Mùi nhựa sống

CSVN – Trời còn chưa sáng hẳn, chiếc xe băng băng trên con đường vắng, một bên là nhà dân, một bên là bạt ngàn cao su. Những hàng cây sẫm màu chạy dài nối tiếp nhau làm tôi có cảm giác mơ màng…

Tác giả (thứ hai từ phải qua) cùng đồng nghiệp người Lào khi công tác tại Công ty CPCS Việt Lào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cánh rừng cao su này, cũng dài và rộng, như những cánh rừng cao su ở Champasak. Tôi thiếp đi lúc nào không hay, trong giấc mơ ấy tôi nghe thấy tiếng gọi thân thuộc bên tai: “Lục, lục…” (tiếng Lào: Con ơi, con) – tiếng của Mè Púi, một người dân Lào đã cao tuổi, sống gần nơi đơn vị chúng tôi. Vì tiếng gọi “mẹ” trong ngôn ngữ Lào cũng gần giống với tiếng Việt, thế nên chúng tôi gọi bà là mẹ – Mẹ Púi. Bà nghe mãi thành quen, còn chúng tôi cảm giác như được gọi mẹ.

  • Lục kin sụm bò? (Dịch nghĩa: Con ăn gỏi đu đủ không? Gỏi đu đủ là món ăn rất ngon và phổ biến của người Lào, được chế biến từ đu đủ xanh, cà chua, chanh, tỏi, ớt và mắm).
  • Vâng, vâng – tôi vội vã trả lời mẹ, quên cả việc nói tiếng Lào.

Mẹ Púi có hai người con gái đều làm công nhân cao su. Tôi thường bắt gặp mẹ đi phụ con gái úp tô, quét lá. Chiếc váy truyền thống Lào đã sờn bạc nhưng mẹ vẫn mặc, khoác thêm chiếc áo công nhân, cứ thế mẹ cần mẫn suốt mùa cạo phụ giúp cho con gái của mẹ. Phần cây của con gái mẹ có một vạt triền dốc, chênh vênh. Có lần mẹ trượt chân ngã, chúng tôi vừa hay đi kiểm tra vườn cây ngang qua vội vàng chạy đến đỡ mẹ. Tôi nắm bàn tay của mẹ, những đường gân xanh và to nổi dọc bàn tay, những ngón tay to và xù xì. Tôi bất giác thấy mắt cay cay. Tôi nhớ mẹ của tôi. Tôi nhớ Việt Nam vô cùng!

Những năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ nhất của tôi đã gắn liền với vùng đất Champasak màu mỡ, linh thiêng. Có những ngày trời nắng như đổ lửa, những con đường đất đỏ bụi mù mịt, chúng tôi cứ thế cứ đi, băng băng qua những vườn cây đã rụng lá, vào tận ngóc ngách, tận những nơi triền dốc, những nơi tiếp giáp với đất của dân bản để kiểm tra xem có nguy cơ nào gây cháy vườn cây hay không để kịp thời ngăn chặn. Chúng tôi chẳng biết ngại giữa trưa hay giữa đêm khuya, chỉ cần là vườn cây còn chưa thay lá, nguy cơ cháy còn thì chúng tôi cứ thế mà đi. Những đứa con gái của đất cao su như chúng tôi làn da và mái tóc chẳng cần nhuộm cứ thế mà nâu dần. Chúng tôi ngày ấy được phân công ở tập thể chung với nhau, một phòng từ 2 đến 3 người. Sáng sớm đi làm, chiều tối chúng tôi ngồi học tiếng Lào cùng với nhau, các anh chị sang Lào trước sẽ chỉ dạy cho chúng tôi những câu giao tiếp và văn hóa của người Lào. Các anh chị như những người thầy, và như những anh chị lớn trong gia đình, vừa chỉ dạy vừa an ủi chúng tôi những lúc nhớ nhà.

