Mãi mãi xứng đáng: Huân chương Sao Vàng

CSVN – Cách đây đúng 10 năm, ngày 8/4/2012 tại Hội trường Thống Nhất TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng – phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho tập thể CB.CNVC – LĐ VRG

VRG vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng vào năm 2012. Ảnh: CTV

Huân chương Sao Vàng thuộc về các thế hệ lãnh đạo, CB.CNVC – LĐ ngành cao su đã phát huy truyền thống từ “Phú Riềng đỏ” oai hùng, nỗ lực phấn đấu liên tục, bằng tất cả sức lực, xương máu và trí tuệ của mình vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát, đóng góp sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc giành độc lập, biến những vùng đất hoang vu đầy bom đạn bởi chiến tranh thành những vùng đất trù phú với những cánh rừng cao su bạt ngàn và vùng dân cư trù phú, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là niềm vinh dự lớn lao, là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ công nhân cao su viết tiếp trang sử vàng chói lọi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang đó, 2012- 2022 VRG – Công nhân ngành cao su trong gian khó của sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, sức lực, trí tuệ, bản lĩnh, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, đồng cam, cộng khổ, thắt lưng buộc bụng để tạo dựng doanh nghiệp, Tập đoàn thành một Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tập đoàn, quản lý của HĐTV – HĐQT, sự điều hành của Ban TGĐ, hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Hệ thống chính trị của VRG được củng cố vững mạnh toàn diện. Thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa đường lối xây dựng, phát triển doanh nghiệp Nhà nước vào thực tiễn của ngành và luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, năng động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó. Tiếp tục tổ chức SXKD, tổ chức đời sống vật chất tinh thần công nhân lao động, tái cơ cấu ngành, định vị các ngành SXKD, bảo tồn và phát triển nguồn vốn doanh nghiệp Nhà nước góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, hội nhập và phát triển.

10 năm qua, VRG đã định hình và quản lý 402 ngàn ha cao su trong nước và ngoài nước, với 85 ngàn lao động, gần 40% lao động nữ, hơn 30% công nhân là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tổ chức SXKD trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc nhiệm kỳ XI, XII, XIII được quán triệt và cụ thể hóa vào chiến lược xây dựng phát triển của ngành trong điều kiện thuận lợi, khó khăn chung của đất nước và khó khăn riêng của ngành: chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây nhiều thiệt hại do bão lũ, mưa nắng thất thường, lao động thiếu ở những vùng kinh tế trọng điểm bởi có sự cạnh tranh lao động với các ngành sản xuất khác.

Đầu tư trong nước ở những vùng khó khăn kinh tế xã hội, đất đai, tập quán canh tác không là vùng truyền thống. Đầu tư nước ngoài luật pháp, chính sách của bạn có nhiều thay đổi ở tầm vĩ mô và vi mô. Khó khăn nội tại của ngành trong quá trình phát triển có những tồn tại cần phải tái cơ cấu các lĩnh vực SXKD, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh, bảo tồn và phát triển nguồn vốn. Thị trường mủ cao su liên tục sụt giảm ở mức sâu và kéo dài nhiều năm; bởi sự tác động kinh tế thế giới, hậu quả xung đột địa chính trị các khu vực, các quốc gia…

Vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, khách quan và chủ quan bằng mọi sự nỗ lực phấn đấu của tập thể CB.CNVC – LĐ ngành cao su đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Trong lĩnh vực sản xuất cao su, tổng sản lượng khai thác 10 năm đạt 3.286.897 tấn, vượt 134.758 tấn; sản lượng thu mua 759.327 tấn; tiêu thụ 3.712.972 tấn; tái canh trồng mới 195.595 ha.

Các lĩnh vực sản xuất khác đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 265.064 tỷ; lợi nhuận 59.705 tỷ; nộp ngân sách Nhà nước 27.606 ngàn tỷ; thu nhập 8,6 triệu đồng/người/ tháng (đến năm 2021); tổng tài sản 79.015 tỷ; vốn chủ sở hữu 51.849 tỷ. Sản phẩm đa dạng chủng loại, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng, xuất khẩu trên 80 nước và vùng lãnh thổ. Tập đoàn là một trong 13 Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tập đoàn duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, ổn định và phát triển. Hoàn thành cơ bản tái cơ cấu ngành, cổ phần hóa thành công Tập đoàn đúng lộ trình, đúng pháp luật, chuyển sang hoạt động mô hình Công ty Cổ phần từ ngày 1/6/2018 với 96,77% cổ phần Nhà nước chi phối.

