Sáng kiến “Tách nước thải tại các nhà tổ” bảo vệ môi trường

CSVN – Sáng kiến của nhóm tác giả Cơ quan Cao su Phú Riềng được công ty triển khai cuối năm 2019, đang duy trì thực hiện đem lại hiệu quả cao. Sáng kiến đảm bảo đúng yêu cầu quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn PEFC/VFCS-FM và được nhân rộng toàn ngành.

Ống phân loại nguồn nước có gắn nắp
Đảm bảo yêu cầu quản lý rừng cao su bền vững

Trước đây, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với cấu tạo gồm 1 bể gạn mủ có thể tích 5 m3 và 1 bể tự hoại 6 m3 cho mỗi Nhà tổ. Tuy nhiên, do đã được xây dựng từ lâu và không đồng bộ, hệ thống đường ống cấp nước và hệ thống thoát nước phục vụ công tác vệ sinh cho khu vực sản xuất và khu vực vệ sinh thông thường tại nhiều Nhà tổ chưa được bố trí hợp lý, chưa phân tách được 2 nguồn nước thải gây ô nhiễm và nguồn nước thải không gây ô nhiễm. Thêm vào đó, việc sử dụng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại các Nhà tổ chưa được tiết kiệm (trung bình 150 lít/người/ngày).

Từ những khảo sát thực tế, nhóm tác giả đã xây dựng sáng kiến “Tách nước thải tại các nhà tổ” với chi phí thực hiện thấp nhất và đảm bảo đúng yêu cầu quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn PEFC/VFCS-FM với nội dung của sáng kiến gồm 2 giải pháp chính. “Về giải pháp cải tiến cơ sở vật chất, tiến hành cải tiến hiện trạng Nhà tổ, xây dựng và sửa chữa lại các mương và các gờ chắn phân tách 2 nguồn nước thải: nguồn nước thải gây ô nhiễm sẽ được dẫn xuống bể gạn; nguồn nước không gây ô nhiễm sẽ được cho chảy trực tiếp ra theo các mương thoát nước hoặc tưới cây cao su. Xây dựng và sửa chữa các đường ống cấp nước để phân chia khu vực vệ sinh cá nhân và dụng cụ của công nhân.

Tổng chi phí cải tiến và sửa chữa cho mỗi Nhà tổ chỉ 25 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với phương án ban đầu do đơn vị tư vấn đưa ra hơn 40 triệu” – ông Nguyễn Quốc Toàn – Phó Phòng Công nghiệp Cao su Phú Riềng, thành viên nhóm tác giả, cho biết.

Về giải pháp quản lý, nhóm tác giải cũng đã tiến hành soạn thảo các hướng dẫn, quy trình sử dụng nước và thao tác giao nhận mủ của NLĐ và tiến hành đào tạo cho NT, các tổ trưởng và NLĐ về những điểm cần lưu ý khi sử dụng nước và tuân thủ đúng quy trình. Quy định lại cách sử dụng nước cho công nhân tại nhằm mục đích sử dụng nước cho hợp lý. Hướng dẫn thao tác giao nhận mủ của công nhân theo đúng quy định, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân thực hiện vệ sinh công nghiệp tại khu vực giao nhận mủ.

Nước không ô nhiễm được đưa ra ngoài môi trường
Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường

Sau khi áp dụng sáng kiến đã mang lại hiệu quả thiết thực. Về môi trường, những Nhà tổ áp dụng giải pháp sáng kiến thì nước thải được quản lý và xử lý tốt hơn. Giúp môi trường làm việc trở nên khoa học, thuận tiện hơn cho NLĐ, công tác vệ sinh công nghiệp tại Nhà tổ tốt hơn, môi trường làm việc sạch sẽ hơn.

Về kinh tế, khi áp dụng giải pháp sáng kiến, việc sử dụng nước của NLĐ được quản lý tốt hơn giúp sử dụng nước đúng mục đích và tiết kiệm hơn trước rất nhiều. Trung bình mỗi Nhà tổ mỗi ngày sử dụng từ 4-5 m3 nước/ngày cho hoạt động giao nhận mủ thì nay chỉ sử dụng từ 3-4 m3 nước/ngày, với đơn giá tiền nước 10.000 đồng/m3, thì mỗi Nhà tổ tiết kiệm 300.000 đồng/tháng từ việc sử dụng nước. Hoạt động phân tách được nước mủ và nước vệ sinh tốt hơn nên tận thu được nhiều mủ serum tại các bể nước thải. Theo số liệu khảo sát tại NT 3 thì sau khi áp dụng giải pháp thì mủ serum tận thu trong năm 2020 tăng thêm 6 triệu đồng.

Đặc biệt, chi phí khắc phục và cải tiến cơ sở vật chất Nhà tổ cho việc xử lý nước thải là 25 triệu đồng cho 1 Nhà tổ thấp hơn 15 triệu đồng so với phương án ban đầu do đơn vị tư vấn đưa ra là hơn 40 triệu. Công ty có hơn 120 Nhà tổ, vì vậy tổng chi phí tiết kiệm khi áp dụng giải pháp sáng kiến hơn 1,8 tỷ đồng.

Sáng kiến góp phần nâng cao ý thức của NLĐ đối với việc tuân thủ các nội quy, quy chuẩn lao động, hoàn thành các mục tiêu chung, tạo dựng văn hóa doanh nghiệp và cải tiến các hoạt động quản lý chất lượng, môi trường, trách nhiệm xã hội, trực tiếp nâng cao hiệu quả SXKD của công ty.

TUỆ LINH