(tiếp theo kỳ trước)
Đây là một cách làm cho đồng vốn đẻ, tuy chậm nhưng chắc chắn, không có một tí hiểm nguy nào! Chả thế mà De Lanessan làm Toàn quyền Đông Dương từ năm 1891 – 1894 đã trình bày quan điểm khai thác thuộc địa trong quyền sách do ông ta viết, mang tên “La colonisation française en Indochine” xuất bản tại Paris năm 1895 (tr. 226) như sau: “Chế độ canh tác có lợi về kinh tế nhất và là một chế độ chắc chắn nhất cho việc trồng các loại cây cơ bản, cũng như các loại cây công nghiệp, theo tôi, là chế độ phát canh thu tô đối với người dân An Nam. Chế độ này còn mang lại một lợi ích to lớn là giảm được phần lớn những chi phí chung và những chi phí giám sát của những người quản lý người Âu”. Cũng may mà ông de Lanessan chỉ “ngồi” có 4 năm ở Đông Dương nên không có đủ thời giờ để xây dựng học thuyết bóc lột thuộc địa của mình.
Trong tư tưởng lãnh đạo của người đại diện tối cao Đại Pháp, thì nhảy ra làm đồn điền, nhất là để trồng cao su phải là dân có gan! Vì vậy mà vốn của người Pháp đổ vào cao su Việt Nam vẫn không nhiều.
Còn vốn của người bản xứ?
Ở Việt Nam lúc ấy chỉ có 2 loại người có vốn: giai cấp địa chủ và bọn tư sản mới.
Phải nói rằng vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, người ta chưa biết về cây cao su. Việc tuyên truyền, hướng dẫn giúp đỡ của Nhà nước thuộc địa như không có gì. Vì vậy những địa chủ quen “ăn chắc” vẫn tậu ruộng, phát canh thu tô, cho vay nặng lãi, mua lúa non. Rất ít người nghĩ đến việc mở đồn điền trồng cao su, một kiểu làm ăn còn quá xa lạ đối với họ.
Còn những nhà tư sản mới, người bản xứ thì cũng không có bao nhiêu đồng vốn, do lịch sử làm ăn với tư bản Pháp còn quá ngắn. Mặt khác, vì là con cháu của địa chủ, sống và lớn lên nhờ tô tức, nên họ vẫn có cái xu hướng của ông cha: hễ có tiền nhàn rỗi thì cũng lại tậu ruộng, phát canh và thu tô đúng như cái chân lý ăn chắc của de Lanessan! Tuy giác ngộ về cây cao su và về mặt kinh doanh tư bản chủ nghĩa hơn ông bố nhưng vào đầu thế kỷ XX, những người tư sản Việt Nam làm cao su đếm được trên đầu ngón tay.
Trông chờ vốn đầu tư từ chính quốc
Như vậy, để có vốn đầu tư phát triển cao su, mọi người trông vào vốn của chính quốc, nhưng nguồn vốn này chậm chạp, gây trông chờ và thất vọng.
Theo ông O. Dupuy đến năm 1911, chỉ mới có 4 Công ty Vô danh được thành lập ở Paris với số vốn đầu tư là 5.200.000 Francs. Có 5 công ty được xây dựng với vốn huy động ở Sài Gòn: Công ty Nông nghiệp Suzannah, Công ty cao su Xuân Lộc, Công ty đồn điền Đồng Nai, Công ty đồn điền Gia Nhàn và Công ty đồn điền Xã Trạch, với tổng số vốn 6.325.000 Francs. Và căn cứ vào các số liệu của ông Ridley, (Giám đốc Vườn thực vật Singapore và tài liệu công bố trong L’ India Rubber Journal ngay 8/7/1911), ông O. Dupuy cho rằng tổng số vốn đầu tư vào cao su trong 3 nước: Malaysia, Indonesia và Ceylan đến 31/12/1910, lên đến 1 tỷ 56 triệu Francs và ước tính số vốn đầu tư của tư bản Pháp vào việc phát triển cao su trên thuộc địa của Anh (Malaysia) và trên thuộc địa của Hà Lan (Indonesia) vào khoảng trên 200 triệu Francs trong khi bọn tư bản Pháp chỉ mới đổ vào cao su Việt Nam trên 6 triệu Francs, tức khoảng 3% số vốn tư bản Pháp đổ vào Malaysia và Indonesia.
Vì lý do gì mà đồng tiền tiết kiệm của nhân dân Pháp lại không được rót vào một ngành kinh doanh nhiều triển vọng như cao su ở một thuộc địa nhiều tiềm năng như Việt Nam và Đông Dương?
Và ông O. Dupuy di tìm những nguyên nhân. Phải chăng là do điều kiện thiên nhiên của Việt Nam không thích hợp với cây H. B. bằng Malaysia và Sumatra?
Ông so sánh các điều kiện thiên nhiên của Việt Nam với Malaysia, Sumatra và Ceylan. Về thổ nhưỡng và về mặt đất trồng cao su của Việt Nam vượt trội đất của Ceylan, nhưng nói chung nghèo mùn hơn đất Malaysia, nghèo vôi và đạm, ngang bằng về K2O và giàu hơn về acid phosphoric, vể lý tính thì đất đỏ của Việt Nam vượt hẳn đất cao su Malaysia. Và mặt lý tính thường đi trước hóa tính.