SXKD có hiệu quả trên thị trường chứng khoán vốn hóa của Tập đoàn tăng 3,4 lần. Hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành sau cổ phần hóa với chiến lược phát triển bền vững với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế – Trách nhiệm xã hội – Bảo vệ môi trường. 5 lĩnh vực SXKD được Chính phủ phê duyệt: Trồng, khai thác, chế biến cao su; công nghiệp cao su; gỗ tinh chế và MDF; đầu tư phát triển các khu công nghiệp, hạ tầng trên đất cao su và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến cuối năm 2021, tất cả các lĩnh vực sản xuất của VRG đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, đảm bảo tăng trưởng. Riêng khai thác là 402.900 tấn, đạt 106% kế hoạch, tăng hơn 30.000 tấn so với năm 2020, thu mua đạt 90.500 tấn, vượt 28% so với kế hoạch; tiêu thụ trên 490.000 tấn, vượt 7% so với kế hoạch. Mục tiêu đặt ra cho năm 2022 doanh thu hợp nhất dự kiến 30.000 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất dự kiến 6.300 tỷ đồng, đảm bảo tăng trưởng chung từ 5% trở lên.

Với chiến lược phát triển bền vững, đến nay VRG đã có 15 công ty thành viên, đã xây dựng phương án quản lý bền vững trên 200.925 ha, chiếm 69,7% tổng diện tích cao su của VRG tại Việt Nam. Trong đó 12 công ty được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) trên 70.030 ha cao su và được cấp chứng chỉ quốc tế PEFC-CoC cho 22 nhà máy chế biến mủ cao su.

Từ năm 2005 tại Lào, năm 2007 tại Campuchia, VRG đã thực hiện các dự án phát triển cao su theo hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các nước bạn. Hiện nay tại Lào với 6 dự án gần 30.000 ha, tại Campuchia với 6 dự án 90.000 ha. Trong 10 năm qua, quá trình xây dựng cơ bản, chăm sóc, định hình vườn cây, đưa vào khai thác, xây dựng nhà máy chế biến, giải quyết định cư và công ăn việc làm cho 20.000 người dân ở các vùng dự án, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của bạn. Đến nay các dự án bắt đầu phát huy hiệu quả, khẳng định sự phát triển, tầm vóc của VRG.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khách quan, chủ quan: các dự án trồng cao su của VRG được thực hiện ở các vùng sâu, vùng xa, kinh tế xã hội chưa phát triển, hầu hết chưa có các công trình hạ tầng và người dân địa phương rất ít, chủ yếu sinh sống bằng tập quán du canh du cư. Chính sách pháp luật đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư của bạn nhiều thay đổi trong thời gian ngắn. Vượt qua khó khăn thách thức, đến nay các dự án cao su của VRG tại nước ngoài thành công trên nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, văn hóa…các dự án phát triển cao su tại Lào và Campuchia của Tập đoàn là sứ giả của tình đoàn kết keo sơn, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia.

10 năm qua không thể không nói đến việc đưa cây cao su ra trồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc của các doanh nghiệp VRG. Phát triển cây cao su ở Tây Bắc là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, và đặc biệt là nhằm tri ân đồng bào các dân tộc tại vùng Tây Bắc giàu truyền thống cách mạng nhưng đời sống còn khó khăn, kinh tế xã hội kém phát triển. Thời tiết khí hậu bình độ, thổ nhưỡng không thích hợp với trồng cao su, tập quán canh tác, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các yếu tố khách quan khác tác động trực tiếp đến suất đầu tư và hiệu quả đầu tư. Với phương thức vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất canh tác hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cao su, người tham gia góp giá trị sử dụng đất vào trồng cao su, bản thân họ trở thành công nhân làm công ăn lương và chia sản phẩm.

