Cơ cấu lại sản xuất, tạo nguồn cung bền vững để xuất khẩu tăng ổn định 6 – 7%

CSVN – Theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra, các ngành cần nâng cao giá trị hàng hóa để xuất khẩu tăng trưởng bền vững hàng năm ở mức 6 –7%.

Mặt hàng cao su nhiều triển vọng góp phần cho kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Ảnh: Vũ Phong
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 –7%/năm

Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Để đạt mục tiêu này, mới đây, phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Chính phủ yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 – 7%/năm trong thời kỳ 2021–2030, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 – 9%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng bình quân 5 – 6%/năm. Ở chiều ngược lại, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 – 6%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 – 8%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng bình quân 4 – 5%/năm.

Để xuất khẩu bền vững, cần tăng tỉ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỉ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030…

Tái cơ cấu để nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu

Theo lộ trình đã đặt ra, xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 –2025 phải nâng cao tỉ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình. Giai đoạn 2026 – 2030, phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ; có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I/2021, đặc biệt có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỉ USD là những điểm sáng rất đáng ghi nhận trong bức tranh xuất khẩu hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc bởi rất nhiều yếu tố hậu thuẫn. Trong đó, phải kể đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên. Bên cạnh đó, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP được thực thi một cách đầy đủ cùng với mức thuế quan ưu đãi, các rào cản được giảm thiểu, sẽ tạo thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam so với các quốc gia chưa tham gia các FTA này.

Các chuyên gia kinh tế cũng tin tưởng xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 bởi các yếu tố thuận lợi nêu trên, ngoài ra còn phải nhìn nhận sự thích ứng, trưởng thành của các doanh nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp gần 3 năm qua.

P.V