CSVN – Khi đại dịch Covid-19 dần lắng xuống, nhiều người trong chúng ta chắc sẽ nhận ra cần phải đi đâu đó để giải tỏa căng thẳng sau những ngày giãn cách. Với các tín đồ thích xê dịch, khám phá, trải nghiệm thực tế thì họ sẽ cân nhắc chọn cho mình điểm đến an toàn, với sự trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Hòa mình vào lễ hội văn hóa bản địa
Tỉnh Kon Tum còn lưu giữ những điểm nổi bật, độc đáo và rất quý mà không phải địa phương nào cũng có được ở thời điểm hiện nay. Nơi đây là cái nôi lưu giữ những giá trị đặc trưng của văn hóa các dân tộc bản địa: Xơ Đăng; Ba Na; J’rai; Giẻ-Triêng; Rơ Mâm; B’râu và H’rê với nhiều phong tục, tập quán, nhiều lễ hội văn hóa hấp dẫn và huyền bí.
Có thể kể đến một số lễ hội mang tính cộng đồng của các dân tộc đang được bảo tồn như: Lễ tạ ơn (Ngă Yang H’ri), Lễ cầu an (Kom bul) của dân tộc J’rai hay Lễ Et Đong của dân tộc Ba Na, Lễ cúng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng vùng Tu Mơ Rông và nhất là lễ hội “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Trong một dịp nọ, khi chúng tôi có tổ chức một chương trình “Giao lưu cồng chiêng” tại nhà rông Kon Klor cho nhóm bạn của Công ty Vietnam Discovery từ Tp. Hồ Chí Minh về, anh Nguyễn Mạnh Cường cho hay: “Đây là lần đầu tiên nhóm mình có cuộc trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng nói chung và văn hóa dân tộc Ba Na nói riêng theo cách tự nhiên và có nhiều xúc cảm, được tương tác nhiều nhất, được trực tiếp hòa mình vào nhịp chiêng, điệu múa chia sẻ tận tình của chính nghệ nhân về cách thức diễn tấu cồng chiêng, dạy múa xoang đã tạo được nhiều ấn tượng đặc biệt như thể chúng tôi chạm vào nó…đây là cảm nhận rất riêng mà chưa tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Kon Tum”.
Còn đối với du học sinh Lào bạn Somphit Sisouman sinh viên Trường Đại học phân hiệu Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm một không văn hóa đậm chất Tây Nguyên, tôi thấy rất ấn tượng, rất vui và thú vị”.
Đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ
Vườn quốc gia Chư Mom Ray và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum là hai địa danh được hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là vườn Di sản ASEAN, chúng được ví như “hai lá phổi xanh khổng lồ” có ý nghĩa và tầm quan trọng trong khu vực. Nơi đây còn là xứ sở của các loại dược liệu quí hiếm và chỉ có ở đây như: đẳng sâm; lan kim tuyến; ngũ vị tử; nấm linh chi và đặc biệt là sâm Ngọc Linh – Quốc bảo Việt Nam đang được bảo tồn và nhân giống có thể giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.
Một người khách du lịch trẻ đến từ Tp. HCM có tên Umi Nguyễn cho rằng: “Kon Tum có rất nhiều điều hấp dẫn mới lạ phát triển du lịch và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng du khách khác nhau, tôi thích nhất leo núi và camping trong rừng. Tôi đặc biệt ấn tượng với Cao nguyên Kon Hà Nừng – Khu dự trữ sinh quyển thế giới với nhiều điểm trải nghiệp thú vị như thác Hang én, Làng đồng bào Ba Na… có dịp nhất định tôi sẽ qua lại”.
Trong những năm gần đây, tỉnh Kon Tum xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, và đang huy động mọi nguồn lực, tham gia phát triển đồng bộ các loại hình du lịch nhất là du lịch trải nghiệm văn hóa vùng. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn phát huy văn hóa bản địa với bảo vệ thiên nhiên, xây dựng nông nghiệp – nông thôn bền vững. Kon Tum đang hứa hẹn là điểm đến thú vị, với những trải nghiệm trọn vẹn.
TÂM SIU
Related posts:
- Tặng quà Tết cho 300 công nhân khó khăn ở Cao su Hà Tĩnh, Hương Khê - Hà Tĩnh
- "Những đứa con của làng": Bước qua hận thù, xây dựng tương lai
- Hoa phong lan vào mùa
- Cao su Đồng Nai tuyên dương hơn 210 học sinh, sinh viên giỏi
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Cao su Bà Rịa trao 45 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh
- Gác rừng bình yên mùa chống cháy
- Tổ chức Chương trình nghệ thuật gây Quỹ xây dựng “Làng công nhân cao su”
- Cao su - dòng chảy hào hùng
- Thiêng liêng - Tượng đài Chi bộ Phú Riềng Đỏ