CSVN – Sau 15 năm VRG triển khai phát triển cao su ra miền núi phía Bắc (MNPB), đến nay đã có những dấu hiệu khởi sắc. Nhờ có cây cao su, đời sống bà con đã thay đổi, giờ đây công nhân cao su vùng cao đã không còn “chạy” ăn từng ngày mà đã có thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang, có tiền tích lũy.
Những ngày đầu triển khai dự án
Năm 2000, Ban bí thư, Bộ Chính trị có tổ chức đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam đi nghiên cứu kinh tế một số tỉnh nước bạn Lào. Thành phần đoàn công tác ngoài các cán bộ của các cơ quan Đảng, Chính phủ, còn có Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh có biên giới với Lào. Trưởng đoàn do đồng chí Trương Tấn Sang – lúc bấy giờ là Trưởng ban Kinh tế TW. Qua chuyến đi, đ/c Trương Tấn Sang có chỉ đạo VRG nghiên cứu, đề xuất chương trình sản xuất cao su tại các tỉnh Tây Bắc. Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, các tỉnh Tây Bắc đã trao đổi và thống nhất ký kết phương án hợp tác phát triển cao su với VRG. Về phía tỉnh Điện Biên, ngày 29/10/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1278/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo chương trình phát triển cao su tỉnh Điện Biên.
Những năm 1960, Nông trường QD Điện Biên có trồng thử cây cao su tại C10 và trồng phân tán ở một số nơi, sau đó năm 1965 Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân, diện tích cao su trồng thực nghiệm không được đánh giá, tổng kết. Năm 1974 trận rét lịch sử xảy ra, cây cao su bị chết gần như hết. Khi được giao nhiệm vụ phối hợp với một số đơn vị của VRG đầu tư phát triển cao su tại Điện Biên, chúng tôi rất lo lắng vì những kiến thức trồng cao su chưa ai biết sâu.
Trước những lo lắng đó, kết hợp chuyến đi công tác một số tỉnh Bắc Lào, chúng tôi có ghé tỉnh Luông Nặm Thà, lúc đó anh Phim Mạ Son làm Bí thư, Chủ tịch tỉnh, anh Khăm Lếch làm Giám đốc Sở Nông lâm. Chúng tôi đến thăm bản Hát Nhao, bản đồng bào Mông trồng cao su đầu tiên của Luông Nặm Thà, và cũng là bản trồng cao su đầu tiên của Lào. Anh Khăm Lếch cho biết: “Đây là bản trồng cao su có hiệu quả kinh tế nhất, bản có 300 ha cao su. Hiện tại bà con chỉ tập trung trồng cao su, sản xuất trồng lúa nương còn nhưng không đáng kể, bà con bán mủ cao su, có tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, còn làm được trường học cho con em học tập, làm được cầu treo để đi lại giữa bản sang trung tâm tỉnh”.
Qua chuyến thăm, chúng tôi suy nghĩ, điều kiện tự nhiên một số tỉnh Bắc Lào giáp ta trồng được cao su, vậy Điện Biên không có lý do gì mà không trồng được. Về chính sách, khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư có tỉnh, có VRG, anh em Sở NN&PTNT có tự tin hơn cùng Công ty CPCS Điện Biên tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành Nghị quyết, xây dựng quy hoạch, kế hoạch để thực hiện chương trình phát triển cây cao su.
Giai đoạn ban đầu vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất của công ty chưa có gì, nhà làm việc tạm bợ, trang thiết bị vật tư có những khó khăn nhất định, thậm chí mua cái cuốc, cái xẻng đảm bảo chất lượng với số lượng nhiều chợ Điện Biên không có, tôi phải nhờ anh người quen đi Kim Bình – Vân Nam – Trung Quốc mua giúp 200 chiếc. Một số cán bộ, nhân dân, thậm chí một số cán bộ cấp cao từ Chính phủ, bộ, ngành, địa phương chưa tin tưởng vào kế hoạch phát triển cao su ở Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc. Một số báo chí tìm sơ hở nêu lên khiếm khuyết của công ty trong quá trình thực hiện…
Cây cao su đem lại những hiệu quả rõ nét
Sau 15 năm nhìn lại, việc phát triển cao su ở Điện Biên và các tỉnh MNPB đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Cao su Điện Biên có diện tích 3.735 ha, năng suất thu hoạch thực tế 1,3 tấn/ha, sản lượng thu hoạch năm 2021 đạt 3.678 tấn. Tổng số lao động trong công ty là 843 người, tiền lương bình quân gần 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng số tiền chi trả sản phẩm cho dân tham gia góp đất (năm 2017 – 2020) gần 15 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 gần 10,5 tỷ đồng. Năm 2021, tổng doanh thu đạt hơn 126 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn 15 tỷ đồng, Nộp ngân sách Nhà nước hơn 2 tỷ đồng.
Cao su Sơn La có 1.304 lao động, tiền lương NLĐ đạt gần 5,7 triệu đồng/người/tháng. Tiền chi trả 10% sản phẩm cho người dân góp đất hơn 9 tỷ đồng. Cao su Lai Châu 2 có 1.023 lao động, trong đó 413 lao động chính thức và 610 lao động là hợp đồng thuê khoán, tổng quỹ lương năm 2021 chi trả gần 40 tỷ đồng. Cao su Mường Nhé – Điện Biên chi trả lương với mức bình quân 6,1 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, công ty sẽ chi trả hơn 5 tỷ đồng cho người dân góp đất trồng cao su.
Kết quả hoạt động SXKD của Cao su Điện Biên và các đơn vị cao su ở MNPB đã trả lời được những hoài nghi của một số cán bộ, nhân dân trước đây chưa tin tưởng vào hiệu quả của cây cao su trồng tại khu vực này. Về năng suất thu hoạch thực tế của Cao su Điện Biên đạt cao hơn so với các công ty trong vùng, không thua kém gì năng suất so với các công ty cao su có điều kiện sản xuất thuận lợi, ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ. Vườn cây sinh trưởng phát triển đồng đều.
Cây cao su đã góp phần chuyển dịch được cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thay thế được cây lúa nương, cây ngô, cây sắn hằng ngàn đời nay. Trước đây, giá trị chỉ thu được trên dưới 10 triệu đồng/ha, nay nhờ sản xuất cao su mà giá trị thu được tăng hơn 5 – 6 lần.
SXKD có lãi, các chế độ chính sách đối với NLĐ được đảm bảo, chi trả 10% giá trị bán mủ cho đồng bào góp đất trồng cao su được thực hiện có hiệu quả đã tạo không khí vui tươi phấn khởi đối với bà con cũng như các cấp Đảng, chính quyền địa phương trồng cao su.
Lực lượng lao động chủ yếu của các công ty cao su trên 95% là bà con tại chỗ, do vậy giải quyết được công ăn việc làm, bớt đi số lượng bà con phải đi tìm việc tại các thành phố lớn. Hiện nay bà con đã thấy hiệu quả, nhiều hộ gia đình chưa có con em vào làm công nhân cao su đang kiến nghị công ty cho con em họ vào làm công nhân. Mỗi công ty cao su có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia công nhân sản xuất cao su, đây là lực lượng quan trọng bám quê hương, bám bản, bám mường để xây dựng gia đình, bản mường, biên giới và xây dựng nông thôn mới.
Khúc hát hoan ca nơi rẻo cao
Cao su Điện Biên cũng như các công ty CP cao su khác ở MNPB thực sự góp phần xây dựng nông thôn mới. Điều này thể hiện rõ nhất là đời sống bà con được nâng cao hơn, ấm no hơn từ khi có sự hiện diện của cây cao su nơi vùng cao. Nhất là đối với những hộ gia đình có đất góp với các công ty sản xuất cao su, đồng thời trực tiếp tham gia làm công nhân cao su.
Hai vợ chồng anh Lò Văn Một đều là công nhân cao su Đội Mường Pồn 1, Cao su Điện Biên, và có 5,8 ha đất góp với công ty để trồng cao su. Gia đình có 4.000 m2 ruộng, mỗi vụ chỉ cấy 2.000 m2 để lấy thóc ăn, số ruộng còn lại cho bà con trong bản mượn để cấy lúa, nuôi thêm trâu, bò, cá, sản lượng cá thu được chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình.
Thu nhập từ tiền lương công nhân cao su, tiền chi trả 10% giá trị bán mủ cao su, một năm gia đình anh thu được trên 145 triệu đồng. Khoản tiền này không phải là ít đối với một hộ gia đình đồng bào Khơ Mú ở vùng xa nơi biên giới. Hai vợ chồng làm được nhà sàn 5 gian đẹp đẽ, không thua kém gì các hộ đồng bào Thái đen ở lòng chảo Điện Biên, trong nhà xây dựng công trình vệ sinh khép kín, các vật dụng trong gia đình đều là những thứ đắt tiền.
Chúng tôi tới thăm nhiều gia đình khác là công nhân trong Đội Mường Pồn 1, hầu hết nhà cửa được xây dựng mới, hoặc nâng cấp khang trang hơn trước, khác hẳn 10 – 15 năm trước, thời đi vận động bà con góp đất trồng cao su. Chúng tôi có sự so sánh giữa bản Pú Tỉu ngay trong trung tâm huyện Điện Biên với bản Tin Tốc, đều là đồng bào Khơ Mú, nhận thấy đời sống văn hóa bản Tin Tốc hơn hẳn bản Pú Tỉu. Hiệu quả của môi trường rõ nét là đất trồng cao su trên đồi, núi được trồng trên các băng đã được hạ theo đường đồng mức, trồng cao su có tán che kín đất, có khối lượng sinh khối cây hàng trăm, hàng ngàn tấn, tán cây phủ kín mặt đất, hạn chế sự rửa trôi của lớp đất mặt hơn nhiều so với trồng lúa, ngô, sắn.
Như vậy sau 15 năm thực hiện trương trình cao su của Đảng, Chính phủ, trực tiếp thực hiện là các tỉnh MNPB cùng với VRG đã tích cực, năng động sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức để đạt được những kết quả đáng tự hào như hôm nay. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với các địa phương.
Để cây cao su phát triển có hiệu quả hơn nữa, chúng ta phải tin tưởng hơn về hiệu quả phát triển cây cao su ở MNPB. VRG cần có sơ kết đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đối với phát triển cây cao su ở MNPB; cho phép các đơn vị mở rộng diện tích cao su tại khu vực này để tạo điều kiện cho nhiều bà con vào làm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các vườn cao su đủ tiêu chí được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
PHẠM ĐỨC HIỂN (Nguyên Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh Điện Biên). Ảnh: CTV
Related posts:
- Cao su Bà Rịa: thi đua vượt kế hoạch năm 2024
- VRG phấn đấu lợi nhuận năm 2022 đạt 6.480 tỷ đồng
- 15 năm Cao su Đồng Nai – Kratie: hành trình vượt khó
- "Đồng vợ, đồng chồng" giành "vàng"
- VRG góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Phước
- Phát triển sản xuất kinh doanh, bảo tồn nguồn vốn, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động
- Vùng cao su sầm uất
- Vững tâm trên vùng đất mới
- Công nhân cao su kiếm trên 20 triệu đồng từ quả đười ươi
- Nơi đất khó “vượt mốc” kế hoạch