(tiếp theo kỳ trước)
Từ năm thứ 10 trở đi thì người chủ sở cao su Malaysia hằng năm phải nộp cho Nhà nước số thuế đất 60.000 Francs, còn ở Nam Kỳ thì chỉ nộp có 7.384 Francs tức bằng 12% số thuế của chủ sở cao su Malaysia trên diện tích 2.000 ha.
Vào thời điểm này ông Octave Dupuy ước tính giá thành cao su ở Nam Kỳ có thể vào khoảng 1,25 Francs/kg trong khi ở Malaysia trong các đồn điền tốt nhất có thể lên đến 1,85 Francs/kg.
David Figart, do Chính phủ Mỹ cử đi Đông Nam Á nghiên cứu tình hình cao su, cho rằng giá thành cao su thiên nhiên ở Malaysia cao hơn Nam Kỳ 40%. Mặc dù thuận lợi như vậy, vốn đầu tư từ nước ngoài, nhất là từ chính quốc vẫn không thấy tăm hơi. Cuối cùng, ông Octave Dupuy đã kết luận rằng tư bản Pháp, bên chính quốc đã “tẩy chay” cao su Nam Kỳ. Nhưng sự thật có đúng hoàn toàn như vậy không?
Quan điểm của A. Crémazy và W.Bazé
Chúng ta hãy nghe hai nhà trồng tỉa có trọng lượng khác. Năm 1927, André Crémazy, nguyên Chủ tịch Phòng Nông nghiệp Nam Kỳ và nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn các nhà trồng cao su Đông Dương và W. Bazé giám đốc – quản lý Công ty Cao su Xuân Lộc cộng tác với nhau để viết quyển “L’ Heveaculture en Indochine”, tặng Albert Sarraut, nguyên Toàn quyền Đông Dương; quyển sách được ông Albert Sarraut đề tựa. Mục III của quyển sách có tựa là “Vì sao Đông Dương trồng cao su quá chậm?”, có thể cho chúng ta một số giải đáp.
Hai tác giả nói trên là những người trong cuộc và là những người đã chiếm những vị trí cho phép nắm bắt được vấn đề một cách chắc chắn đã “than thở” như sau: “Người ta thấy tư bản chính quốc xa lánh Đông Dương một cách ngờ vực; người ta đầu tư vào các công ty đồn điền Malaysia và Indonesia. Luân Đôn, Brúc-xen, La Haye Amsterdam tiêu thụ nhiều vốn của tư bản Pháp… Chúng tôi thấy trong một triển lãm về cao su ở Luân Đôn, một gian hàng các công ty Hà Lan, hầu hết xây dựng với vốn của Pháp. Đồng vốn của Pháp cũng góp phần xây dựng các Công ty Bỉ làm ăn với Trung Quốc. Rất buồn lòng khi thấy các kỹ sư điều hành là người Bỉ, thiết bị do Bỉ cung cấp. Vì sao như vậy?
Để giải thích vì sao vốn của Pháp lại chạy sang mở mang các thuộc địa Anh và Hà Lan, hai ông Crémazy và Bazé viết: “Việc tổ chức các công ty kinh doanh ở Luân Đôn, Brúc- xen La Haye, Amsterdam không khó khăn như ở Pháp và Đông Dương vì không bị luật 1867 ràng buộc ngặt nghèo.”. “Một số nhà tư bản Pháp cho người bản xứ vay nhưng không đòi được vì luật lệ không bảo vệ người có vốn nên họ không muốn đầu tư vào Đông Dương”. “Đồng bạc Đông Dương luôn luôn thay đổi tỷ giá đối với đồng Franc, do đó người ta không muốn đầu tư bằng đồng tiền “lành mạnh” của nước Pháp để rút về một đồng tiền “bấp bênh” của Đông Dương.” “Ngoài ra, chính quyền địa phương không khuyến khích các nhà trồng tỉa trồng cây cao su như các nước láng giềng của Đông Dương đang làm. Các Sở Nông nghiệp đang hướng họ theo cây Ficus elastica, một cây mà người ta từ bỏ từ lâu”.
Vai trò của chính quyền thuộc địa
Cách giải thích của ông Crémazy và W. Bazé cũng có đạo lý của nó, nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Ông Otave Dupuy có nêu một lý do khác: “Tôi thường được nghe các nhà tài chính và các nhà tư bản tuyên bố rằng họ không quan tâm đến bất cứ một “áp-phe” (affaire) nào ở các thuộc địa Pháp, vì sợ hãi các nhà chức trách ở các nơi ấy và những hành vi của họ. Có một huyền thoại về vấn đề này và những lời đồn đại không phải là không có căn cứ. Lịch sử của đất nước cho biết, lắm sự việc, trong đó những sáng kiến có giá trị bị xếp xó và những cơ sở kinh doanh tiêu tan sự nghiệp bởi guồng máy cai trị thuộc địa của chúng ta”.
