:
- “Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số tại VRG để nâng cao hiệu suất hoạt động”
- “Thanh niên cần làm nhiều hơn nữa để xứng đáng với lịch sử ngành cao su”
- Đầm ấm buổi họp mặt cán bộ hưu trí đầu Xuân
- Tin vào một năm tiếp tục thành công
- Thắng lợi kép cho Tây Nguyên
- Cần giải pháp nâng cao hơn thu nhập người lao động
- Phát huy truyền thống đoàn kết, đưa nông trường vững bước đi lên
- Càng khó khăn càng gắn bó với ngành
- Người tổ trưởng Công đoàn tận tâm, nhiệt huyết với công việc
- Thi đua về đích nơi Bắc Lào