CSVN – Trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, đội ngũ y bác sĩ ngành cao su đã nỗ lực làm việc ngày đêm để đẩy lùi dịch bệnh. Nhân dịp VRG tổ chức vinh danh lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, chúng ta cùng lắng nghe những chia sẻ, tâm tình và kỷ niệm vui buồn của họ trong những tháng ngày không quên đó.
Bác sĩ Đỗ Nam Cường – GĐ BVĐK Cao su Dầu Tiếng: Sát cánh cùng địa phương tham gia phòng, chống dịch
Tháng 7/2021, khi bắt đầu ghi nhận vài ca nhiễm Covid – 19 ở địa phương, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, huyện, tôi lập tức điều động toàn bộ y bác sĩ, cán bộ bệnh viện (BV) trực chiến.
BVĐK Cao su Dầu Tiếng gồm 130 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế với gần 150 giường bệnh. Lúc này, BV phải phân chia nhân sự, vừa hỗ trợ BV huyện điều trị F0, vừa tham gia lấy mẫu cộng đồng, đưa người đi cách ly điều trị và một bộ phận duy trì hoạt động BV để thăm khám, cấp cứu, điều trị bệnh cho người dân địa phương và các khu vực lân cận. Hơn 3 tháng miệt mài, các y bác sĩ xem BV là nhà, túc trực 24/24 để thực hiện việc phòng chống dịch và đảm bảo khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân. Lúc bấy giờ tình hình rất căng, các đội báo về, điện thoại reo liên tục. Mỗi lúc nghe chuông điện thoại là tôi rất lo lắng, cứ sợ tình hình xấu đi sẽ không kiểm soát được. Khi có vaccine, BV lại kiêm thêm nhiệm vụ tiêm cho người dân. Công việc tăng gấp bội nên nhân viên y tế của BV không có ngày nghỉ, phần lớn đều túc trực chống dịch. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các địa phương trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, BV vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng, nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, BV sẽ tiếp tục nỗ lực, đồng hành cùng y tế địa phương chống dịch, đảm bảo an toàn đời sống cho người dân trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Huế – Phó GĐ BVĐK Cao su Phú Riềng: Dốc hết sức mình điều trị F0
Huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước chưa có bệnh viện đa khoa (BVĐK), nên BVĐK Cao su Phú Riềng đã hỗ trợ địa phương điều trị các ca nhiễm Covid – 19, tiêm vaccine , thu dung, xét nghiệm… Năm 2021, BV đã thực hiện điều trị gần 300 ca nhiễm F0 khỏi bệnh.
Các y bác sĩ làm việc 300% công suất để điều trị F0, hầu như không nghỉ ngơi, cả ngày mặc trên người bộ đồ bảo hộ nóng bức, mệt mỏi. Bác sĩ ơi… là âm thanh dường như luôn thường trực bên tai mỗi bác sĩ điều trị F0. Nhiều F0 là người lớn tuổi có bệnh nền, trẻ nhỏ, người dân tộc thiểu số… Kỉ niệm tôi nhớ nhất là trực tiếp điều trị F0 là cháu bé chỉ mới 20 ngày tuổi, vất vả và lo lắng hơn rất nhiều so với các F0 khác. Trải qua thời gian đồng hành, làm việc không quản ngày đêm với người bệnh nhiễm Covid – 19, chúng tôi hạnh phúc khi mỗi F0 khỏi bệnh và xuất viện, nụ cười rạng rỡ của họ tiếp thêm niềm tin sâu sắc rằng người thầy thuốc với tấm lòng tận tâm, với những sự hy sinh thầm lặng, sẽ mang hết khả năng của mình chăm lo cho người bệnh, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Bác sĩ Võ Thành Long – GĐ Trung tâm Y tế Cao su Chư Prông: Nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”
Có những câu chuyện làm tôi nhớ mãi trong đợt tổ chức tiêm phòng Covid -19, tôi xin chia sẻ cùng các bạn. Câu chuyện thứ nhất: Một anh là cán bộ tổ sản xuất (người Jrai) sau khi thực hiện khai báo y tế và khám sàng lọc đã đủ điều kiện tiêm chủng nhưng anh dứt khoát không đồng ý tiêm, dù anh em đã giải thích tận tình, nghe anh em báo cáo lại tôi đề nghị mời anh lên trao đổi để xem cụ thể như thế nào. Qua một hồi trò chuyện hỏi thăm thì nguyên nhân để anh không tiêm chính là anh rất lo sợ các phản ứng sau tiêm. Tôi giải thích cho anh theo phương châm vacccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất và động viên anh: “Bây giờ chỉ có mình anh thôi, phương tiện đầy đủ, tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất sẽ cùng anh em ở đây theo dõi cho đến khi anh thật sự an toàn”. Sau đó anh đã đồng ý tiêm, đến khi chuẩn bị tiêm mũi 2, anh lại chính là người hăng hái vận động anh em công nhân đơn vị tiêm vaccine.