Ông A. Crémazy và W. Bazé viết một cách tế nhị hơn: “Sẽ là một chính sách tốt nếu chúng ta không làm cho người có vốn muốn đầu tư vào nước này hoảng sợ bằng những lời hù dọa về thuế khóa, bằng những thái độ nhũng nhiễu hay là những thủ tục hành chính lề mề”.
Những người dân thuộc địa có thể hiểu những gì mà ông Octave Dupuy nói năm 1911 và những gì mà hai ông Crémazy và W. Bazé viết 1927. Không phải bọn tư bản tài chính, bọn chủ Ngân hàng Pháp không “thính hơi tiền”, mà chính là họ sợ hãi các ông “vua thuộc địa da trắng”. Một nhà văn Việt Nam, ông Cung Giữ Nguyên vào những năm 30 đã viết trong tạp chí Indochine: Khi chiếc tàu viễn dương từ Marseille sang Sài Gòn, vượt khỏi Colombo, thì người công dân Pháp lần đầu tiên sang Đông Dương để làm cái công việc cai trị dân thuộc địa bắt đầu thay đổi thành một con người khác! Và người con cháu của các chiến sĩ đã làm nên cuộc Cách mạng Pháp dần dần biến thành một ông quan thuộc địa tàn ác, xấu xa.
Người Pháp than phiền rằng vốn đầu tư từ nước ngoài không thâm nhập vào cao su Đông Dương, vào cao su Nam Kỳ, nơi có nhiều điều kiện vô cùng thuận lợi. Nhưng người ta quên hay là không biết – rằng chính Chính quyền thuộc địa trong giai đoạn đầu phát triển cao su, đã ngăn cản việc thâm nhập ấy. Và cũng chính sự cạnh tranh về quyền lợi của các tập đoàn tư bản người Pháp chính cống ở Nam Kỳ và ở Đông Dương đã góp phần cản trở sự thâm nhập của vốn đầu tư của nước Pháp vào Việt Nam và Đông Dương. Trước tiên phải nói đến chính sách phân biệt đối xử đi đến bài ngoại của chính quyền thuộc địa, chung quy là để bảo vệ quyền lợi của người Pháp đang làm ăn ở Đông Dương (và ở Việt Nam).
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất kiều dân thuộc quốc tịch Đức, Ý, Thụy Sĩ và Bỉ là những đối tượng bị giám sát chặt chẽ. Đầu óc bài ngoại dẫn dến việc người Anh và người Nhật đều bị xem là nguy hiểm cho nền an ninh kinh tế của Việt Nam, Hoa kiều và Ấn kiều cũng bị nghi ngờ. Những người Pháp làm nòng cốt cho phong trào bài ngoại này là bọn người có vai vế có quyền lực, có bất động sản lớn và to mồm nằm tại Nam Kỳ. Người ta kể những tay đầu sỏ là E. Outrey, một nghị sĩ Pháp có vài ngàn hectare cao su và chủ 2 tờ báo “La Liberti” và “Midi Colonial”; là de la Chevrotière, một nhà doanh nghiệp và một chính trị gia “lõi đời” có đồn điền cao su, chủ tờ báo “La Dépêche”; là Octave Homberg chủ Ngân hàng và Giám đốc một tờ báo lớn ở Sài Gòn. ……………
Những người nay tuy có mâu thuẫn với nhau, nhưng cũng đã họp lại thành một khối mạnh, có sức chống đối cả Toàn quyền Đông Dương, có khi chống đối cả chính phủ Pháp và nhất là chống lại quyền lợi kinh tế của người nước ngoài, không phải là của người Pháp. Nhóm này có chỗ dựa là Nghiệp đoàn các nhà trồng cao su Đông Dương một tổ chức mạnh bao trùm hầu hết các cơ sở cao su thời bấy giờ và nhiều tờ báo tiếng Pháp có tên tuổi. Sau lưng nó là Ngân hàng Đông Dương có trụ sở tại Sài Gòn.
(còn tiếp)
CSVN
(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)
Nguồn vốn người Pháp trồng cao su
Related posts:
- 239 trại sinh tham gia trại hè tại Đà Lạt
- Bảo tồn các nghi lễ đặc trưng của đồng bào dân tộc JRai
- Làng quê đang biến mất
- "Chữa bệnh" cho sách
- Hội diễn Khu vực I – Hà Giang rực rỡ sắc màu
- Kết quả Cuộc thi ảnh báo chí nghệ thuật “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần VI năm 2024
- Thú vị xe ngựa phố núi
- Hướng đến Tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao
- Hãy đến thành cổ Quảng trị
- Nhà là nơi để về