CSVN – Vượt qua năm 2021 với nhiều tác động bởi đại dịch Covid – 19, ngay từ đầu năm 2022, thực hiện chủ trương bình thường mới, thích ứng linh hoạt, đảm bảo tốt mục tiêu kép, doanh nghiệp các ngành nghề của VRG nỗ lực khôi phục các hoạt động thị trường bị ảnh hưởng, tổ chức nhiều chiến lược makerting cũng như đảm bảo sản xuất, duy trì tốt chất lượng dịch vụ. Cao su Việt Nam ghi nhận trong chuyên đề “ Nỗ lực phục hồi sau đại dịch”.
Các đơn vị lĩnh vực khu công nghiệp: Tích cực mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư
Các KCN đã chủ động những giải pháp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động sau đại dịch, nỗ lực phục hồi, phát triển trong trạng thái bình thường mới, vừa hỗ trợ DN phát triển sản xuất, chủ động đảm bảo an toàn sản xuất, sức khỏe NLĐ.
Ông Hà Trọng Bình – TGĐ Công ty CP KCN Nam Tân Uyên: Hỗ trợ tháo gỡ “nút thắt” về lao động
Để hoàn thành kế hoạch năm 2022, công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19. Đến nay, có khoảng 98% DN đã khẩn trương hoạt động sau thời gian tỉnh Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới.
Công ty mở rộng xúc tiến đầu tư bằng các “hoạt động không tiếp xúc” với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, internet, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, sử dụng công nghệ và dữ liệu trong hình thức trực tuyến; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư tại KCN thông qua email, điện thoại, website…; soạn thảo sổ tay hướng dẫn nhằm đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo thuận lợi tối đa cho DN, nhà đầu tư.
Công ty còn đẩy mạnh hỗ trợ các DN trong công tác tuyển dụng lao động như kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và Ban Quản lý các KCN Bình Dương làm việc và phối hợp với lãnh đạo các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên để hỗ trợ NLĐ quay lại Bình Dương làm việc. Đến nay có 36.826 lao động trở lại làm việc tại các DN (đạt 95,6% tổng số lao động trước khi xảy ra dịch bệnh).
Ngoài ra còn đề xuất kiến nghị Tập đoàn và cơ quan ban ngành trong việc hỗ trợ tiền thuê đất và phí quản lý cho DN chịu ảnh hưởng thông qua việc khảo sát thực tế. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng đối tác để giải trình xúc tiến nhanh, giải quyết vấn đề thanh toán của khách hàng do chủ đầu tư không thể nhập cảnh vào Việt Nam do hạn chế của dịch bệnh.
Sắp tới đây, công ty sẽ tăng cường dịch vụ phụ trợ đa dạng: khu dịch vụ chuẩn bị thành lập bệnh viện (Medical VN), khu trung tâm thương mại (Lê Minh), bãi đậu xe công, dịch vụ hỗ trợ Logistic, đẩy mạnh hội thảo hội nghị xúc tiến… nhằm phục vụ và đáp ứng tốt hơn nữa cho các DN hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Phước – Phó TGĐ Công ty CP KCN Long Khánh: Giãn thời gian thanh toán phí sử dụng hạ tầng và phí quản lý cho các DN
Công ty đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công nhà máy xử lý nước thải (giai đoạn 2) nhằm tăng nguồn thu từ hoạt động xử lý nước thải. Đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà xưởng cho thuê nhằm nâng cao hiệu quả SXKD. Nâng cao nguồn thu cho công ty từ các dịch vụ cho thuê khác: bến bãi, mặt bằng đặt máy ATM, cho thuê đặt bảng quảng cáo…
Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy mạnh hỗ trợ DN trong KCN phục hồi sản xuất sau đại dịch. Công ty đã phối hợp cùng UBND thành phố Long Khánh đưa vào hoạt động Trạm Y tế lưu động KCN, nhằm hướng dẫn, truy vết, xử lý các trường hợp F0 phát hiện tại DN, là cầu nối với Trạm y tế các xã, phường để tiếp nhận và cách ly y tế theo quy định. Đồng thời, xây dựng Khu cách ly F0 không triệu chứng quy mô từ 300 đến 500 giường trong KCN để phòng trường hợp cấp thiết bùng phát dịch bệnh tại các DN.
