15 năm trên vùng đất phi truyền thống

LTS: Năm 2022 tròn 125 năm cây cao su có mặt tại Việt Nam. Từ trước đến nay, mọi người vốn không còn xa lạ với sự xuất hiện của cao su tại những vùng đất truyền thống như khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên. Đối với những vùng đất khó như miền núi phía Bắc (MNPB), Lào, Campuchia vẫn còn là những điều quá đỗi mới mẻ, bởi đây là những vùng phi truyền thống. Phát triển cao su ở những vùng này trong giai đoạn đầu có rất nhiều khó khăn, nhưng rồi, vượt qua những trắc trở, cây cao su vươn mình trong nắng, mang đến làn gió mới ở nơi mà nó hiện diện. Ở đó, cây cao su không chỉ mang sứ mệnh phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc.

Bài 1: Cây cao su về bản

Phát triển cây cao su ở miền núi phía Bắc (MNPB) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là nhằm tri ân đồng bào dân tộc tại vùng giàu truyền thống cách mạng. Từ mục tiêu rất quan trọng và ý nghĩa đó, với kinh nghiệm phong phú và nguồn lực vững mạnh, VRG được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao triển khai thực hiện chủ trương này.

Sau 15 năm thực hiện chủ trương phát triển cao su ở MNPB, giờ đây cao su phủ xanh đất trống đồi trọc, bản làng khoác áo mới, bà con vùng cao đã có cuộc sống ổn định hơn khi vừa làm công nhân cao su vừa phát triển kinh tế gia đình. Kết quả của chặng hành trình 15 năm tuy chưa thật sự rực rỡ nhưng các đơn vị ở MNPB trực thuộc VRG phần nào đã đóng góp ít nhiều vào việc phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn. Nhân dịp đánh dấu mốc 15 năm phát triển cao su ở MNPB, trân trọng mời bạn đọc cùng Cao su Việt Nam nhìn lại chặng đường vô vàn gian nan, thử thách nhưng cũng lắm vinh quang này.

Kỳ 1: Hồi sinh vùng đất trống đồi trọc

Trở lại MNPB sau 5 năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay đến diệu kỳ của vùng đất khó. Những đồi cao su trập trùng vươn lên xanh tốt cùng những cung đường uốn lượn trong vùng dự án.

NLĐ Cao su Điện Biên trang bị vật tư trên vườn cây
Định hình trên 28.500 ha cao su trên vùng đất khó

Năm 2000, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã tổ chức đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam đi nghiên cứu kinh tế một số tỉnh nước bạn Lào. Thành phần đoàn công tác ngoài các cán bộ của các cơ quan Đảng, Chính phủ, còn có Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh có biên giới với Lào. Trưởng đoàn lúc đó do đồng chí Trương Tấn Sang – Trưởng ban Kinh tế TW. Qua chuyến đi, đồng chí Trương Tấn Sang có chỉ đạo VRG nghiên cứu, đề xuất chương trình sản xuất cao su tại các tỉnh Tây Bắc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Tây Bắc là chiếc nôi của cách mạng đã chịu nhiều hi sinh, mất mát trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Vì vậy, trồng cây cao su lên Tây Bắc chính là hành động đền ơn đáp nghĩa nên phải phát triển nhanh ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên…”.

Đó là tâm tư, trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc làm sao để bà con vùng cao có cuộc sống ổn định hơn và đó cũng là trăn trở của lãnh đạo địa phương các tỉnh MNPB khi cả một thời gian dài nghiên cứu trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả. Vì vậy, VRG nhận thấy với vai trò của một Tập đoàn kinh tế Nhà nước cần phải có trách nhiệm đồng hành với Chính phủ hiện thực hóa việc thay màu áo mới nơi vùng cao.