Về khí hậu, Việt Nam có một mùa khô hanh rõ rệt trong khi các tháng khô hanh của Malaysia cũng đạt 50m/m mưa. Nhưng bù lại, các tháng khô hanh ở Việt Nam là một điều kiện lý tưởng ngăn chặn bệnh thối rễ trắng do nấm Fomes psus gây ra rất tai hại trong vườn cao su Malaysia.
Nam Kỳ nằm trong vùng im gió, rất ít gió bão xảy đến. Ông O. Dupuy còn nêu rõ một thuận lợi khác của khí hậu Việt Nam là mưa thường rơi vào 2 – 3 giờ chiều, rất thuận lợi triển khai vào buổi sáng.
Phải công nhận rằng ông O. Dupuy cách đây gần 90 năm đã nhấn mạnh khá đầy đủ tính chất ưu việt của các điều kiện thiên nhiên của Nam Kỳ trong việc phát triển cây H. B trên qui mô lớn và làm nổi bật các điều kiện thiên nhiên ưu việt ấy cũng là gây được niềm phấn khởi cho những người làm cao su bản xứ.
Ông O. Dupuy so sánh số chi phí ban đầu mà người chủ một đồn điền 2.000 ha ở Malaysia và ở Nam Kỳ phải gánh chịu như sau:
Đất loại 1 | Đất loại 2 | ||
Malaysia | Tiền nộp cho Nhà nước | 15.000 đôla | 10.000 đôla |
Tiền đo đạc, vẽ bản đồ | 2.825 đôla | 2.825 đôla | |
Cộng : | 17.825 đôla | 12.825 đôla | |
(bằng 53.475 Francs) | (bằng 38.475 Francs) | ||
Nam Kỳ | Tiền mua đất | 400đ ĐD | |
Chi phí điều tra | 400đ ĐD | 400đ ĐD | |
Tiền đo đạc, vẽ bản đồ | 600đ ĐD | 600đ ĐD | |
Cộng : | 1.400đ ĐD | 1.000đ ĐD | |
(bằng 3.200 Francs) | (bằng 2.350 Francs) |
Ông O. Dupuy đi sâu vào điều kiện tuyển mộ nhân công cho các đồn điền. Đây là vấn đề khó khăn nhất cho các nước đang mở rộng diện tích cao su của mình trừ Java và Sumatra, đang dựa vào nguồn lao động của Java trên 30 triệu dân. Ông O. Dupuy cho rằng việc đưa người từ miền Bắc và miền Trung, hai nơi đông dân và đói nghèo, vào Nam Kỳ là một việc mà chính quyền thuộc địa có khả năng giải quyết, trước yêu cầu của Hiệp hội những nhà trồng cao su Đông Dương.
Phải chăng là việc cấp đất để xây dựng đồn điền và chính sách thuế khóa ở Nam Kỳ đã làm cho các nhà tư bản nản lòng? Và ông O. Dupuy đã làm một bảng so sánh giữa Nam Kỳ và các nước trồng cao su khác; bảng so sánh này có tính thuyết phục cao:
– Về mặt cấp đất
+ Ở Nam Kỳ, Chính phủ bán đất quốc gia công thổ theo giá 0,2 đồng Đông Dương/ha (băng 0,47 Franc).
+ Ở Ceylan, Chính phủ bán đất theo giá 437,5 Francs/ ha.
+ Ở Indonesia, Chính phủ cho thuê đất trồng cao su, thời hạn 75 năm từ 3 đến 15 Francs/ha, tùy theo vị trí xa hay gần đường giao thông hay nguồn nước, như vậy cũng cao hơn Việt Nam từ 6 – 30 lần.
- Về mặt chi phí ban đầu:
Như vậy để có 2.000 ha đất xây dựng một đồn điền cao su thì ở Malaysia phải tốn gấp 16 lần ở Nam Kỳ.
- Về thuế khóa:
+ Ở Malaysia, trong 6 năm đầu, mỗi hecta đất, trên số 2.000 ha được cấp, phải đóng:
7.50 x 2.000 x 6 = 90.000 Francs
từ năm thứ 7 trở đi, mỗi hecta nộp 30 Francs tiền thuế:
30 x 2.000 = 60.000 Francs
+ Ở Nam Kỳ, trong 6 năm đầu, 2.000 ha đất được cấp không phải nộp thuế. Đến năm thứ 7 chỉ đóng thuế trên 1/10 diện tích được cấp (tức 200 ha với mức thuế 6,48 Francs/ha)
+ Với diện tích đất ngang nhau là 2.000 ha đến năm thứ 10 sau khi được cấp đất, thì người chủ sở cao su ở Malaysia đã phải nộp cho Nhà nước 270.000 Francs tiền thuế dất, và ở Nam Kỳ thì số thuế đất chỉ lên đến 19.440 Francs, tức chỉ bằng 7% số thuế của người đồng nghiệp ở Malaysia.
(còn tiếp)
CSVN
(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)
Related posts:
- Cao su Dầu Tiếng góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới
- Họ đã làm gì?
- Thắm đượm tình đoàn kết giữa cao su Đồng Nai với tỉnh Hà Giang
- Tổng kết cuộc thi ảnh "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần 5 năm 2019
- Sống động phòng truyền thống 3D ngành cao su
- Hội thi 85 năm khu vực miền Đông: Tự tin trước giờ G
- Tạp chí Cao su Việt Nam có bước phát triển mới qua mỗi năm
- Vinh danh Câu lạc bộ 2 tấn và "Bàn tay vàng" VRG 2022
- VRG thông tin về dự án khu đất Bến Vân Đồn
- Ông Bùi Thanh Tâm được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Cao su Lai Châu