CSVN – Có mặt trên vườn cây cao su vào những tháng mùa khô chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào những khó khăn gian khổ của các anh trong đội phòng chống cháy.
Những giải pháp phòng chống cháy
Những năm gần đây các nông trường, tổ đội của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang có sáng kiến với giải pháp kết hợp vừa phòng chống cháy và giữ được độ ẩm tối ưu cho vườn cây bằng những hình thức rất cụ thể.
Khi bước sang những tháng cạo cuối của năm, đơn vị triển khai cho công nhân làm các đường ngăn lửa trên vườn cây, cứ từ 20 -22 cây công nhân làm một đường cỏ gọi là đường ngăn lửa đến tận cuối vườn. Bên cạnh đó, các bìa lô cao su phải làm rộng khoảng 6 mét từ cây ra đến bìa rừng.
Khi mùa lá rụng, cây thay lá, công nhân tiếp tục tiến hành thổi lá tất cả các đường ngăn lửa trong lô, và các bao lô gần đường lá được gom lại theo từng lối, lúc này đội bảo vệ phòng chống cháy liên tục kiểm tra đốt lá những nơi đã được xử lý.
Theo chân anh Nguyễn Văn Bình – Bảo vệ tổ 4, Nông trường K’dang trong một ngày canh lửa, chúng tôi mới hiểu được những nỗi gian nan, vất vả của các anh trong thời điểm đỉnh cao của mùa khô với công việc thường ngày của mùa gác lửa.
Mừng vì có thêm một ngày bình yên
Tây Nguyên vào mùa khô mới 8h sáng trời đã nắng gắt, anh Bình và tổ tự quản chuẩn bị đi tuần tra lô, các anh mang theo những vật dụng như chổi tre, bình nước, cái võng… mọi người chia ra thành 2 nhóm, điện thoại được nạp đầy pin để khi nếu có biến thì gọi hỗ trợ kịp thời.
Địa bàn của tổ 4 khá phức tạp, giáp ranh với các buôn làng, thường ngày người dân đi thả bò trong lô, tốp thì vào rừng lấy củi, thi thoảng lại có những đám trẻ rủ nhau ra lô tụ tập chơi đùa …nên nguy cơ cháy có thể đến bất kỳ lúc nào. Đặc biệt sau khi công nhân nghỉ cạo, lớp lá cao su rụng xuống dày đặc cả lối đi, với mục đích lá khô phủ gốc, sẽ giữ đươc độ ẩm cho cây, nên không thổi lá mà để nguyên dưới hàng cây. Vì thế, việc phòng chống cháy luôn được đề cao cảnh giác Giữa cái thời tiết mùa khô nắng nóng nhưng các anh vẫn kiên trì, ý thức trách nhiệm với công việc luôn đặt lên hàng đầu. Khi gặp người dân, anh Bình nhắc nhở họ khi có mặt làm gì trong lô phải cẩn thận, hạn chế sử dụng lửa bừa bãi…
Đôi chân các anh len lỏi theo từng con đường mòn ngoằn ngoèo trong lô, bình nước là “người bạn” đồng hành với các anh trên những con đường ấy. Nắng và gió làm cho khuôn mặt họ trở nên sạm lại.
Khi thấy tình hình tạm ổn, họ dừng chân và mắc võng dưới gốc cây cao su, nghỉ giải lao giữa rừng cây bạt ngàn rộng lớn. Trưa về nhà đội, bữa cơm đơn giản ăn uống qua loa, buổi chiều lại lên đường đi gác lửa…công việc cứ thế cho đến khi mặt trời bắt đầu xuống núi.
Anh Bình cho biết thêm, buổi tối và về đêm càng nguy hiểm hơn. Bởi mùa này người dân tưới cà phê thâu đêm, họ thường che bạt bìa lô đốt lửa ngủ canh máy, khi đi dạo thấy có ánh lửa là phải lao xuống ngay, sợ họ ngủ quên lửa cháy lan vào lô, đêm hôm biết đâu mà lần.
“Có khi phải thay nhau trực đêm luôn. Chỉ khi mặt trời lên, qua một ngày mới bình yên mới dám mừng thầm, vì có thêm một ngày bình yên nữa…”, anh cho biết.
Nghe anh kể về công việc chống cháy mùa khô tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra cũng lắm vất vả, gian truân.Thầm nghĩ, với những người bảo vệ có lẽ phải có một trái tim yêu nghề, nhiệt huyết với công việc, gắn bó với rừng cây, và hơn thế nữa, họ là những người có tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao – gác cho rừng bình yên mùa chống cháy.
ĐỖ THỊ NGUYÊN
Related posts:
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con
- Thi tìm hiểu 40 năm giải phóng miền Nam
- Tổ chức công ty cao su đại điền ở Việt Nam
- Vươn lên từ cánh rừng cao su
- Virus Corona: Làm gì để “quẳng nỗi lo” dịch bệnh đi mà vui sống?
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Mùa săn sâu muồng ở cực Bắc Tây Nguyên
- Ký ức trường mầm non cao su
- Tuổi trẻ gây quỹ mua cồng chiêng
- Cao su Sa Thầy: Thăm, động viên giáo viên mầm non