Vậy là, sau những lần gặp gỡ, trao đổi, các tỉnh Tây Bắc đã thống nhất ký kết phương án hợp tác phát triển cao su với VRG. Ngày 18/8/2007, VRG tiến hành thành lập Công ty CPCS Sơn La để chính thức mở đầu chương trình phát triển cao su tại Sơn La nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Và đến nay, đơn vị này đã định hình được trên 6.000 ha cao su.

Nhớ lại thời kỳ đầu triển khai dự án, ông Võ Nhật Duy – nguyên TGĐ Công ty CPCS Sơn La chia sẻ, phát triển cây cao su là lĩnh vực mới, nên trong thời gian đầu triển khai dự án, một số loại giống đưa ra vùng Tây Bắc không có khả năng chịu lạnh nên tốc độ sinh trưởng và phát triển không đồng đều. Thậm chí có loại giống không thể chịu được những đợt rét đậm, rét hại nên đã chết. Song, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, những loại giống không chịu được lạnh đã được thay thế bằng các loại giống phù hợp với vùng khí hậu khắc nghiệt nơi vùng cao Tây Bắc.

Tuy gặp nhiều trắc trở trong giai đoạn đầu triển khai dự án nhưng Cao su Sơn La hôm nay rất “mới”. Cao su Sơn La hôm nay có 5 nông trường là đơn vị có nhà máy chế biến chạy hết công suất, ngoài chế biến còn gia công cho các đơn vị bạn, là đơn vị có sản lượng khai thác, doanh thu, lợi nhuận vượt mức kế hoạch đề ra năm 2021 và tiếp tục gặt hái được những kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022.

Những vườn cây cao su xanh mướt, ngút ngàn trên đồi cao đang cho mủ, tạo công ăn việc làm cho NLĐ địa phương là niềm tin, niềm tự hào của đơn vị. Qua từng năm, đơn vị càng khởi sắc, nhận được sự ủng hộ, quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương. Đồng thời tạo dựng niềm tin tưởng vững bền trong lòng bà con.

Cao su Điện Biên hiện được coi là “ngôi sao sáng” ở MNPB khi nắm giữ được nhiều cái nhất. Hiện, đây là đơn vị có năng suất vườn cây bình quân đạt cao nhất ở MNPB với 1,3 tấn/ha, là đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, thu nhập NLĐ cao so với mặt bằng chung của các đơn vị khu vực MNPB.

Để có cái nhìn tổng quan hơn về quá trình phát triển cao su tại Điện Biên, chúng tôi đã đến gặp ông Phạm Đức Hiển – nguyên GĐ Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Điện Biên, người rất tâm huyết với chủ trương của Đảng, Chính phủ đưa cây cao su về tỉnh nhà. Ông Hiển vẫn nhớ như in hình ảnh những ngày đầu tham gia tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai dự án.

Ông chia sẻ: “Hồi đó, được sự thống nhất của lãnh đạo tỉnh, tôi cùng với lãnh đạo cũng như các ban chức năng của VRG và Viện Nghiên cứu CSVN đã đi tìm hiểu thực tế vùng cao su của 2 nước láng giềng là Trung Quốc và Lào. Sau khi so sánh điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu giống với địa phương mình nên chúng tôi tự tin triển khai dự án. Nói thật, cao su là loại cây rất mới đối với vùng đất này nên trong quá trình thực hiện, chúng tôi mất rất nhiều thời gian để giải thích, tuyên truyền vận động người dân góp đất trồng cao su. Cho đến hôm nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị trực thuộc VRG đã có gần 5.000 ha cao su. Và tôi rất tự hào vì đã góp 1 phần công sức nhỏ bé của mình đối với thành quả đã đạt được như ngày hôm nay”.

Và từ Sơn La, Điện Biên, VRG đã dần mở rộng phát triển cao su ra các tỉnh MNPB, sau 15 năm triển khai chương trình phát triển cao su tại đây, VRG hiện có 9 công ty cao su trực thuộc đứng chân trên địa bàn 6 tỉnh. Tổng diện tích vườn cây của các đơn vị là 28.513 ha; trong đó vườn cây đưa vào khai thác 17.479 ha, diện tích vườn cây kiến thiết cơ bản là 11.034 ha.

