Doanh nghiệp cao su trái chiều kỳ vọng

CSVNO – Giá cao su trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng tăng, song các doanh nghiệp ngành này lại đang đặt mục tiêu lợi nhuận trái ngược.

Bối cảnh thị trường nhiều thuận lợi

Trang Trading Economics thống kê, giá cao su tự nhiên hợp đồng tương lai tại thị trường hàng hóa Nhật Bản trong phiên giao dịch ngày 18/4/2022 là 276 yên/kg, tương đương 2.180 USD/tấn, tăng 0,6% so với cuối tuần trước, cao nhất kể từ tháng 3/2021 đến nay.

So với đầu tháng 4, giá mặt hàng này đã tăng 9%. Trading Economics cũng dự báo đà tăng của giá cao su sẽ chưa dừng lại cho đến hết quý I/2023 và có thể chạm ngưỡng 310,84 yên/kg.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao trong thời gian qua kéo giá cao su tổng hợp – một chế phẩm từ dầu mỏ, cũng như giá cao su tự nhiên tăng theo.

Thị trường cao su cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho rằng thế giới sẽ không thể thay thế được khoảng 7 triệu thùng dầu và các chất lỏng khác mỗi ngày bị mất từ Nga. Đến nay, giá dầu thế giới đang neo ở mức cao. Ngày 18/4/2022, giá dầu giao kỳ hạn tháng 6 là 113,2 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ New York giao kỳ hạn tháng 5 đạt 107,93 USD/thùng.

Giá cao su thiên nhiên còn được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới trong năm 2022 dự báo sẽ tăng 1,2% so với năm 2021, lên mức 14,2 triệu tấn.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy bức tranh tích cực về xuất khẩu mủ cao su. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 406.800 tấn, trị giá 715,39 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Từ đầu tháng 4, giá mủ cao su nguyên liệu ở thị trường trong nước không có nhiều biến động, dao động từ 310 – 350 đồng/độ mủ. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Cao su Việt Nam, xu hướng giá có thể sẽ tăng trong vài tháng tới do nguồn cung thiếu hụt theo mùa.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi từ thị trường, ngành cao su thiên nhiên cũng chịu những áp lực nhất định. Việc thiếu hụt chip bán dẫn có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô toàn cầu, từ đây ảnh hưởng dây chuyền tới nhu cầu tiêu thụ cao su. Tình trạng thiếu hụt container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm sẽ khiến nhu cầu cao su bị tác động.

Người lạc quan, kẻ thận trọng

Sau một năm không hoàn thành kế hoạch, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã CSM) đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 tăng trưởng mạnh. Cụ thể, CSM dự kiến doanh thu đạt 4.954,1 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 101 tỷ đồng, tăng tới 83% so với năm 2021.

Để hiện thực hóa mục tiêu, Ban lãnh đạo CSM cho biết Công ty sẽ đảm bảo triển khai duy trì sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường bao gồm cả nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, đầu tư, tăng năng suất lao động đối với các nhóm sản phẩm hiện có. Đặc biệt là đầu tư các thiết bị nhỏ lẻ để hoàn thiện một số công đoạn trong dây chuyển sản xuất lốp xe máy, săm xe máy, lốp bias, săm ô tô.

Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực trong năm nay với chỉ tiêu doanh thu hơn 2.252 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 744 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 56% so với thực hiện năm 2021.

PHR dự báo triển vọng ngành cao su năm 2022 vẫn sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ mức cao. Triển vọng trong dài hạn cũng tương đối tốt, trong vài năm tới, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung đang giảm dần. Đây là cơ hội cho xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Ngược lại, với Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã DRI), ông Nguyễn Viết Tượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị đánh giá, DRI có tỷ trọng doanh thu từ sản xuất mủ cao su và từ Daklaoruco lớn đang ở nước bạn Lào. Do đó, trong năm 2022, đơn vị còn bị ảnh hưởng về nguồn nhân lực quản lý và về lao động trực tiếp.

DRI đang quản lý diện tích vườn cây cao su trên 8.800 ha tại Lào cùng các khoản vay chủ yếu bằng đồng Kíp Lào (cuối năm 2021, tổng nợ vay của DRI còn hơn 256 tỷ đồng), nên Công ty sẽ có rủi ro về tỷ giá. Trong trường hợp đồng tiền Kíp bị mất giá, doanh thu của DRI cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chi phí logistics sẽ lớn do giá nguyên, vật liệu tăng mạnh cũng là yếu tốt bất lợi với DRI.

Do đó, Hội đồng quản trị DRI đã đưa ra kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 599,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2021, song lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 5,7% về mức 79,2 tỷ đồng.

Với những khó khăn và thuận lợi đan xen, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) cũng đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 giảm nhẹ xuống 4.428 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 12%, xuống 256 tỷ đồng so với kết quả năm trước.

Nguyên nhân do Công ty còn thiếu hụt lao động tại một số khâu sản xuất vì nhiễm Covid-19; giá thuê container rỗng tăng cao và khan hiếm; chi phí vận chuyển tăng cao làm cho giá mua hầu hết nguyên liệu tăng mạnh. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu tăng cao đẩy giá nguyên vật liệu và hàng hóa tăng phi mã, hoạt động xuất nhập khẩu của DRC vào 2 thị trường này cũng bị gián đoạn.

Năm nay, DRC sẽ chú trọng các sản phẩm là thế mạnh của Công ty trên thị trường nội địa để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như: lốp AGSD, lốp OTR, lốp công trường… Mục tiêu của DRC là phủ kín các phân khúc tại thị trường nội địa cũng như gia tăng cơ hội bán hàng trên thị trường xuất khẩu.

Quý I khả quan

Đến nay, các doanh nghiệp cao su đã dần công bố kết quả kinh doanh quý I/2022. Trong đó, nhiều Công ty ghi nhận kết quả tăng trưởng so với năm trước.

Trong quý I, nhờ giá bán các sản phẩm thành phẩm tăng mạnh so với năm 2021, DRI ghi nhận doanh thu thuần đạt 134 tỷ đồng, tăng 8%; trong đó, doanh thu thành phẩm mủ cao su đạt 130,6 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ chuối và điều. Do vậy, Công ty lãi sau thuế 20,8 tỷ đồng, tăng 27%. Với kết quả đạt được, DRI đã hoàn thành 22,3% mục tiêu doanh thu và 26,3% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Cao su Phước Hòa cho biết, trong quý đầu năm, Công ty mẹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 302,6 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2021, song lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỷ đồng, gấp 11,3 lần cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 33% kế hoạch năm.

Trong kỳ, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 275% do tăng thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng. Đặc biệt, lợi nhuận hoạt động khác đạt 281,7 tỷ đồng, (cùng kỳ chỉ đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng) do Công ty ghi nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp VSIP 3 là hơn 289 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đột biến.

DRC cũng có quý I suôn sẻ với doanh thu thuần đạt 1.283,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 81,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 40,6% và hơn 3% so với cùng kỳ. Bước sang quý II, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh tương đương quý I, với doanh thu thuần đạt 1.255 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng.

theo tinnhanhchungkhoan.vn