CSVN – Những ngày cuối tháng tư lịch sử, hòa cùng tâm trạng phấn khởi khi hoạt động du lịch mở cửa an toàn, chúng tôi lại lên đường. Điểm chọn dừng chân đầu tiên là bãi biển Mỹ Khê (P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) – tạp chí Forbes bình chọn là bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Biển quyến rũ như cô gái tinh khôi
Náo nức như lần đầu được tới biển, 5 giờ sáng chúng tôi xuống bãi tắm “đón bình minh”. Như lời giới thiệu của anh Hậu hướng dẫn viên của đoàn, bãi biển Mỹ Khê toát lên vẻ đẹp khó cưỡng, với những bãi cát dài trắng mịn màng, dòng nước ấm quanh năm, nhịp sóng biển ôn hoà và được bao phủ bởi rặng dừa trải dài bao quanh. Cứ để đôi chân trần tản bộ, sẽ cảm nhận được sự êm ái, cát “mát xa ve vuốt bàn chân” của khách phương xa.
Chị Phương Thúy đến từ Tiền Giang thích thú trầm trồ, bãi biển sạch trơn, không hề có ốc hay vỏ sò. Và một cảm giác thật dễ chịu, êm ái vô cùng. Quả là “trăm nghe không bằng một đến”…
Khách du lịch xuống tắm biển lác đác, phóng tầm mắt nhìn ra xa phía mặt trời mọc là Ngũ Hành Sơn kỳ vĩ, quần thể “Nam thiên danh thắng” nổi tiếng từng đã đi vào ca dao “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”.
Chúng tôi hít thật sâu hương vị mặn mòi của biển và tò mò đi theo chị công nhân đang lặng lẽ, cần mẫn dùng cây cào miết đi miết lại trên bãi cát để “tìm rác”. “Chị ơi, sao đi dọc bãi tắm cả cây số mà ít thấy rác thải hay một con sò, con ốc nhỏ vướng chân chị hè?” chúng tôi hỏi.
Chị Phạm Thị Kim Ngoan – công nhân vệ sinh bãi biển phường Phước Mỹ tự hào kể về biển quê mình. Điều đặc biệt ở bãi biển Mỹ Khê là luôn được dọn dẹp sạch sẽ. Quy định xả rác trên bãi biển được thắt chặt, thùng đựng rác cũng được bố trí ở nhiều nơi. Đội vệ sinh có mặt từ hơn 4 giờ sáng để gom rác thải từ sóng biển đánh dạt vào, rồi tập kết về một chỗ trước khi trời sáng.
Chị Ngoan chỉ những “chú chim cánh cụt” nằm rải rác, cách nhau khoảng hơn 50m, điều đó cũng nhắc nhở ý thức của người đi tắm biển. “Nhìn bãi biển quyến rũ như một cô gái tinh khôi thì khách phương xa ai nỡ lại xả rác phải không ạ” – Chị dí dỏm.
Anh Dương Văn Biên dẫn xe máy gom rác về điểm tập kết, cho biết: “Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 4 giờ 30 phút cho đến gần 8 giờ sáng. Ngày nào cũng thế, không kể biển êm hay động. Nhưng hơn hai năm dịch bệnh kéo dài, bãi biển vắng hoe, người dân nơi đây buồn lắm. Nay khách du lịch đông dần, nhìn mọi người đi tắm biển, “tạo dáng” lúc bình minh… người công nhân chúng tôi cũng vui hẳn lên”.
Khi được hỏi về thu nhập, anh bộc bạch, lương tháng khoảng hơn 4,5 triệu đồng. Tiền lương tuy không nhiều nhưng được góp chút sức làm cho biển quê mình thêm sạch đẹp là thấy vui. Chỉ mong khách du lịch đến nhiều hơn để người dân có thêm việc làm và đời sống của công nhân vệ sinh trên biển cũng được cải thiện…
Cuộc sống làng chài xôn xao trong nắng sớm
Trước khi chia tay biển Mỹ Khê, sáng hôm sau chúng tôi lại ra biển. Có lẽ vì di chuyển nhiều nên cả đoàn ai cũng thấm mệt. Không hẹn được bạn đồng hành “đón bình minh”, hơn 4 giờ sáng, tôi lội bộ trên bãi cát dài và chờ đón mặt trời lên.
Đi dọc bãi biển, tôi mới ngộ ra rằng: Vì sao đa số người dùng trên cộng đồng Tripadvisor nhận xét bãi biển Mỹ Khê là 1 trong 10 bãi biển châu Á được yêu thích nhất thế giới. Từng top người đi thể dục, tiếng nói cười lao xao trong sóng và gió…. Mặc dù cũng tuân thủ mang khẩu trang, nhưng có lẽ dịch bệnh không còn là cái gì đáng sợ với người dân và du khách nơi đây. Cuộc sống đang dần trở lại với nhịp sống “bình thường mới”.
Trời chuyển dần về sáng, mặt trời to như cái thúng, đỏ rực cả chân trời biển. Đứng trước vẻ đẹp tinh khôi, trong tôi cảm giác xốn xang, vui sướng tự hào. Nhìn những cặp đôi “săn ảnh” “hứng mặt trời” tôi lại “tiếc đứt ruột” vì không cầm máy ảnh, không có bạn đồng hành.
Một cảnh tượng tuyệt đẹp của cuộc sống lao động – Những cư dân đang thu lưới về, nhiều du khách quây quần bên mẻ lưới đầy cá, những con cá nục tươi xanh quẫy trong lưới như muốn thoát ra ngoài. Hình ảnh đẹp của cuộc sống lao động cư dân ven biển như thước phim chạy đua với thời gian, ánh mặt trời nhuộm đỏ rực loang loáng trên từng khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của người dân chài vạm vỡ – “Chưa khi mô trúng cá nục nhiều như rứa!”.
Tôi dáo dác tìm xem có ai quen để mượn điện thoại ghi lại khoảnh khắc “có một không hai” trong đời – Vừa tiếc, vừa tự trách mình “giá như…”. Nhìn xa thấy em gái cùng đoàn đang đi ra biển, tôi vội mượn và chạy ào ra đám đông đang gỡ cá tiếp ngư dân làng chài. Có du khách hiếu kỳ, bỏ con cá vừa gỡ thả lại xuống biển xem “nó có bơi về biển được không” – Tôi bấm vội những góc ảnh mà có lẽ trong đời không bao giờ có được.
Những đôi bàn tay thoăn thoắt “nhà nghề” gỡ cá đang chạy đua với bình minh. Người gỡ, người thu lưới về, người gom cá vào rổ đem xuống biển rửa sạch rồi đổ trên tấm bạt trải rộng, đống cá cứ cao dần, lóng lánh trong nắng sớm.
Tiếng nhạc hiệu tập thể dục rộn ràng, tiếng đội cứu hộ nhắc nhở du khách tắm biển không đi ra khỏi khu vực được phép vang vọng trên loa phóng thanh, tiếng cười nói của khách du lịch “trải nghiệm” cùng gỡ cá… Chao ôi, cuộc sống lao động cư dân miền biển “lao xao” háo hức biết chừng nào.
“So với đánh cá xa bờ, thì công việc này nhàn hơn nhiều. Cứ gần 5 giờ sáng đưa lưới xuống thuyền thúng thả và khoảng 45 phút sau, thu lưới về. Nhưng không phải sáng mô cũng được như bữa ni. Có hôm kéo lên chỉ được vài con cá lèo tèo. Sáng ni “trời thương” cho trúng đậm” – Anh Trần Văn Dơi hớn hở khoe với mọi người.
Lạc quan vào cuộc sống bình thường mới
Còn mẹ Hồ Thị Trà – 80 tuổi với nụ cười mặn mòi, kể về những vất vả của người dân làng chài, về người chồng đã mất cách đây 3 năm, mẹ tự hào có 6 con trai và 3 con gái nối nghiệp bố lại ra biển bủa lưới đánh bắt cá mưu sinh. Mẹ mừng vui nhìn đống cá cao dần và lại nhìn ra biển. Khuôn mặt của người đàn bà miền biển rắn rỏi, lạc quan vào cuộc sống đủ đầy trong tương lai. “Bà già rồi, bà chỉ ra đây cho vui thôi. Hơn hai năm ni vì con cô vít nên biển vắng khách, buồn chi lạ. Hôm ni trúng nhiều cá, bà mừng lắm. Ước chi một tuần trúng vài lần như ri thì nhà bà không còn lo chi cả” – Mẹ trải lòng.
“Mẹ nờ, ra biển ri mẹ không sợ cô vy à” – Tôi ghé hỏi nhỏ. Mẹ cười: “Sợ chi nữa, cuộc sống trở lại bình thường rồi! Cứ thấy khách du lịch khắp nơi đổ về bãi tắm là vui và người khỏe ra. Không bù tháng trước bãi biển vắng buồn chi lạ…”.
Xin chụp với mẹ một tấm hình kỷ niệm, đưa vội vào tay mẹ ít tiền uống cà phê, chúng tôi hứa sẽ gởi ảnh và cả nhuận bút (nếu bài được đăng) khi về nam. Mẹ cảm động, đọc số điện thoại và hẹn “khi mô ra biển Mỹ Khê nhớ alo cho bà”.
Chắc chắn rồi! Khoan khoái hít đầy khí trời căng lồng ngực, tôi nhảy ào xuống biển, trời đã sáng hẳn, khách xuống bãi tắm đông dần. Từng lớp sóng trắng xóa cứ cuộn vào bờ, tôi vụp mặt vào biển, cảm giác hạnh phúc mơn man…
Chia tay biển Mỹ Khê, cảm giác bình yên, nụ cười của những cư dân trên biển, những mẻ lưới đầy ắp cá và cả niềm tin của mẹ Trà về ngày mai… theo tôi suốt hành trình. Đâu đó rì rào trong gió biển, những ca từ “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, non nước mây trời lòng ta mê say…” cứ miên man….
NGUYỄN LÝ
Related posts:
- "Dân cao su" chơi lan
- Người viết sử ngành bằng thơ
- 55 năm ngã ba Đồng Lộc - Nơi trái tim cả nước hướng về ...
- Cao su - dòng chảy hào hùng
- Khu di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến: Một thời và mãi mãi!
- "Mật mã đặc khu" - Góc nhìn sống động về nhà cách mạng lão thành Phan Kiệm
- “ÁNH SÁNG TỪ DÒNG VÀNG TRẮNG” LẦN THỨ VI - NĂM 2024
- “Học tập là công việc rất thú vị!”
- Giám đốc đồn điền và những người giúp việc
- Thác số 4 - Điểm đến lý tưởng của mọi nhà