CSVN – Nông trường Dục Nông (Cao su Kon Tum) nằm ở cực Bắc của Tây Nguyên. Vườn cây của đơn vị manh mún, đồi dốc nhiều, lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nông trường (NT) luôn là đơn vị dẫn đầu về năng suất vườn cây của công ty.
Hiện nay, NT quản lý trên 1.220 ha, trong đó: Mô hình nhận khoán và liên kết hơn 1.159 ha, chiếm 95%; Mô hình công nhân (CN) 60,7 ha. Lao động đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 99%.Mặt khác, diện tích bình quân trên một hộ nhận khoán hay liên kết nhỏ, cụ thể ở mô hình nhận khoán khoảng 0,9 ha/hộ và liên kết 0,5 ha/hộ, thậm chí có nhiều hộ diện tích dao động từ 0,03 đến 0,2 ha. Diện tích ít, do vậy thu nhập của NLĐ thấp nên tình trạng tự ý bỏ cạo thường xuyên xảy ra. Việc quản lý lao động cũng gặp không ít khó khăn do một hộ có nhiều người đi cạo, trút mủ.
Đứng trước những khó khăn về điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi, quản lý vườn cây nhiều mô hình, bên cạnh việc chủ động trong công tác điều hành quản lý, ban lãnh đạo NT khuyến khích NLĐ, các hộ nhận khoán, liên kết hiến kế cùng NT đề ra những biện pháp hữu ích nâng cao năng suất vườn cây. Nhờ đó, NT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý, chăm sóc và tổ chức khai thác để giữ vững và nâng cao năng suất vườn cây.
Cụ thể, NT kiểm kê và đánh giá đúng năng lực vườn cây nhằm giao khoán đến từng NLĐ đảm bảo chính xác, công bằng. Tổ chức trang bị vật tư khai thác sớm, tránh trùng vào thời gian mùa vụ nương rẫy của NLĐ; Tuyên truyền vận động NLĐ không tự ý bỏ cạo; Theo dõi diễn biến trời mưa bão để tổ chức cho NLĐ cạo trước; Ban hành nội quy khai thác trên cơ sở nội quy, quy chế, hợp đồng nhận khoán của công ty; Bố trí vị trí làm việc phù hợp với điều kiện, sở trường, năng lực của từng người. Xử lý nghiêm cán bộ, bảo vệ sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm.
Anh Trần Thái Sơn – Giám đốc NT chia sẻ: “Hiện nay NT có 2 tổ có năng suất trên 2,5 tấn/ ha, các tổ còn lại có năng suất dao động từ 1,8 – 2,2 tấn/ha. Theo tôi, để có thể đạt được năng suất cao thì cần phải có rất nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là công tác quản lý ngoài yếu tố vườn cây ra. Cùng với đó, cần có thêm các biện pháp giữ chân NLĐ chất lượng, kiểm tra tay nghề thường xuyên dụng cụ khai thác của NLĐ … nhìn chung cần phải sâu sát với NLĐ thì mới có được vườn cây chất lượng tốt”.
“Tôi tin tưởng rằng vào thời kỳ đỉnh cao của chu kỳ khai thác lần thứ 2 (sau khi tái canh) thì vườn cây ở đây có thể đạt năng suất cao hơn hiện nay vì vườn cây sau khi tái canh có giống mới năng suất, chất lượng, trình độ tay nghề của NLĐ tốt hơn. Thêm vào đó, kinh nghiệm quản lý vườn cây, phun thuốc và công tác trang bị vườn cây được chủ động thì chắc chắn vườn cây sẽ có chất lượng tốt”, anh Sơn cho biết thêm.
Nhờ nghiêm túc thực hiện các giải pháp trong quản lý, nhiều năm liền vườn cây của NT duy trì được năng suất và nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG. Năm 2021, NT về đích sớm trong top đầu của công ty, năng suất toàn NT đạt trên 1,85 tấn/ha, trong đó mô hình CN đạt hơn 2,1 tấn/ha. Có 2 tổ nhận khoán đạt năng suất 2,5 tấn/ha, 8 tổ đạt năng suất từ 1,8 – 2,2 tấn/ha.
GIA LINH
Related posts:
- Các đơn vị Tây Nguyên: Trao 19 nhà Mái ấm Công đoàn
- Nhiều tín hiệu khởi sắc, kỳ vọng thành công
- Cao su Kon Tum 12 năm giữ vững danh hiệu thành viên CLB 2 tấn/ha
- "Vàng trắng" vẫn chảy
- Công đoàn Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức chương trình “Tết đoàn viên – Xuân chia sẻ”
- Hạt mùa rơi nhớ mẹ
- Cao su miền núi phía Bắc vui đón xuân sang
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo toàn quốc
- Nắm bắt cơ hội giữa "bão Covid", doanh nghiệp gỗ đồng loạt báo lãi lớn
- "Xây dựng chặt chẽ chế độ cạo cho toàn chu kỳ vườn cây khai thác khu vực miền núi phía Bắc"