Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết của Chính phủ

CSVN – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã có Quyết định số 65/QĐ-UBQLV ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết số 01/NQ- CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Lãnh đạo Ủy ban yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ. Ảnh: Vũ Phong

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Hội đồng thành viên/Người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Ủy ban chủ động thực hiện các giải pháp với 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (Nghị quyết 01) và tập trung hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (Nghị quyết 02).

Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, lãnh đạo Ủy ban yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau, cụ thể:

Về đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty năm 2022 của Ủy ban, trong quá trình thực hiện, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, đề xuất phương án, báo cáo lãnh đạo Ủy ban.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết 01, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, giao Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc về pháp lý liên quan hoạt động của Ủy ban; theo dõi các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trong Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Với nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, lãnh đạo Ủy ban đề nghị các Vụ chuyên môn chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án tái cơ cấu tại các doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban với các Bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, chủ động tham mưu lãnh đạo Ủy ban thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương; tập trung thực hiện các đề án đã đăng ký vào Chương trình công tác năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng hạn. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tài chính, đầu tư năm 2022 của Ủy ban với nội dung trọng tâm là công tác kiểm tra việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp.

19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban tập trung triển khai nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025; tích cực triển khai cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn theo chỉ đạo và kế hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường đầu tư để từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; chủ động xây dựng các phương án phòng, chống tác động của dịch bệnh.

Lãnh đạo Ủy ban cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán nhằm đạt các mục tiêu, tiêu chí đề ra tại Nghị quyết 02 năm 2022 của Chính phủ. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp chuyển đổi số với nội dung chính là việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch công nghệ thông tin của Ủy ban giai đoạn 2021 – 2025 và đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tẳng số, làm chủ công nghệ lõi, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

P.V