Phát huy nguồn lực để hoàn thành cao nhất kế hoạch

CSVNO – Tại cuộc họp với trưởng, phó các ban chuyên môn của VRG ngày 8/7, TGĐ VRG Lê Thanh Hưng đã có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt đối với từng lĩnh vực. Ông cũng đề nghị các ban chuyên môn luôn đồng hành, hỗ trợ các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022 nhằm đảm bảo VRG sẽ hoàn thành cao nhất kế hoạch.

NLĐ Cao su Phú Riềng thi đua lao động, quyết tâm “cán” đích sớm
Kết quả hoạt động SXKD 6 tháng đầu năm khả quan

Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, Ban Quản lý kỹ thuật dự kiến sản lượng khai thác toàn VRG sẽ vượt 4,3%. Tính đến ngày 11/7, toàn VRG khai thác được 144.722 tấn, đạt 36,8%. Dẫn đầu sản lượng khai thác toàn ngành là Cao su Chư Sê với tỷ lệ đạt 50,3%, tiếp đến là TCT Cao su Đồng Nai với 47,1%. Khả năng thực hiện sản lượng năm nay được dự báo rất khả quan, nếu thời tiết từ đây đến cuối năm thuận lợi, sản lượng vượt có thể đạt đến 8%.

Về công tác tái canh, năm nay toàn VRG tái canh 5.815 ha, các đơn vị chuẩn bị giống trồng năm 2022 theo cơ cấu giống được lãnh đạo VRG phê duyệt giai đoạn 2022 – 2026, định hướng đến 2030. Hiện nay, các đơn vị đang gấp rút hoàn thành tái canh năm 2022 trước ngày 30/7 để đảm bảo cho vườn cây sinh trưởng tốt.

Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG yêu cầu Ban Quản lý kỹ thuật có kịch bản cụ thể cho VRG, đơn vị, xây dựng kế hoạch hàng tháng, hàng tuần để giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời hỗ trợ những đơn vị đang có tỷ lệ khai thác thấp hơn so với mặt bằng chung của VRG. Về phân bón, ban cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác mua phân bón cả về số lượng và chất lượng để đảm bảo vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Thực hiện chủ trương đầu tư “Hệ thống thông tin địa lý quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và vườn cây cao su (GIS.VRG), sắp tới Ban Quản lý kỹ thuật sẽ chọn nhà tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn để thực hiện gói thầu tư vấn, lập hồ sơ đề xuất trình TGĐ VRG xem xét, phê duyệt.

Về chương trình phát triển bền vững, trong 6 tháng đầu năm, VRG đã tổ chức 2 hội nghị triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, Chứng chỉ rừng và Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm cho 20 công ty. Điều phối việc thực hiện MoU với Oxfam Campuchia; in ấn và phân phối Sổ tay kết nối cộng đồng; tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm kết nối cộng đồng với Oxfam Việt Nam và Oxfam Campuchia. Triển khai Lộ trình tái kết nối với FSC. Thực hiện triển khai và theo dõi Chứng nhận đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (EcoVadis) tại Phú Riềng, Dầu Tiếng và Đồng Nai.

Thời gian tới, VRG sẽ đồng hành với các đơn vị trong việc thực hiện hồ sơ tham gia chương trình Doanh nghiệp Việt Nam bền vững, phấn đấu có 16 đơn vị Top 100 Doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, trong đó 1 đơn vị nằm trong Top 10.

Vườn giống TCT Cao su Đồng Nai hiện là vườn giống có quy mô lớn nhất trong toàn VRG
Các ban nghiệp vụ cần trách nhiệm, chủ động, mạnh dạn tham mưu

Kế hoạch sản lượng (bao gồm thu mua) năm nay của VRG là 476.240 tấn. Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã ký hợp đồng dài hạn 178.958 tấn; giá bán bình quân hơn 38 triệu đồng/tấn. Dự báo năm 2022 tiếp tục khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 và các biến thể còn có thể phát triển mạnh; tình hình logistic vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. Trước tình hình đó, Ban Thị trường kinh doanh sẽ tham mưu cho lãnh đạo VRG để ban hành giá sàn cũng như các chính sách phù hợp nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch tiêu thụ.

Về công tác chế biến, quản lý chất lượng và môi trường, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG chỉ đạo: “Các ban chuyên môn có liên quan phải rà soát kỹ công suất chế biến toàn VRG. Hiện nay, tổng công suất chế biến của các nhà máy trong VRG rất lớn, tuy nhiên từng khu vực có bất cập.

Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế của từng đơn vị, các ban chuyên môn phải dự báo yêu cầu chế biến đến năm 2030 để tham mưu trong việc quy hoạch mạng lưới nhà máy chế biến trong toàn VRG. Bên cạnh đó, công tác quản lý chi phí chế biến phải được chú trọng, trong tình hình hiện nay các chi phí chế biến tăng cao, vì vậy cần phải có giải pháp phù hợp để chỉ đạo cho các đơn vị”.

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gỗ, VRG sẽ triển khai web thương mại điện tử quảng bá các sản phẩm cao su và gỗ VRG trong quý III. Đồng thời, phối hợp với các công ty gỗ MDF VRG lên kế hoạch tổ chức buổi gặp gỡ các khách hàng ngành gỗ của VRG trong năm 2022 với các nội dung tương tự như rubber dinner về ngành gỗ và tiến tới việc thực hiện triển khai hàng năm.

Thời gian tới, VRG tiếp tục cập nhật, đánh giá, hiện trạng ngành gỗ giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sớm thành lập các câu lạc bộ ngành gỗ gia công – tinh chế, MDF để các đơn vị trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và dễ dàng đề xuất với VRG khi gặp những khó khăn, vướng mắc.

Kết luận cuộc họp, TGĐ VRG Lê Thanh Hưng đã biểu dương những đóng góp của các ban chuyên môn đã tham mưu, hỗ trợ ban lãnh đạo VRG trong công tác điều hành. Ông đề nghị các ban phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có trách nhiệm, chủ động, mạnh dạn trong công tác tham mưu cho lãnh đạo VRG và ưu tiên tháo gỡ cho những đơn vị còn nhiều khó khăn.

Ông nhấn mạnh: “Dự báo trong thời gian tới, VRG thực hiện nhiệm vụ SXKD trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Do đó, các đơn vị phải phát huy tối đa những nguồn lực để thực hiện hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được giao, nhất là sản lượng khai thác, vườn cây tái canh phải sinh trưởng và phát triển tốt. Điều quan trọng nhất là các đơn vị phải đảm bảo an toàn cho NLĐ, sức khỏe NLĐ là trên hết, các đơn vị cần chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid – 19 và sốt xuất huyết”.

LÂM KHANH; Ảnh: VŨ PHONG