Nhà máy chế biến của Cao su Sơn La ngoài chế biến mủ của công ty còn nhận gia công cho đơn vị bạn
Sản lượng ngày càng tăng

Thăm và làm việc với Cao su Sơn La năm 2010, Tổng Bí thư BCH TW Đảng Nông Đức Mạnh tự hào: “Hôm nay đến đây, tôi thấy hình ảnh người nông dân rất mới. Điều này cho thấy, việc xây dựng các đội trồng cao su bằng góp đất của dân là chủ trương đúng, đó là một trong những nội dung mà chúng tôi muốn nói trong Nghị quyết TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao mô hình này. Mong rằng VRG kiên trì thực hiện mô hình này vì đây là một chủ trương lớn, là vai trò chủ đạo của doanh nghiệp có vốn Nhà nước”.

Cũng tại Cao su Sơn La, ngày 8/1/2014 một lần nữa đồng chí Tổng Bí thư BCH TW Đảng Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Bây giờ chưa biết kết quả cuối cùng, nhưng thấy cây cao su tốt và chuẩn bị được khai thác là chiều hướng phát triển tốt. Tôi rất hoan nghênh tinh thần đi đầu làm thí điểm chủ trương góp đất của nông dân cùng với công ty Nhà nước để chúng ta làm mô hình trồng cây cao su. Đương nhiên, bước đầu thì thế nào cũng có khó khăn, nhưng quan trọng là VRG, Công ty CPCS Sơn La được tỉnh Sơn La ủng hộ. Tôi mong các đồng chí chăm sóc tốt những cây cao su mình đã trồng và mở rộng hơn nữa, nếu kết quả tốt, mô hình này được nhân rộng ra nhiều nơi trên cả nước thì tốt quá”.

Nhìn lại thực tiễn trong quá trình 15 năm xây dựng, có thể khẳng định cây cao su đã đáp ứng được kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Nếu so về năng suất vườn cây, các đơn vị khu vực MNPB không thể đạt được năng suất ngang với các đơn vị ở khu vực truyền thống do đặc thù về khí hậu, địa hình. Nhưng thực tế những năm gần đây cho thấy, diện tích đưa vào khai thác của khu vực này ngày càng tăng, vườn cây đang nằm trong thời kỳ cho năng suất tốt nhất, do đó năng suất vườn cây các đơn vị khu vực MNPB có xu hướng tăng.

Năm 2020, năng suất vườn cây Cao su Sơn La đạt 0,91 tấn/ha, Cao su Lai Châu 2 có năng suất 0,83 tấn/ha, Cao su Điện Biên 1,25 tấn/ha thì đến năm 2021, năng suất vườn cây của các đơn vị đã tăng lên lần lượt đạt 1,09 tấn/ha, 0,98 tấn/ha và 1,3 tấn/ha. Cao su Điện Biên đạt năng suất vườn cây 1,3 tấn/ha. Cùng với việc mở niệng cạo khai thác mủ, VRG cùng với các đơn vị thành viên đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su. Năm 2018, Cao su Sơn La đã xây dựng nhà máy chế biến đầu tiên tại khu vực MNPB có công suất chế biến 6.000 tấn/năm.

Với sản lượng ngày càng cao tại khu vực, năm 2022 Cao su Lai Châu tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy. Các đơn vị khác như Cao su Lai Châu II, Điện Biên cũng tiến hành xây dựng dây chuyền chế biến mủ. Cao su Dầu Tiếng – Lào Cai sau năm 2025 đầu tư nhà máy chế biến mủ SVR 10, 20 công nghệ rút gọn, công suất 3.000 tấn/năm, phục vụ các công ty khu vực Đông Bắc gồm: Cao su Yên Bái, Hà Giang, Dầu Tiếng – Lai Châu.

NG. CƯỜNG – QUỲNH MAI

Kỳ 2: Diện mạo mới các bản, làng trong vùng dự án