Sau 15 năm hình thành các dự án 8 công ty được thành lập với tổng diện tích cao su được định hình và đưa vào khai thác, đến năm 2022 sản lượng đã lên đến 21.000 tấn, hình thành các nhà máy chế biến, dần đưa hết diện tích vào kinh doanh. Một chặng đường đầy gian nan thử thách, các đơn vị của VRG ở đây phải chống chọi với biết bao gian khó của trời đất, tổ chức sản xuất đời sống để cây cao su sống được, cho mủ. Thay đổi tập quán canh tác, hình thành phương thức kinh doanh, thị trường để đạt hiệu quả, đặc biệt hiệu quả đời sống người dân. Củng cố niềm tin, bản lĩnh kiên định mục tiêu, đổi mới quản trị doanh nghiệp. Tranh thủ và vận dụng các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương để vượt khó, bứt phá vươn lên. Đến nay các đơn vị của VRG đã từng bước SXKD có lãi, trả vốn vay đầu tư, chăm lo việc làm, thu nhập cho công nhân lao động – đồng bào các dân tộc hàng tháng 4,5 triệu đồng trở lên và chia sản phẩm 10%.

Có thể khẳng định đến hôm nay, phát triển cây cao su ở Tây Bắc là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và VRG là Tập đoàn kinh tế Nhà nước bản lĩnh đầu tư mang ý nghĩa đột phá kinh tế và đã đem lại những thành tựu bước đầu, chuyển biến tích cực trong xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Tây Bắc.

Người thợ giỏi miệt mài khơi dòng nhựa trắng. Ảnh: CTV

Tính đến năm 2022, VRG có 95 công ty chế biến gỗ với 17 nhà máy sản xuất có tổng công suất thiết kế 1.052.320 m3/năm gồm các chủng loại: gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, MDF.

VRG có 12 công ty sản xuất gỗ phôi, 6 công ty sản xuất gỗ ghép tấm, 4 công ty sản xuất gỗ tinh chế và 3 công ty sản xuất gỗ MDF. Trong đó ngành gỗ MDF của VRG được định giá là thế mạnh của VRG. Các công ty được xây dựng và ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, tiếp nhận toàn bộ công nghệ từ Châu Âu với mức tự động hóa trong sản xuất mức độ cao. Sản phẩm MDF của VRG đang có chỗ đứng và thương hiệu tốt. Ngoài ra ngành gỗ tinh chế đang được chú trọng phát triển, tuy nhiên đa phần các dây chuyền được đầu tư lâu đời và định lý sản phẩm chủ lực của mỗi công ty khác nhau nên tính cạnh tranh thấp, cần tiếp tục đổi mới, tìm kiếm khách hàng mới. Năm 2021, sản lượng sản xuất 1.266.412m3, tiêu thụ 1.194.794m3. Tổng doanh thu 7.264,78 tỷ; lợi nhuận trước thuế 781 tỷ.

Đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu cụm công nghiệp trên đất trồng cao su của VRG, trên cơ sở chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy hoạch của địa phương là một trong những ngành nghề kinh doanh của VRG được Chính phủ phê duyệt. Hiện nay VRG đã và đang đầu tư vào 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp với 16 khu công nghiệp có tổng diện tích đất 6.566 ha. Trong các năm vừa qua 12 khu công nghiệp VRG đã thu hơn 700 doanh nghiệp với vốn đầu tư 9.119 triệu USD và 24.714 tỷ đồng, tạo ra hơn 260.000 việc làm. Năm 2020 lợi nhuận tại khối dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp chiếm hơn 17% trên tổng lợi nhuận sau thuế 5.230 tỷ đồng của VRG.

Hoạt động kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả cao và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu/lợi nhuận của VRG, tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2015-2019. Đây là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi góp phần gia tăng và phát huy hiệu quả của sử dụng đất của VRG, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị theo nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển KT-XH của địa phương cũng như đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn và lợi ích của Nhà nước. Hoạt động đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su của VRG góp phần tạo việc làm cho người dân và phát triển KT-XH của các địa phương. Năm 2021, lợi nhuận từ khối các đơn vị khu công nghiệp đạt 824,14 tỷ đồng, chiếm 14,7% trên tổng lợi nhuận 5.602 tỷ của VRG. Đến hết năm 2021 các khu công nghiệp đã cho thuê được 2.335 ha/2.823,15 đạt tỷ lệ lấp đầy chiếm 82,72%.

