CSVNO – Xung đột Nga – Ukraina đang tác động lớn tới thị trường phân bón toàn cầu, dự báo giá phân bón ở Việt Nam sẽ nóng lên trong thời gian tới.
Tác động tới nguồn cung thế giới
Thông tin từ một số doanh nghiệp trong ngành phân bón cho hay, cuộc xung đột Nga – Ukraina đang khiến hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực Baltic và Biển Đen chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cảng Yuzhny, cảng chính xuất khẩu phân bón của Nga bị đóng cửa. Đã có một tàu chở hàng của Nga bị Pháp bắt giữ, một số tàu hàng treo cờ của một số quốc gia bị trúng tên lửa ở ngoài khơi Biển Đen. Đây là dấu hiệu cho thấy các tàu chở hàng cũng như các công ty bảo hiểm sẽ khó chấp nhận rủi ro để bảo hiểm và nhận hàng từ các cảng thuộc khu vực này.
Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu. Xung đột Nga – Ukraina đã đẩy giá dầu và khí đốt lên cao. Gần đây nhất vụ việc kho dầu Vasilkovskaya của Công ty KLO (Ukraina) bốc cháy dữ dội sau khi trúng tên lửa của Nga ngày 27/2 càng củng cố thêm đà tăng của giá dầu. Giá dầu tăng đồng nghĩa với cước tàu biển tăng tiếp và dự báo sẽ gia tăng khoảng 30% trong quý II từ mức giá vốn dĩ đã cao ngất ngưởng hiện nay.
Nga cũng là nhà cung cấp phân bón lớn chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Mặt khác, các lệnh hạn chế/cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ.
Điều này khiến nguồn cung các loại phân bón nhập khẩu, đặc biệt là Kali và DAP sẽ giảm nghiêm trọng trong thời gian tới, trong khi từ tháng 3, Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu vụ mới sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Với phân Urea, các bản chào ở mức giá 540-560 USD/tấn (FOB) đều đã bị hủy. Hiện các nhà cung cấp ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng cho đến giữa tháng 4. Ngày 3/3, nhà máy Urea hạt đục của Brunei đã tuyên bố Force Majeure (bất khả kháng) để từ chối thực hiện các đơn hàng đã chốt giá rẻ trong tháng 2.
Các nhà cung cấp Trung Đông quyết định tạm dừng các bản chào để theo dõi diễn biến thị trường. Các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ đứng ngoài cuộc chơi ít nhất đến tháng 6 và nguồn hàng từ Nga, Ukraina thì không còn cửa ra thế giới do cấm vận và tình hình chiến sự tiếp tục leo thang.
Trong ngắn hạn, có nhiều cơ sở để tin rằng giá Urea sẽ sớm quay trở lại mức 800 USD/tấn trong tháng 4, thậm chí có thể lên đến 1.000 USD/tấn nếu giá dầu lên 150 USD/thùng.
Dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của chiến sự giữa Nga và Ukraina cùng với các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo, giá DAP sẽ sớm tăng do mất nguồn cung quan trọng từ Nga.
Mặt khác, OCP Moroco là nhà phân phối lớn nhất thế giới với nguyên liệu quan trọng là ammonia để sản xuất DAP đã không thế tiếp cận nguồn hàng này từ Nga khiến các nhà sản xuất khác ngoài Nga có thể giảm sản lượng tới 1 triệu tấn DAP/tháng kể từ tháng 3/2022.
Với các dữ liệu trên, dự báo giá DAP sẽ trở lại mức 950 USD/tấn (FOB) trong tháng 4 và khả năng sớm cán mức 1.200 thậm chí 1.500 USD/tấn khi thị trường Brazil có nhu cầu trở lại.
Về Kali, Belarus và Nga là hai nhà cung cấp lớn nhất thế giới, chiếm đến 40% nguồn cung toàn cầu. Với bức tranh toàn cảnh hiện nay, giá Kali sẽ có sự tăng giá phi mã trong thời gian sắp tới, đặc biệt là Kali miểng.
Các nhà cung cấp đều khẳng định Kali nhập khẩu về Việt Nam thời gian tới sẽ vắng bóng hàng từ Nga, Belarus và chớp thời cơ, Israel, Canada… đã cảnh báo sẽ sớm đưa ra mức giá 800 – 850 USD/tấn cho hạt bột và 1.000 USD/tấn cho hạt miểng từ nửa sau tháng 6/2022, thậm chí sẽ lên tới 1.200 – 1.300 USD/tấn vào thời điểm cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Giá nhiều loại phân bón ở Việt Nam sẽ tăng cao
Hiện các tỉnh phía Nam Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng 4. Các tỉnh phía Bắc đã vào vụ chăm bón lúa đông xuân nên nhu cầu phân bón tăng dần. Giá nông sản có nhiều cải thiện trong thời gian gần đây và có tiềm năng tăng giá mạnh nhờ nhu cầu lương thực rất lớn của thế giới, do đó, nhiều khả năng nông dân sẽ tăng sản lượng gieo trồng cho vụ mới, qua đó tăng cầu về phân bón.