Rồi chúng tôi mỗi ngày một trưởng thành hơn, chúng tôi đã giao tiếp được với những người công nhân, đã chuyện trò được để hiểu tâm tình của họ, những khó khăn của họ. Để người dân Lào có thể nắm bắt được kỹ thuật cạo, ngoài việc đào tạo ban đầu, các anh chị làm công tác nông nghiệp còn phải “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn xuyên suốt để người công nhân rèn được sự ổn định tay nghề, đảm bảo thực hiện đầy đủ những yêu cầu kỹ thuật khi khai thác, thu hoạch, nghiệm thu và giao nộp về nhà máy. Tôi nể nhất là các chị nông nghiệp, chưa bao giờ ngại nắng hay mưa, cứ xắn tay áo lên mà đi, vào tận cùng những địa bàn khó đi, triền dốc, hẻo lánh để kiểm tra quy trình kỹ thuật. Thanh xuân của chúng tôi trôi qua trong sự lao động hăng say, sự hứng khởi mỗi khi mùa cạo mới, và sự hân hoan cùng người dân Lào đón Tết truyền thống vào mỗi tháng Tư.

Những đứa con gái chúng tôi ngày ấy, ngoài hai mươi tuổi, mỗi lần được đi dưới bóng cây cao su đều cảm thấy lòng rạo rực lạ kỳ. Vì tuổi thơ của chúng tôi, đều lớn lên dưới bóng mát cây cao su, và được làm công nhân cao su là mơ ước của rất nhiều người trong chúng tôi thời ấy.

Những năm 90, khi tôi còn là một con bé quê, xóm tôi còn nghèo lắm, nhưng xen giữa những ngôi nhà mái lá, nổi bật lên màu sơn mới của các căn nhà cấp 4 khang trang mà mọi người nhìn thoáng qua đều truyền tai nhau “đó là nhà của công nhân cao su”. Và nếu thời kỳ đó đã có công cụ tìm kiếm thông minh Google thì chắc hẳn cụm từ “công nhân cao su” sẽ trở thành từ khóa tìm kiếm nhiều nhất. Và cứ mỗi dịp lễ, chúng tôi, những đứa trẻ con lại tranh thủ đến nhà văn hóa Công ty Cao su Dầu Tiếng để giành một chỗ xem các chương trình văn nghệ của công ty. Mặc dù chỉ là văn nghệ quần chúng nhưng chúng tôi thích lắm. Các anh, chị em nghệ sĩ – công nhân hát rất hay, múa rất đẹp. Thời đó chưa có internet, chưa có điện thoại thông minh, chưa có các mạng xã hội cho nên đối với chúng tôi thì các chương trình văn nghệ của công ty cao su như là một món ăn tinh thần rất quý giá.

Những ngôi nhà khang trang, những điệu múa lời hát của các anh chị công nhân gieo vào tiềm thức của chúng tôi – những đứa trẻ con ước mơ được làm công nhân cao su, ước mơ về một cuộc sống sung túc và được khoác lên mình những bộ váy áo lộng lẫy cất lên tiếng hát ngợi ca cuộc sống. Rồi ước mơ ấy của tôi cũng trở thành hiện thực, tôi đã được cống hiến tuổi trẻ của mình trên những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Champasak, và cũng được khoác lên những bộ váy áo xinh đẹp để tham dự các Hội diễn văn nghệ toàn ngành.

Tôi nhớ khi còn bé, tôi đã từng hỏi mẹ rằng “cạo như thế cây có đau không? Mẹ có mỏi tay không?”. Mẹ chỉ cười hiền lành và bảo tôi rằng “cây không đau đâu con, mẹ cũng không mỏi tay con ạ!”.

Rồi tôi lớn lên, trở thành một người mẹ, trải qua những thăng trầm của đời người, tôi bỗng nhớ lại câu nói năm xưa của mẹ. Tôi hiểu rằng cây cũng biết “đau”, để nuôi tôi lớn khôn, và bàn tay của mẹ cũng mỏi mệt, khô sạm vì lo toan. Không có sự vinh quang nào lại không phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt!