Từ Huân chương Độc lập hạng Ba tặng cho Liên đoàn Cao su Nam bộ, Huân chương Hồ Chí Minh tặng cho Tổng Công ty Cao su Việt Nam. Huân chương Sao Vàng tặng cho VRG. Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu trao tặng ghi nhận công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2012-2022, một chặng đường chuyển mình mạnh mẽ của VRG. Tái cơ cấu – đổi mới – định hình – phát triển trong bối cảnh khó khăn, thách thức, thời cơ thuận lợi đan xen. Những thành tựu đạt được trong 10 năm qua khẳng định sự lớn mạnh về lượng và chuyển biến về chất, vai trò và vị thế của ngành cao su trên bình diện chung của nền kinh tế đất nước, trên bản đồ cao su thế giới, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 toàn cầu và xếp thứ nhất về năng suất vườn cây. Sự phát triển của VRG đã góp phần làm thay đổi nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới, góp phần vào phát triển KT-XH các địa phương nơi cao su đứng chân và phát triển đất nước. Số lượng chất lượng đội ngũ CNVC -NLĐ được nâng cao.

Người công nhân lao động được chăm lo cả vật chất, tinh thần, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí thức, lành nghề, có trình độ chuyên môn cao, có tác phong làm việc khoa học, hiện đại. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát triển. Phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, sâu rộng, lan tỏa. Chung lưng, đấu cật vượt gian khó lập công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước khen tặng: 1 đơn vị Anh hùng Lao động (Cao su Việt Lào); Huân chương Lao động hạng Nhất: VRG; 50 tập thể, 251 cá nhân Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; Huân chương Chiến công các hạng; 58 tập thể nhận cờ thi đua Chính phủ; Hàng ngàn bằng khen danh hiệu của các Bộ, ngành, địa phương; 10 công ty, 68 nông trường câu lạc bộ 2 tấn; 90 bàn tay vàng, 274 kiện tướng….

Với 5 lĩnh vực SXKD; 3 trụ cột phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IX đã đề ra những định hướng chiến lược quan trọng:

  • Tái cơ cấu tăng hiệu lực quản lý, tăng hiệu quả SXKD; sắp xếp lại nguồn lực để tập trung nguồn lực cho ngành chính và tạo nguồn vốn cho phát triển VRG để đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của VRG.
  • Duy trì ổn định và phát triển là một Tập đoàn kinh tế công – nông nghiệp có quy mô lớn, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp – công nghiệp để nâng cao hiệu quả toàn diện của VRG.
  • Đẩy mạnh và tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, áp dụng các giải pháp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; tăng dần giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm của VRG.
  • Tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữa trong VRG thông qua việc tiếp tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giảm tỷ lệ vốn VRG ở công ty, tăng tính đại chúng của công ty để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiệu quả doanh nghiệp và tạo vốn phát triển VRG.
  • Chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề để nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường.
  • Thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội; tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với hạ tầng kỹ thuật, sử dụng lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của NLĐ. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng trong phạm vi sản xuất của VRG. Nhìn lại chặng đường 125 cây cao su có mặt tại Việt Nam, 93 năm kể từ ngày giai cấp công nhân cao su bước lên con đường tranh đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến hôm nay ngành cao su Việt Nam đã có một Tập đoàn kinh tế công – nông nghiệp mạnh của đất nước. Quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập, giải phóng thống nhất đất nước, xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Đóng góp của các thế hệ công nhân cao su với đất nước trong mọi thời kỳ là vô cùng to lớn.

Xin được tri ân các thế hệ công nhân tiền bối đã viết nên pho sử vàng chói lọi bằng máu, mồ hôi, công sức, trí tuệ. Thế hệ công nhân cao su hôm nay với lịch sử hào hùng, với những nền tảng, thành công đã đạt được, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý chí, bản lĩnh và khát vọng sẽ viết tiếp, tô thắm thêm truyền thống “Phú Riềng đỏ” anh hùng, tiếp tục đưa VRG nói riêng và ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững. Vững tin hội nhập quốc tế.

Vinh quang thuộc về các thế hệ công nhân cao su Việt Nam!

Mãi mãi xứng đáng Huân chương Sao Vàng!

TRỌNG NHÂN