Câu chuyện thứ 2: Một chị làm trên văn phòng công ty có bệnh nền và không đủ điều kiện tiêm nhưng chị vẫn khẩn thiết để được tiêm, đây một bài toán quá khó khăn đối với chúng tôi. Trước nguyện vọng của chị, tôi thấy mình không được phép chối từ khi còn có thể. Sau khi kiểm tra đánh giá kỹ lại bệnh nền kết hợp dùng 1 số thuốc cần thiết để điều trị rối loạn nhịp tim và huyết áp, sau 3 ngày các chỉ số đã tạm đủ điều kiện được tiêm. Tôi thống nhất đồng ý cho tổ tiêm thực hiện và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, sau 30 phút theo dõi an toàn, nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt chị, chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng và hạnh phúc.
Anh Trần Văn Đạt – Kỹ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK TCT Cao su Đồng Nai: Chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch
Đại dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Đồng Nai là một trong những địa phương có dịch bùng phát mạnh lần thứ 4. Trước tình hình đó, với vai trò là một người hoạt động trong ngành y và là lực lượng trẻ, tôi cùng với một số đồng nghiệp tại đơn vị đã tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng chống dịch tại BV dã chiến số 8 tỉnh Đồng Nai. Trong quá trình tham gia công tác phòng chống dịch, chúng tôi cũng gặp không ít những khó khăn, tuy nhiên với sự quan tâm của Ban lãnh đạo TCT và BVĐK Cao su Đồng Nai, chúng tôi đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng, phòng chống dịch bệnh không chỉ là việc của riêng ai mà đó là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người. Đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh sẽ nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được góp chút công sức nhỏ bé vào nhiệm vụ chung đó. Và nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khi địa phương cần, tôi sẵn sàng tiếp tục tham gia chống dịch.
Chị Cao Thị Thanh Hương – Nữ hộ sinh Khoa Ngoại – Sản – Nhi, Bệnh viện đa khoa Cao su Lộc Ninh: Dành hết tâm trí, sức lực để chống dịch
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã sát cánh bên nhau chiến đấu với dịch bệnh, cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, động viên nhau kiên cường bám trụ khi con số nhiễm bệnh tăng lên; cũng như chia sẻ nhau niềm lạc quan, hy vọng, khi các con số chậm lại, giảm dần.
Động lực để chúng tôi làm tốt công việc đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, sau nữa là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào. Hơn 1 năm qua, với lương tâm, trách nhiệm của người ngành y, tôi đã đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, dành tất cả tâm trí, sức lực, thời gian để góp phần khống chế dịch bệnh, cứu người. Trong suy nghĩ và hành động của tôi chỉ có 2 từ “chống dịch”. Trải qua những ngày tháng không thể nào quên, tôi mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi gia đình được sum họp, quây quần bên nhau.
NHÓM PV – THÙY VY
Related posts:
- Xuất sắc vượt sản lượng
- Sức trẻ trong công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật
- Cao su Sa Thầy xây dựng 6 giải pháp để khai thác vườn cây bền vững
- Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: 'Cởi trói' đất nông nghiệp
- Sẵn sàng cho Hội thao khu vực IV – Miền núi phía Bắc
- Cao su Đồng Nai đẩy mạnh thi đua về trước kế hoạch
- Tô thắm màu xanh tình hữu nghị vững bền
- Triển vọng năng suất vườn cây khu vực Lào, Campuchia
- Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương: Tăng cường thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xu...
- Chủ tịch HĐQT VRG gửi thư chúc mừng nhân Ngày Thi đua yêu nước 11/6