Giá Urea ở Việt Nam sẽ biến động ra sao trước tác động của tình hình thế giới, đến bây giờ vẫn đang là ẩn số vì sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu. Tuy nhiên, do áp lực tồn kho của các nhà máy hiện không lớn vì đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian qua, nên nhiều khả năng giá Urea sẽ tăng trở lại.
Trong khi đó, nguồn cung DAP trong nước, chưa có nhiều sự cải thiện nhiều khi các tranh chấp về nguồn nguyên liệu vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Vì vậy cùng với sự tắc nghẽn của thị trường nhập khẩu, dự báo sẽ xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng DAP 64% nhập khẩu trong quý II và khả năng giá trong nước lên 25.000.000 đồng/tấn là có thể xảy ra.
100% phân Kali ở Việt Nam là dựa vào nguồn hàng nhập khẩu. Tình hình tắc nghẽn nguồn hàng từ Nga, Belarus đang làm giá Kali nóng lên trên toàn cầu. Tại Việt Nam, giá Kali sẽ sớm cán mức 15 – 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18 – 20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng.
Thậm chí nếu giá Kali nhập khẩu cán mức 1.000 – 1.2000 USD/tấn thì Kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 – 25 triệu đồng/tấn. Kali, DAP, Urea tăng giá, sẽ kéo theo giá NPK lên theo.
Rabobank (một ngân hàng hàng đầu thế giới, tập trung vào lĩnh vực tài chính nông nghiệp và thực phẩm) vừa đưa ra 3 kịch bản của cuộc chiến tranh Nga và Ukraine đối với thị trường nông sản thế giới, trong đó có phân bón, trong những tháng tới. Về phân bón, Rabobank cho biết, giá phân bón trên thế giới hiện đang rất cao.
Nếu xuất khẩu phân bón từ 2 nguồn cung chủ lực là Nga và Belarus bị gián đoạn thì giá sẽ tiếp tục tăng nữa. Do khí tự nhiên là động lực chính thúc đẩy giá sản xuất phân bón, các nhà sản xuất phân bón trên thế giới cũng sẽ phải tăng chi phí đầu vào, khiến giá tăng thêm.
Dự đoán giá phân bón tăng 20% đến 40% tùy theo từng kịch bản của cuộc xung đột Nga – Ukraina cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus.
Theo Agromonitor, giá Kali ở Việt Nam đang tăng mạnh trong những ngày qua do lo ngại nguồn cung Kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus cũng như các vấn đề hậu cần.
Mỗi năm, Nga và Belarus đang chiếm hơn 40% lượng Kali nhập khẩu của Việt Nam. Giá Kali Israel giao dịch tại TP.HCM, Cần Thơ đã tăng vượt mức đỉnh của cuối năm 2021.
Một số loại Urea sản xuất trong nước cũng đang có xu hướng tăng giá hoặc nguồn cung ra thị trường bị hạn chế. Trong khi đó, giá DAP nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh.
Thông tin từ một số nhà nhập khẩu phân bón cho hay, việc một số ngân hàng Nga bị ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT, đang khiến cho các ngân hàng của các quốc gia khác không thể mở/nhận LC từ các ngân hàng Nga, việc thanh toán cũng không thể được thực hiện bởi USD, Euro, Bảng Anh hay Yên Nhật.
Các nhà nhập khẩu phân bón đã trao đổi với các đối tác tại Nga và Belarus, cũng như các ngân hàng lớn tại Việt Nam, nhưng hiện chưa có giải pháp thanh toán nào ổn thỏa.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Related posts:
- Ngân hàng Thế giới cảnh báo dấu hiệu hoạt động kinh tế Việt Nam chậm lại
- Hứa hẹn mùa bội thu
- Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng để hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, kế hoạch
- Hiệu quả xen canh, luân canh ở Cao su Chư Sê
- Lan tỏa niềm tin, thổi làn gió mới
- Lãnh đạo cấp cao Chính phủ Hoàng gia Campuchia dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại Cao su Tân Bi...
- 8 đơn vị trực thuộc VRG nhận giải Sao vàng đất Việt 2021
- Tỉnh Bình Dương tạo mọi điều kiện để VRG và các đơn vị thành viên tiếp tục phát triển
- "Tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp, phát huy tối đa nguồn lực của VRG"
- Chỉ sợi Sado mở rộng thị trường xuất khẩu