Người ươm mầm cao su

CSVN – Công nhân chăm sóc cao su – nghề mà người lao động phải trực tiếp gắn bó với cây, không quản ngại gian khó, chỉ có lòng yêu nghề, tình yêu với cây cao su, yêu quê hương mới giúp cho người công nhân cao su bao đời nay, vượt qua khó khăn, miệt mài khơi dòng nhựa trắng.

Công nhân chăm sóc (Cao su Dầu Tiếng) trồng tái canh cây cao su.
“Giáo viên” nâng niu những mầm xanh

Ngoài những người công nhân khai thác, chế biến… để có những vườn cây cao su thẳng tắp, căng tràn nhựa sống, để những dòng “vàng trắng” tuôn tràn, còn có những bàn tay chăm sóc nâng niu từ những mầm xanh nhỏ, cho đến ngày đưa vào khai thác. Đó là tâm huyết và tình yêu màu xanh cao su của những người công nhân chăm sóc.

Công nhân chăm sóc, là những người lao động làm nhiệm vụ trồng và chăm sóc cây cao su, những người chịu trách nhiệm cao nhất về quá trình sinh trưởng của cây từ khi trồng đến suốt quá trình khai thác. Họ được ví nôm na như những giáo viên mầm non, ươm mầm, nuôi dưỡng để tạo ra những lứa học trò mạnh khỏe, đủ năng lực đáp ứng cho công tác khai thác mủ bội thu.

Những vất vả của công nhân chăm sóc thời khai hoang, vỡ đất, phóng tiêu, đào lỗ đã giảm bớt, bởi ngày nay những công việc nặng nhọc đó đa phần đã được cơ giới hóa. Nhưng vẫn có nhiều công đoạn bắt buộc người công nhân phải lao động trực tiếp như lai tháp, trồng cây, chăm sóc, dọn cỏ, tỉa chồi…

Những công việc của công nhân chăm sóc không chỉ đòi hỏi sức khỏe, kinh nghiệm mà còn sự nhiệt huyết và đặc biệt là tình yêu với nghề, với cây cao su. Mỗi cây cao su được đôi bàn tay công nhân chăm sóc từ khâu xé bầu stum, trồng xuống đất là cả một niềm tin, niềm hy vọng về năng suất, sản lượng của một vườn cây.

Ở đó, từng lát cuốc, từng đôi tay tỉa cành, bón phân, dọn cỏ đong đầy tình yêu thương đối với loài cây mà bao đời người dân xứ cao su gắn bó. Công việc của công nhân chăm sóc là dãi nắng dầm mưa, là bàn tay chai sạn, là chiếc áo luôn đẫm mồ hôi với gương mặt rám nắng.

Nhưng cũng trên gương mặt đó là ánh mắt của niềm tin và nụ cười của hạnh phúc khi nhìn vườn cây xanh mát, thẳng tắp đang ngày đêm lớn dần đón một mùa thu hoạch mới, hứa hẹn nhiều triển vọng. Tất cả là động lực để người lao động ngày ngày ân cần, nâng niu, chăm sóc cây cao su, như những cô giáo mầm non chuyên cần, yêu trẻ.

Ươm mầm cho những vườn cây 2 tấn

Anh Nguyễn Duy Quang – công nhân chăm sóc trẻ tuổi của Cao su Dầu Tiếng, tâm sự: “Cha tôi từng công tác trong ngành cao su nhiều năm, được thừa hưởng truyền thống gia đình, tình yêu cây cao su cứ lớn dần trong tôi lúc nào không biết. Khi đã là một kỹ sư nông học, song tôi vẫn muốn tự tay mình chăm sóc những mầm cây, để được nhìn vườn cây tự tay vun trồng, lớn lên từng ngày và đưa vào khai thác. Công việc chăm sóc cây non khá vất vả nhưng niềm tin vào mỗi mầm cây thì không bao giờ phai nhạt, chỉ mong những vườn cây mình ươm trồng bán được giá cao, đời sống của công nhân cao su ngày càng phát triển”.

Đi giữa những hàng cao su xanh non, thẳng tắp của vườn cây kiến thiết cơ bản, thi thoảng bắt gặp những người công nhân chăm sóc, với cuốc cào, dao, phảng…vẫn khuôn mặt rám nắng, những giọt mồ hôi rơi và nụ cười tươi trong nắng xuân.

Họ vẫn miệt mài với công việc, gửi gắm vào đó tình cảm tin yêu về dòng nhựa trắng tuôn chảy. Ta như đọc được những mong mỏi của người công nhân chăm sóc, mong thời tiết thuận lợi; cao su trúng mùa, được giá; và đó chính là động lực để họ không ngại vất vả, ngày đêm ươm mầm cho những vườn cây 2 tấn, góp phần xây dựng ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững.

VĂN THỌ