Chính sách bảo hiểm, lao động – tiền lương có hiệu lực từ tháng 3/2022

Ảnh minh họa
Tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động

Thông tư 28/2021/TT- BLĐTBXH hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/3/2022.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.

Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.

Mức tiền lương tháng nêu trên được xác định theo từng đối tượng như sau:

  • Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân thì mức tiền lương tháng bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp (nếu có) liên quan đến tiền lương (phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung).
  • Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên đã xác định trong hợp đồng lao động.

Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có mức lương học nghề, tập nghề thì mức lương tháng là tiền lương học nghề, tập nghề do hai bên thỏa thuận; trong trường hợp không có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc.

  • Đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự thì mức lương tháng là tiền lương tập sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
  • Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc thì mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động áp dụng.
Hướng dẫn tính tần suất TNLĐ để giảm mức đóng BHXH bắt buộc

Có hiệu lực từ ngày 01/3/2022, Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính tần suất tai nạn lao động để được giảm mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BHTNLĐ, BNN.

Theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp được đề xuất áp dụng mức đóng BHXH thấp hơn mức đóng bình thường vào quỹ BHTNLĐ, BNN (chỉ phải đóng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thay vì 0,5%) khi đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó có điều kiện về tần suất về tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất.

Hướng dẫn điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH

Đây là nội dung tại Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng (có hiệu lực từ ngày 15/3/2022).

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng của tháng 12/2021 với:

  • Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;
  • Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng;
  • Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

T.S