CSVN – Hiện nay, mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ được các nhà nghiên cứu khuyến khích trồng trên vườn cây cao su nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ cho Việt Nam.
Đa dạng mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trên thế giới
Trồng xen cây lâm nghiệp trên vườn cao su đã được nghiên cứu, thử nghiệm ở một số quốc gia trồng và phát triển cao su trên thế giới nhằm phục vụ cho định hướng phát triển cao su theo hướng gỗ – mủ, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho NLĐ.
Tại Ấn Độ, mô hình trồng xen cây keo tai tượng ở vườn cao su thiết kế hàng kép với mật độ cây trồng xen là 450 cây/ha, kết quả cho thấy keo tai tượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của cây cao su trên mô hình này. Sau 7 năm trồng, vanh thân của cây cao su ở mô hình hàng kép có trồng xen keo tai tượng chỉ đạt gần 30cm, trong khi đó vanh thân cây cao su ở mô hình hàng kép không trồng xen và mô hình hàng đơn không trồng xen đều đạt trên 50cm.
Tại Indonesia, một số mô hình trồng xen cây keo trắng trên vườn cao su được thiết kế hàng kép với các mật độ keo trắng khác nhau. Kết quả đánh giá sau 51 tháng trồng cho thấy vanh thân cây cao su ở hàng kép có trồng xen cây keo trắng giảm 30% so với cây cao su trồng hàng đơn, không trồng xen và giảm 15% so với cây cao su trồng hàng kép nhưng không trồng xen cây keo trắng. Ngoài ra, nước này cũng đã thử nghiệm mô hình trồng xen cây giá tỵ, cây keo tai tượng và bạch đàn trên vườn cao su thiết kế hàng kép. Kết quả cho thấy tất cả các mô hình hàng kép có hoặc không trồng xen cây lâm nghiệp và cả vườn cao su trồng hàng đơn đều có thể đưa vào mở cạo sau 56 – 63 tháng trồng, ngoại trừ mô hình trồng xen cây keo tai tượng đã lấn át sự sinh trưởng phát triển của cây cao su một cách rõ rệt.
Trong khi đó, ở Campuchia trồng xen các loại cây lâm nghiệp trên vườn cao su được thiết kế hàng kép với mật độ cây trồng xen là 250 cây/ha. Sau 6 năm trồng cho thấy vanh thân cây cao su trên các mô hình trồng xen không có sự khác biệt đáng kể, ngoại trừ mô hình trồng xen cây keo lá tràm do khả năng sinh trưởng nhanh và khỏe của loại cây này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh trưởng của cây cao su trên vườn. Tỷ lệ cây cao su đưa vào cạo ở mô hình trồng xen cây sao đen là cao nhất. Về năng suất mủ của cây cao su, các mô hình trồng xen cây dầu rái, gõ đỏ và giá tỵ đều cho năng suất mủ cá thể đạt gần 20g/c/c.
Tại Việt Nam, một số công ty trực thuộc VRG đã thử nghiệm trồng xen cây lâm nghiệp lấy gỗ. Điển hình là năm 2012, Cao su Lộc Ninh đã thí điểm mô hình trồng xen cây keo lai, cây giá tỵ và keo lá tràm trên vườn cao su thiết kế hàng kép với mục tiêu ban đầu là thiết lập mô hình chắn gió bão giúp hạn chế gãy đổ của cây cao su trong suốt chu kỳ khai thác mủ. Kết quả cho thấy cùng thời gian trồng nhưng cây keo lai có sinh trưởng vượt trội so với cây cao su cùng trồng trên vườn.
Triển vọng mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ
Nhờ sự phát triển mạnh của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong 20 năm trở lại đây nên nhu cầu nguyên liệu gỗ cũng tăng cao. Tuy nhiên, gỗ nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu nguyên liệu, lượng nhập khẩu hiện nay khoảng 5 – 6 triệu m³/năm. Biến động lớn từ đại dịch Covid – 19 và gần đây là căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm cho giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao càng đặt ra sự cấp thiết về xây dựng và phát triển nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, có chất lượng và ổn định nhằm giảm dần và thay thế nguồn gỗ nhập khẩu.
Mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ được các nhà nghiên cứu khẳng định có lợi thế về mặt quản lý và kỹ thuật hơn các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp, mô hình này hoàn toàn khả thi và đáp ứng các mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất giảm suất đầu tư cho vườn cây cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản và ổn định nguồn gỗ nguyên liệu. Mô hình này được áp dụng thí điểm tại một số đơn vị từ năm 2015, điển hình tại Cao su Phước Hòa, Đồng Phú, Lộc Ninh, Dầu Tiếng. Trong giai đoạn 2015 – 2020 đã có 20 mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ với diện tích hơn 462 ha được thiết lập trên nhiều vùng sinh thái và thổ nhưỡng khác nhau.
Các nhà nghiên cứu khoa học khẳng định rằng, để triển khai mô hình này thành công và có hiệu quả kinh tế thì điều kiện quan trọng là có những bộ giống cao su phù hợp cho mục tiêu gỗ – mủ hoặc lấy gỗ. Các giống cao su trồng xen phải là những giống có sinh trưởng khỏe để phù hợp cho mục tiêu lấy gỗ sau 10 – 12 năm trồng hoặc các giống vừa sinh trưởng khỏe vừa cho năng suất mủ khá đến cao để có thể tận thu sản lượng mủ từ năm tuổi thứ 9 – 12 trước khi cây được cưa hạ cắt lấy gỗ. Bên cạnh đó, khoảng cách thiết kế cũng như mật độ trồng cần được nghiên cứu phù hợp với điều kiện cụ thể để giảm thiểu tối đa sự cạnh tranh của cây cao su trồng xen đến cây cao su trồng chính nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Việc vận dụng linh hoạt bộ giống phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng cụ thể của từng vùng/tiểu vùng kết hợp với các phương pháp thiết kế vườn cây là một trong những hướng tiếp cận đúng đắn và hoàn toàn khả thi trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu rải vụ cho ngành chế biến gỗ mà không phải đợi đến hết chu kỳ khai thác mủ của vườn cây. Hơn nữa, gỗ cao su đang dần khẳng định tiềm năng là nguồn gỗ nguyên liệu ổn định, hợp pháp và mang lại giá trị cao cho ngành chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giống trồng, vật liệu trồng, thời điểm trồng và sự phối hợp các giống trồng liền kề với nhau với phương pháp thiết kế khoảng cách hàng x cây mà khả năng sinh trưởng, phát triển của các mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ có sự khác biệt ít nhiều, các mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ trong những năm đầu thiết kế cơ bản nhìn chung có sinh trưởng, phát triển đáp ứng quy trình kỹ thuật cây cao su. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao đối với các mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ thì các mô hình này chỉ nên thực hiện trên nền đất tốt nhằm phát huy tối đa ưu thế của giống cũng như thổ nhưỡng, đảm bảo vườn cây đạt năng suất, sản lượng tương đương vườn cây trồng theo quy trình hiện hành.
MINH NHIÊN
(Trích tham luận tại Hội nghị nông nghiệp khu vực
Đông Nam bộ và Tây Nguyên năm 2022).
Related posts:
- Cao su Tân Biên - Kampong Thom: Chăm lo tốt cho người lao động là nhiệm vụ then chốt
- Tổ chức mạng lưới kiểm tra kỹ thuật thu hoạch mủ và quản lý kỹ thuật vườn cây cao su kinh doanh
- Công đoàn CSVN Đạt giải Nhì Cuộc thi ảnh “Nét đẹp Công đoàn và người lao động”
- Các công ty cao su tại Campuchia hoàn thành tốt mục tiêu kép
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệ...
- Xác định từng tiểu vùng để chọn giống thích hợp
- Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Cao su Điện Biên
- Đảng ủy VRG tổ chức Hội nghị công tác quy hoạch cán bộ
- Cao su Hòa Bình có những tiến bộ vượt bậc trong năm 2020
- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế