Năng suất vườn cây miền núi phía Bắc có xu hướng tăng dần

CSVN – Việc phát triển cây cao su tại miền núi phía Bắc (MNPB) gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng không thuận lợi. Do đó, năng suất vườn cây không đạt được ở mức cao so với các đơn vị khu vực trồng cao su truyền thống khác. Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ thực hiện có hiệu quả trong công tác quản lý và thâm canh, chăm sóc vườn cây, năng suất có xu hướng dần tăng lên.

Vườn giống của Công ty CPCS Lai Châu 2 được chuẩn bị kỹ lưỡng để chuẩn bị cho những năm đầu trồng cao su. Ảnh: CTV

Năm 2007, VRG bắt đầu triển khai thực hiện chương trình phát triển cao su tại các tỉnh MNPB theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đơn vị đầu tiên trực thuộc VRG tại khu vực này được thành lập đó là Công ty CP Cao su Sơn La. Từ đó, VRG tiếp tục mở rộng việc trồng, chăm sóc và khai thác cao su sang các tỉnh MNPB.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG cho biết: “Việc đưa cây cao su tại vùng truyền thống ở phía Nam ra đất mới miền núi phía Bắc gặp nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, ngay từ đầu, Ban lãnh đạo VRG đã xác định việc đầu tư trồng cao su tại MNPB không hoàn toàn hướng đến lợi nhuận. Với trách nhiệm của tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, VRG mong muốn cùng địa phương chung tay chăm lo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa cuộc sống bà con dần ổn định, phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là nhằm tri ân đồng bào dân tộc tại vùng giàu truyền thống cách mạng nhưng đời sống còn nhiều khó khăn”.

Sau 15 năm triển khai chương trình phát triển cao su tại MNPB, hiện nay, VRG hiện có 9 công ty cao su trực thuộc đứng chân trên địa bàn 6 tỉnh. Tổng diện tích vườn cây của các đơn vị là 28.513 ha; trong đó vườn cây đưa vào khai thác 17.479 ha, diện tích vườn cây KTCB 11.034 ha. Tổng mức đầu tư là 5.543,2 tỷ đồng.

Nếu so về năng suất vườn cây, các đơn vị khu vực MNPB không đạt được năng suất ngang với các đơn vị ở khu vực truyền thống do đặc thù về thời tiết, thường xuyên rét đậm rét hại. Mùa lạnh xảy ra vào những tháng cuối năm nên các đơn vị khu vực này tập trung thu mủ cao điểm vào quý III.

Địa hình trồng cao su trên vùng đồi núi, đất dốc cũng là một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và công tác chăm sóc, quản lý vườn cây. Nói như thế không có nghĩa là trồng cao su không hiệu quả, thực tế những năm gần đây cho thấy, diện tích đưa vào khai thác của khu vực này ngày càng tăng, vườn cây đang nằm trong thời kỳ cho năng suất tốt nhất, do đó năng suất vườn cây các đơn vị khu vực MNPB có xu hướng tăng.

Năm 2020, năng suất vườn cây Cao su Sơn La đạt 0,91 tấn/ha, Cao su Lai Châu 2 0,83 tấn/ha, Cao su Điện Biên 1,25 tấn/ha thì đến năm 2021, năng suất vườn cây của các đơn vị đã tăng lên lần lượt đạt 1,09 tấn/ha, 0,98 tấn/ha và 1,3 tấn/ha. Cao su Điện Biên hiện nay đang là đơn vị có năng suất vườn cây cao nhất khu vực MNPB với 1,3 tấn/ha.

Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG cho biết: “Như mục đích ban đầu của chương trình phát triển cao su tại MNPB mà VRG đã xác định, trong suốt quá trình thực hiện dự án tại các địa phương, các đơn vị đặc biệt chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp trong việc cộng đồng trách nhiệm với địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới, các hoạt động an sinh xã hội. Về năng suất vườn cây, các đơn vị đã có nhiều cách quản lý, chăm sóc và khai thác vườn cây năng động, sáng tạo, phù hợp với đặc thù vùng miền. Bên cạnh đó, việc đào tạo nâng cao tay nghề, tuyên truyền NLĐ cạo hết cây, lấy hết mủ cũng góp phần giúp nâng cao năng suất vườn cây”.

“Hiện nay tại khu vực này cũng đã xuất hiện các mô hình vườn cây đạt năng suất cao. Tuy trong giai đoạn đầu thực hiện phát triển cao su MNPB còn phải khắc phục những khó khăn, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để có những giải pháp tốt hơn trong công tác tái canh về sau nhưng tôi tin chắc rằng với những kết quả tích cực của các đơn vị hiện nay thì năng suất vườn cây MNPB trong năm 2022 và những năm tới sẽ còn tăng so với mức năng suất bình quân chung khu vực trong năm 2021”, ông Tú chia sẻ thêm.

Đồng hành và kịp thời định hướng các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, VRG và Ban Quản lý kỹ thuật thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vườn cây, tổ chức Hội nghị nông nghiệp để chia sẻ những mô hình, cách làm hay trong chăm sóc, quản lý và khai thác vườn cây đạt hiệu quả để nhân rộng ra toàn khu vực. Năm 2021, năng suất bình quân của toàn khu vực đạt 1,09 tấn/ha.

Năm 2021, cả 9 đơn vị trong khu vực đều vượt sản lượng kế hoạch giao. Tổng doanh thu của các đơn vị đạt hơn 672 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm đạt hơn 52,6 tỷ đồng, tăng so với kế hoạch đề ra gần 9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/ người/tháng.

Phát huy những kết quả đạt được, năm nay các đơn vị khu vực MNPB phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể: khai thác hơn 21.072 tấn mủ, tổng doanh thu phấn đấu đạt hơn 746 tỷ đồng, chăm lo tốt hơn nữa đời sống cho NLĐ. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công tác dân vận, công tác quốc phòng, quân sự địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản công ty.

MINH NHIÊN