Công nhân người H’mông trên Nông trường Thái Hiệp Thành

CSVN – Những cơn mưa đầu mùa mang đến sự dịu mát, xua tan đi cái oi bức trong một khoảng thời gian dài của mùa khô Nam Bộ. Những cánh rừng cao su bạt ngàn vừa thay một bộ cánh mới, đang trong  thời  kì  hoàn  thiện  những  tán lá, gặp mưa như thỏa được nỗi khát khao, dấu hiệu của một mùa cạo mới đầy thuận lợi.

Công nhân người HMông giải trí sau giờ làm việc trên vườn cây nông trường Thái Hiệp Thành

Vào  thời  điểm  này  nông  trường  cơ  bản  đã hoàn thành công tác trang bị và xả miệng cạo mới, giờ chỉ còn khâu bôi thuốc kích hoạt đợt một là sản lượng có thể tăng lên khá cao rồi. Thời tiết đầu năm thuận lợi tạo nên sự phấn chấn cho cả cán bộ và công nhân trên toàn nông trường, ai nấy với tâm thế vào “cuộc chiến” mới sau những ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5.

Mùa cạo năm nay có một điều đặc biệt là hơn 60% công nhân là người dân tộc H’mông đến từ tỉnh Hà Giang, độ tuổi còn khá trẻ nên rất năng động và nhiều sức khỏe. Trong số ấy có những bạn đã có kinh nghiệm ở niên vụ 2021, sau thời gian về quê nghỉ Tết đã trở vào tiếp tục công tác.

Từ 2020, vì nhiều yếu tố khách quan nên tình hình nhân lực là một bài toán khó của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Nông trường Thái Hiệp Thành cũng không tránh khỏi điều này. Phần nhiều công nhân đã đến tuổi nghỉ hưu, một số chuyển qua làm việc ở các khu công nghiệp, chỉ còn lại một số ít gắn bó và thật sự tâm huyết với nghề. Trước tình hình như vậy, tuyển lao động từ các tỉnh thành xa là một giải pháp cần thiết.

Năm  2021,  nông  trường  được  nhận  hơn  40 công nhân người dân tộc H’mông từ Hà Giang vào làm. Rút kinh nghiệm từ năm trước, nông trường tổ chức đào tạo nghề cho công nhân mới một cách kỹ càng hơn, công tác tư tưởng đối với các bạn trẻ cũng được quán triệt và cuối cùng là vấn đề thu nhập cũng hết sức quan trọng và mang tính quyết định. Kết quả là đã giữ chân được các bạn ấy đến hết năm, ngoại trừ một số ít vì lí đó gia đình phải nghỉ việc. Và niềm vui là niên vụ 2022 này, khi quay trở lại làm việc sau mùa lá rụng, các công nhân cũ đã vận động thêm người thân quen của mình vào làm cho nông trường. Bài toán khó đã được giải quyết.

Công nhân người Hà Giang trên vườn cây Cao su Đồng Nai. Ảnh: CTV

Tại  đội  1  có  22/33  công  nhân  là  người  H’mông được sắp xếp chỗ ở trong dãy nhà do công ty xây dựng và tận dụng thêm văn phòng đội cũ để sinh hoạt, các bạn ấy còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía nông trường như tiền tàu xe và các vật dụng sinh hoạt khác nên trông các bạn ấy rất phấn khởi. Ngày  đi  học  tập  an  toàn  lao  động,  trên  hội trường xuất hiện những cô gái trẻ với chiếc váy xoè  truyền  thống  của  người  H’mông  trông  thật xinh xắn và dễ thương, tạo nên một sắc thái mới trên nông trường, lòng người dường như cũng dịu lại trước cái nóng oi bức của mùa khô.

Các bạn còn rất trẻ lại siêng năng, chịu khó học hỏi. Qua một khoá đào tạo ngắn hạn đã nắm được kỹ thuật trang bị và kỹ thuật cạo. Chỉ vài ngày đầu còn bỡ ngỡ vì chưa quen nhưng sau đó các bạn đã bắt nhịp được với công việc. Những cái tên Vừ A Súng, Cháng Mí Cái… mới đầu nghe thấy lạ tai nhưng lâu dần thấy cũng đáng yêu lắm! Các bạn ấy kể rằng những năm trước đây đi sang Trung Quốc làm thuê, tuy có tiền nhưng vất vả lắm, từ ngày có dịch Covid nghe có tuyển công nhân cao su nên mới vào đây. Hỏi rằng các bạn có thấy cực khổ không thì cười “cũng bình thường thôi”.

Khi vào làm việc ở nông trường, các bạn nhận được hỗ trợ rất nhiều về mặt tinh thần cũng như vật chất. Được sự giúp đỡ tư vấn từ công nhân cũ người Kinh. Còn có người đã tặng các bạn chiếc tivi để giải trí và xem tin tức sau giờ làm việc.

Với  những  tín  hiệu  đáng  mừng,  hy  vọng  lực lượng trẻ đầy nhiệt huyết này sẽ góp phần giúp TCT Cao su Đồng Nai nói chung và NT Thái Hiệp Thành nói riêng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong niên vụ 2022 và những năm tiếp theo.

NGUYỄN HƯNG

(Nông trường Thái Hiệp Thành, TCT Cao su Đồng Nai)