CSVN – Bà Đỗ Thị Hương – nguyên Chủ tịch CĐ Cao su Bình Long là nữ chủ tịch CĐ đầu tiên của Cao su Bình Long. Trong suốt thời gian gắn bó với công ty, bà đã có nhiều đóng góp to lớn trong hoạt động CĐ và phong trào CNVC – LĐ. Sự tâm huyết, trách nhiệm, công tâm, tất cả vì lợi ích hợp pháp của người lao động đã giúp cho bà “được lòng” NLĐ. Và với bà, đó cũng là “cái được” lớn nhất của một người hoạt động phong trào.
“Chỉ sợ mình làm không tròn vai”
Bà mở đầu câu chuyện bằng những đúc kết của một cán bộ công tác trong ngành cao su hơn 20 năm và tuy đã nghỉ hưu 14 năm nhưng bà vẫn luôn dõi theo sự phát triển của ngành, của Cao su Bình Long. Bà nói: “Ngành cao su là một ngành có truyền thống được giữ gìn và phát huy qua thời gian dài. Truyền thống đó được hun đúc và ngày càng khắc họa thêm những giá trị tốt đẹp của công nhân cao su, của VRG trong trang sử vàng của ngành. Tôi rất vui mừng vì trong giai đoạn nào, lãnh đạo VRG cũng luôn quan tâm đến đời sống NLĐ, có tầm nhìn chiến lược, định hướng theo từng thời điểm, cùng chia sẻ và gánh vác nhiệm vụ chung”.
“Gốc gác” là dân kháng chiến, từ năm 1968 – 1975, bà thoát ly gia đình để tham gia cách mạng với nhiệm vụ thư ký đánh máy trong văn phòng Tỉnh ủy Sông Bé. Sau ngày đất nước thống nhất, bà chuyển về làm tại huyện ủy Bình Long. Đến năm 1988, bà được điều động về làm Phó giám đốc Nhà máy xi măng trực thuộc Công ty Cao su Bình Long. Một năm sau, bà được chuyển sang làm việc tại văn phòng Đảng ủy, một công việc bà đã có nhiều năm kinh nghiệm. Không dừng lại ở đó, bà lại được phân công làm Phó phòng Tổ chức phụ trách chính sách rồi đến Trưởng phòng Tổ chức. Sau đó bà được phân công làm Phó Chủ tịch CĐ, 2 năm sau bà giữ chức Chủ tịch CĐ công ty, đến tháng 5/2008 thì nghỉ hưu.
Được giao nhiệm vụ làm công tác đoàn thể, lúc đầu bà kiên quyết từ chối mà xin ở lại làm chuyên môn vì bà vốn không quen với các công tác vận động, tuyên truyền. Bà chia sẻ: “Cái khó khăn lớn nhất của tôi ngày đó chính là tôi sợ bản thân không đủ sức khỏe để đảm nhận một vị trí quan trọng, và sợ mình không làm “tròn vai” như kỳ vọng của NLĐ. Nhưng rồi tinh thần của một chiến sĩ cách mạng đã tiếp thêm động lực cho tôi, tôi nhận nhiệm vụ và khi đã nhận phải làm thật tốt. Thời gian đầu gắn bó với hoạt động đoàn thể, tôi đi nhiều hơn ở nhà, đi cơ sở để lắng nghe những tâm tư của người lao động để chia sẻ và có cách giải quyết chính sách tốt nhất cho họ. Tôi may mắn có ông xã hậu thuẫn, ông xã luôn động viên tôi cố gắng. Tôi cũng tự nhủ rằng dù là ai ở ngoài xã hội nhưng thiên chức làm bà, làm mẹ vẫn phải giải quyết trọn vẹn”.
Qua hồi ức của bà, chúng tôi hình dung được bức tranh của Cao su Bình Long sau thời gian đầu tiếp quản. Chiến tranh đi qua những vẫn còn sót lại đó những tàn tích. Vườn cây cao su kiệt quệ vì thực dân thực hiện phương châm “Đầu tư tối thiểu – Khai thác tối đa” để kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Thêm vào đó, trong mưa bom bão đạn, có những vườn cây đã không còn “sức”. Máy móc thiết bị nhà máy cũng cũ kỹ, lạc hậu, NLĐ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, chủ yếu là lao động lớn tuổi, bị mất sức do bị chịu sự cai quản trong công việc của thực dân…
Trước tình hình đó, tập thể công ty nỗ lực thi đua để gầy dựng cơ sở, mở rộng vườn cây trồng mới, thu tuyển thêm lao động mới. Những ngày đó, trên những vườn cây cũng như những công trường, NLĐ được làm việc khí thế, sôi nổi. Chủ trương của lãnh đạo công ty đó là nhanh chóng khôi phục tổ chức sản xuất, đảm bảo mở rộng diện tích vườn cây, tạo công ăn việc làm ổn định cho NLĐ. “Thành quả của công ty có được ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của biết bao thế hệ CB.CNV công ty, những cống hiến có cả xương máu, nước mắt của những người đã ngã xuống. Vì vậy, chúng ta phải luôn ghi nhớ và trân trọng”, bà nhấn mạnh.