Thực hiện việc giãn thời gian thanh toán phí sử dụng hạ tầng và phí quản lý cho các DN khó khăn. Tuyên truyền và thông báo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để DN thực hiện. Hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động SXKD, đặc biệt là hỗ trợ việc tuyển dụng lao động thiếu hụt.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – TGĐ Công ty CP KCN Tân Bình: Tăng cường công tác chuyển đổi số
KCN Tân Bình chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó như tăng cường công tác chuyển đổi số DN tại thời điểm hiện tại và trong thời gian tới… nhằm hoàn thành các chỉ tiêu cho thuê lại đất, đạt doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch đã được PHR và VRG phê duyệt. Chi cổ tức 30% trong năm 2022.
KCN luôn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong KCN phục hồi, duy trì và phát triển, như: Xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền của KCN để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi thông thoáng cho mọi hoạt động SXKD của DN. Theo dõi và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của DN để thúc đẩy SXKD, kịp thời hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả các chính sách tăng tính thanh toán cho DN, như: miễn – giảm – giãn thời gian thanh toán phí sử dụng hạ tầng và phí quản lý hạ tầng và miễn giảm các khoản lãi suất trả chậm cho DN…
Ông Phạm Phi Điểu – TGĐ Công ty CP KCN Bắc Đồng Phú: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư
Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp, mặc dù tỷ lệ tiêm ngừa vaccine của Việt Nam khá cao nhưng mỗi ngày số ca nhiễm rất nhiều. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay công ty chú trọng vào việc chăm sóc những khách hàng cũ để cùng nhau vượt qua khó khăn sau đại dịch. Đồng thời, thông qua việc chia sẻ đó cũng là niềm tin để nhà đầu tư an tâm và giới thiệu thêm bạn bè đến đầu tư tại KCN nhiều hơn. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, dịch bệnh kiểm soát được tốt nhất để công ty có nhiều cơ hội mời gọi nhà đầu tư, lấp đầy KCN hiện hữu.
Năm 2022, ngoài việc lấp đầy phần diện tích còn lại (khoảng 13 ha), công ty sẽ tập trung vào việc đầu tư mở rộng 2 KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú với diện tích gần 800 ha. Đại dịch kết thúc sẽ đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài và mở ra cơ hội mới cho công ty.
Ông Trần Quốc Thái – TGĐ Công ty CP KCN An Điền: Nỗ lực hỗ trợ DN phục hồi sản xuất
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, làm cho việc vận chuyển lưu thông hàng hóa bị đình trệ, gián đoạn sản xuất đối với đại đa số các nhóm ngành. Điều đó dẫn đến nguồn thu của các nhà đầu tư bị giảm đáng kể hoặc không có; trong khi chi phí vận hành tăng cao bất kể là thực hiện tạm ngưng sản xuất hay thực hiện “3 tại chỗ”.
Sau đại dịch Covid-19 vừa qua, An Điền đã có những giải pháp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, như: thành lập trạm y tế lưu động trong KCN để thực hiện theo dõi và điều trị cho công nhân tại các DN bị nhiễm Covid; tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch cho công nhân lao động.
Hiện nay, tất cả các DN đã trở lại làm việc với tổng số lao động của 83 DN là 15.543lao động. Trong năm 2022, nhu cầu tuyển dụng trong KCN cần khoảng 8.000 lao động. Nhằm chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư cũng như góp phần nâng cao hình ảnh của KCN hiện hữu và để thu hút những khách hàng tiềm năng của KCN mở rộng trong thời gian tới, công ty có những chính sách hỗ trợ, như: giảm/giãn kỳ thu tiền quản lý, duy tu bảo dưỡng. Hỗ trợ tìm kiếm nguồn lao động. Tiếp tục phối hợp với BQL các KCN tỉnh Bình Dương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các DN đang hoạt động tại KCN trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay.
TUỆ LINH (thực hiện)
Related posts:
- Học theo Bác để hoàn thiện bản thân
- Các khu công nghiệp VRG: Góp phần quan trọng tăng doanh thu. lợi nhuận
- Công nghệ mới trong xử lý nước thải công nghiệp
- “Cây cao su không phải là cây có hại với môi trường”
- 3 khu công nghiệp thuộc VRG nằm trong top 10 khu công nghiệp uy tín
- Thể thao Ngôi sao Geru: Giữ vững niềm tin của người tiêu dùng
- Cao su Đồng Nai đẩy mạnh thi đua về trước kế hoạch
- Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang: Nhiều triển vọng khi trồng thí điểm keo lai
- Các khu công nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2024
- Tổ 8, Nông trường Long Hòa, Cao su Dầu Tiếng: sản lượng khai thác đạt tỷ lệ cao nhất công ty