CSVN – Nhằm đáp ứng đủ lao động cho vụ cạo mới, những ngày qua Công ty 716, Binh đoàn 15 đã cử đoàn công tác về các huyện của tỉnh Nghệ An tuyên truyền về công việc, điều kiện làm việc, chế độ chính sách khi vào làm công nhân (CN). Sau một tháng, đoàn công tác đã tuyển dụng được 320 lao động, nhiều người rất hứng khởi, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới.
Chuẩn bị chu đáo đón bà con đến lập nghiệp
Trung tá Nguyễn Đình Thanh – Giám đốc Công ty 716 cho hay: “Xác định NLĐ là trung tâm, phát triển bền vững của đơn vị, trong những năm qua công ty đã triển khai nhiều chương trình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Những lao động tuyển mới được công ty tổ chức xe đón vào tận nơi, xét nghiệm Covid-19, bố trí nơi ăn ở, hỗ trợ nhu yếu phẩm những ngày đầu”.
Với quan điểm “Trồng cao su đến đâu, xây dựng khu dân cư đến đó”, công ty đã quy hoạch các khu định canh, định cư cho NLĐ ngay tại đội sản xuất. Hiện công ty đang quản lý 3.165 ha, với 12 đội sản xuất. Tại mỗi đội, công ty đều quy hoạch khu dân cư để cấp đất, làm nhà cho NLĐ đến lập nghiệp và xây dựng cuộc sống lâu dài.
Qua tìm hiểu, đại dịch Covid – 19 đã tác động sâu sắc, toàn diện đến chuỗi sản xuất của đơn vị, công tác tuyển lao động mới gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, lãnh đạo công ty đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo nhằm đẩy mạnh tuyên truyền trong tuyển dụng lao động mới.
Sau Tết Nguyên đán, công ty đã thành lập đoàn công tác về từng thôn, làng của huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đến người dân về công việc, điều kiện lao động, tiền lương, thưởng, thu nhập khác và các chế độ, chính sách được nhận khi làm CN cao su của đơn vị. Nhờ đó, công ty không chỉ tuyển dụng được nhiều lao động mà có những gia đình đã đăng ký đi cả nhà và muốn gắn bó lâu dài.
Hứng khởi lập nghiệp nơi vùng biên giới
Mặc dù phải đi xe một quãng đường dài nhưng chịVi Thị Thoa, ở xã Mai Sơn, huyện Tương Dương vẫn cười rất tươi khi chúng tôi đến hỏi thăm. Chị Thoa tâm sự: “Cuộc sống của gia đình tôi ở quê gặp rất nhiều khó khăn, không có đất canh tác, nhà cửa tạm bợ. Đã nhiều lần muốn vào Nam làm CN kiếm tiền nhưng chưa dám đi, phần vì không biết tiền lương, điều kiện lao động ra sao, phần vì dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp. Rất may sau Tết vừa rồi, Công ty 716 cử cán bộ về tận nơi tuyên truyền. Đặc biệt, đơn vị đã phổ biến cho chúng tôi hiểu rõ về điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết ở Tây Nguyên, các chế độ, quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN, an toàn vệ sinh lao động… nên tôi rất yên tâm khi vào làm việc ở đây”.
Cũng như chị Thoa, chị Cụt Thị Hoa, dân tộc Khơ Mú, ở xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn quyết định vào làm CN cho công ty vì các chế độ, quyền lợi được đơn vị công khai rõ ràng. Song chị cũng có những băn khoăn, lo lắng nhất định khi phải xa quê vào tận vùng biên giới xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.
Nhưng khi tận mắt thấy các khu dân cư, các làng nông thôn mới của công ty thì mọi băn khoăn, lo lắng tan biến hết. “Tôi thấy khí hậu, điều kiện sống ở đây tốt hơn ở quê. Các anh chị đi trước cũng đến thăm hỏi, động viên và cho biết kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị trong những năm qua rất tốt; thu nhập bình quân của NLĐ năm trước trên 7 triệu đồng/người/tháng nên tôi quyết định ở lại và xây dựng cuộc sống mới ở đâu lâu dài”, chị Hoa vui mừng chia sẻ.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Cao su Ea H’leo "về đích" sớm 45 ngày
- Cao su mùa thay lá
- Cao su Bà Rịa: Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
- Ông Nguyễn Hữu Phước tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Cao su Lai Châu II
- Cao su Chư Prông tiêu thụ trên 111,6% kế hoạch
- Khen thưởng trở thành động lực để về đích sớm nhất
- "Cao su Phước Hoà - Kampong Thom hoàn thành kế hoạch sản lượng, đạt nhiều kết quả kinh tế"
- Cao su Hà Tĩnh phấn đấu doanh thu gần 127 tỷ đồng năm 2024
- "Quả ngọt" mùa thi đua nước rút
- Cao su Chư Păh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19