Tâm – Tầm – Trí trong công việc, hết lòng vì quyền lợi của NLĐ
Trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, trong bối cảnh chung của cả nước, các ngành nghề gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với vai trò của tổ chức CĐ, bà cùng các anh chị em kiên trì bám vườn cây, có mặt trên nông trường, nhà máy, gắn bó với NLĐ. Những giây phút tranh thủ thời gian nghỉ ngơi của NLĐ để trao đổi, chuyện trò; những buổi tặng quà gia đình công nhân khó khăn; những lần giải quyết kịp thời các kiến nghị… đã giúp cho NLĐ có “cảm tình”, quý mến nữ Chủ tịch CĐ công ty. Điều đó đã tạo thêm niềm tin, sức mạnh để NLĐ gắn bó, thi đua lao động sản xuất với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vì nhiệm vụ chung. Và đó cũng chính là truyền thống quý báu giúp Cao su Bình Long từng bước gặt hái được những thành tựu trên chặng đường xây dựng và phát triển.
Với sự quyết liệt, năng động trong công tác điều hành, chỉ đạo của ban lãnh đạo đơn vị cùng với nỗ lực của tập thể NLĐ, công ty đã có những bước tiến mới. Đời sống NLĐ từ chỗ khó khăn đã dần ổn định, thu nhập qua từng năm được nâng cao, nhiều anh chị em đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, có thêm nguồn thu nhập.
Chứng kiến những thay đổi to lớn của đơn vị, bà rất vui mừng và phấn khởi. Bà chia sẻ với chúng tôi: “Trong thời gian khó, hoạt động CĐ của đơn vị rất sôi nổi, công ty cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, có giai đoạn lực lượng lao động lên đến 6.000 người, trong đó lao động nữ trên 51%. Do vậy, tổ chức CĐ luôn ý thức, trách nhiệm, đồng hành với công ty chăm lo tốt đời sống NLĐ về mọi mặt. Nhà nước ban hành chính sách, quy định gì là công ty đều tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Ở đơn vị nào có mô hình tổ chức tốt các hoạt động phong trào và chăm lo cho NLĐ là đơn vị tổ chức cho cán bộ đi học tập và về áp dụng tại đơn vị mình”.
Trong quá trình làm việc, bà cùng cán bộ CĐ công ty cũng gặp những trường hợp “khó gỡ” nhưng có khó tới đâu thì bà đều tìm cách “gỡ” một cách khoa học, công bằng làm cho NLĐ tâm phục khẩu phục. Bà “đả thông tư tưởng” bằng dẫn chứng cho NLĐ hiểu, trong công việc công khai và minh bạch, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ đúng quy định để NLĐ không bị thiệt thòi.
Trao đổi với bà, chúng tôi thấu hiểu được tâm huyết của một cán bộ CĐ luôn đau đáu với NLĐ; tin tưởng và kỳ vọng vào các cán bộ CĐ hiện nay của công ty. “Cán bộ CĐ bên cạnh yêu cầu phải được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ thì phải có 3 yếu tố “Tâm – Tầm – Trí”, phải biết gắn kết, đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của NLĐ. Cán bộ CĐ là trung tâm của cán cân, không được nghiêng về bên nào mà phải là trung tâm của đoàn kết để góp phần vào xây dựng Cao su Bình Long ngày càng phát triển vững bền”, bà bộc bạch.
Với những đóng góp của bà trong sự phát triển của công ty, đặc biệt là trong hoạt động CĐ và phong trào CNVC – LĐ, bà đã nhận được 92 Bằng khen, danh hiệu, giấy khen được các cấp ghi nhận và trao thưởng.
PHỤNG NGUYỄN
Related posts:
- Cao su Chư Păh: Bàn giao 1 nhà Mái ấm Công đoàn
- Cao su Kon Tum: Trao 3 căn nhà và biểu dương 27 gia đình công nhân tiêu biểu
- Công đoàn Cao su Đồng Nai đổi mới nhiều phương thức hoạt động
- Ngành cao su Việt Nam có nhiều nội lực phát triển bền vững
- Nông trường Lợi Hưng “về đích” sớm nhất Cao su Bình Long
- Nông trường Phong Thổ (Cao su Lai Châu) bê tông hóa đường vào trụ sở
- Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ công ngày càng vững mạnh
- Nhà truyền thống công nhân Cao su Dầu Tiếng: gìn giữ những hiện vật quý trong quá trình xây dựng và ...
- Chung kết Hội thi Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi
- “Tết sum vầy – Xuân gắn kết” ấm áp, sẻ chia