Thế giới hiện tại đang trải qua những ngày dịch bệnh khó khăn và mất mát. Ngành cao su cũng đứng trước rất nhiều thách thức. Những mùa gió bão cây gãy đổ hàng loạt, rồi giá cả xuống thấp, rồi dịch bệnh xảy đến không ngờ… Nhưng bằng sự nỗ lực, bằng tình yêu ngành yêu nghề, người công nhân vẫn gắn bó với cây, chung tay xây dựng những vườn trồng mới, thực hành tiết kiệm, chắt chiu từng giọt vàng để hoàn thành sản lượng.

Suốt hơn mười năm sống và làm việc tại Lào, điều mà tôi còn trăn trở là chúng tôi chưa có được trường mẫu giáo, cao hơn là trường tiểu học, trung học cho con em cán bộ công nhân viên cao su. Con của chúng tôi, đều phải gửi về Việt Nam để theo học từ mẫu giáo, đối với những người mẹ như chúng tôi, thật sự đó là một việc vô cùng khó khăn. Chúng tôi ao ước có được trường học để những đứa trẻ có thể đến trường, cha mẹ đến nông trường – nhà máy, tối đến cả gia đình sum vầy. Đó sẽ là nguồn động lực lớn lao cho chúng tôi ngày càng hăng say hơn trong công việc, ngày càng phấn đấu và gắn bó hơn với vườn cây, với nghề.

Đang miên man với bao nhiêu hồi ức, tiếng còi xe làm tôi bừng tỉnh. Thì ra là chiếc xe tăng mủ quen thuộc vừa ngang qua. Chắc bạn ấy đang vội để kịp chở “vàng” về nhà máy. Tôi nhờ bác tài dừng lại một chút. Trước mắt tôi là những phần cây đang trong lát cạo, những tô mủ đầy đã sắp tràn. Tôi hít một hơi thật dài, mùi nhựa thơm nồng quen thuộc, cùng với không khí trong lành buổi sáng thật dễ chịu. Tôi ngắm nhìn những hàng cây dài tít tắp trước mắt, nắng sớm xuyên qua những kẽ lá rơi xuống những tô vàng đầy óng ánh. Những kỷ niệm cũ lại ùa về, ngay cả khi tôi tỉnh, mà cũng như còn trong mộng mị, rằng tôi đang đứng giữa mênh mông Champasak…

Trải qua bao nhiêu giông bão của cuộc sống, trải qua bao biến cố thời đại, cây vẫn hiên ngang, lá vẫn xanh che bóng mát lành cho người thợ cạo, lá vàng vẫn rơi làm xao xuyến bao cô gái xuân thì. Rồi cây cũng già, người cũng già. Nhưng mùi thơm nhựa mới cứ len vào trong tim bao thế hệ, tiếp nối nhau, để tạo thành một chất keo gắn kết những con người từ khắp mọi miền cùng nhau xây dựng và phát triển ngành cao su.

Máu xương, mồ hôi nước mắt hôm nay là lịch sử của mai sau. Lớp trẻ sẽ tự hào và tìm hiểu, học hỏi từ lịch sử. Nhưng vị mặn của mồ hôi chỉ những người đang sống mới thấm thía. Những “bàn tay vàng” mỗi lần được vinh danh trong các hội nghị ngành cũng phải trải qua bao nhiêu ngày khổ luyện, bao nhiêu mồ hôi đã rơi sau lớp áo xanh. Những vườn cây cũng phải kiên cường vượt qua gió bão, bám rễ sâu để đứng vững, nuôi cây, cùng với bao nhiêu công sức chăm bón của những người công nhân mới được đứng vào hàng ngũ “Câu lạc bộ 2 tấn”. Những mùa vàng bội thu, những buổi lễ mừng công cũng đánh đổi bởi rất nhiều những nỗ lực của cả tập thể.

Cho dù chặng đường sắp tới, luôn còn nhiều thách thức, thế nhưng khi mùi nhựa sống còn khắc sâu trong kí ức, trong tiềm thức của mỗi người, thì bằng trái tim và khối óc, những người công nhân cao su sẽ vượt qua được tất cả khó khăn để hát mãi những bài ngợi ca mừng dòng vàng trắng.

Bình Dương, ngày 11/ 04/ 2022

HOÀNG ĐỖ PHƯƠNG HỒNG HẠNH

(Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương)