CSVN – Tính đến năm 2021 là năm thứ 14, VRG thực hiện chương trình phát triển cao su tại khu vực miền núi phía Bắc (MNPB). Khu vực này có 9 đơn vị trực thuộc hiện đang thực hiện nhiệm vụ trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su tại 6 tỉnh MNPB. 9 đơn vị hiện quản lý tổng diện tích vườn cây cao su hơn 29.000 ha với gần 5.000 lao động, trong đó 90 – 95% là người dân tộc thiểu số trên địa bàn hoạt động của các đơn vị.
Cũng như nhiều khu vực khác, năm 2021, các đơn vị khu vực MNPB cũng có nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ SXKD. Đây là khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, mùa đông rét đậm, rét hại, đầu năm thời tiết khô hạn… ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây cao su và cả sản lượng khai thác. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 tuy không ảnh hưởng nhiều đến các đơn vị nhưng do việc giao thương giữa các tỉnh, việc vận chuyển mủ gia công và bán hàng cũng gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, các đơn vị khu vực MNPB có không ít thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo VRG và địa phương. Tay nghề của NLĐ đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Thêm vào đó, các đơn vị đã tranh thủ khoảng thời gian thời tiết thuận lợi nhất trong năm để đẩy nhanh tiến độ khai thác nhằm đảm bảo tốt các kế hoạch đề ra. Nhiều phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực và có hiệu quả, thu hút đông đảo NLĐ tham gia.
Diện tích vườn cây đưa vào khai thác mỗi năm mỗi tăng, thu nhập của NLĐ nhờ đó cũng được cải thiện hơn, người dân góp đất trồng cao su được chia sản phẩm… đã tạo niềm tin, khí thế thi đua lao động. Song song với việc thu tuyển lao động, các đơn vị đã chủ động thu tuyển và đào tạo tay nghề để NLĐ đảm bảo khai thác đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, 9/9 đơn vị của khu vực MNPB đều thực hiện vượt kế hoạch sản lượng khai thác được giao trong năm 2021. Trong đó có nhiều đơn vị nằm trong top về sớm kế hoạch trước 30 ngày của toàn VRG như Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu về trước 61 ngày, Cao su Mường Nhé – Điện Biên về trước 31 ngày, Cao su Lai Châu 2 về trước 32 ngày…
Phải khẳng định rằng, các đơn vị MNPB năm 2021 đã có những khởi sắc và tăng trưởng không chỉ về kết quả sản lượng mà các chỉ tiêu khác đều vượt so với kế hoạch và tăng so với năm 2020. Tổng doanh thu năm 2021 của các đơn vị trong khu vực vượt gần 4%, có 7/9 đơn vị vượt kế hoạch doanh thu với tỷ lệ từ 102 – 152% kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 68 tỷ đồng, vượt 59% kế hoạch. Tiêu biểu như Cao su Sơn La đạt mức lợi nhuận vượt hơn 60% so với kế hoạch, Cao su Điện Biên vượt 62%, Mường Nhé – Điện Biên vượt 55%…
Đạt được kết quả đó có nhiều yếu tố quyết định, bên cạnh giá bán năm 2021 tăng so với năm 2020 thì sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt của lãnh đạo các đơn vị và cố gắng của tập thể NLĐ đã tạo sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt các hoạt động SXKD cũng như là chăm lo đời sống cho NLĐ. Sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị trong khu vực đều thực hiện vượt so với kế hoạch, do đó tiền lương bình quân NLĐ đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, các chế độ chính sách cho NLĐ được thực hiện đảm bảo, kịp thời. Các hoạt động thăm khám sức khỏe định kỳ, thăm hỏi trao quà cho NLĐ khó khăn bị ảnh hưởng Covid-19, kịp thời khen thưởng trong phong trào thi đua… được duy trì thường xuyên và liên tục.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, các công ty đã chủ động làm việc với địa phương tìm nguồn vaccine phòng ngừa Covid-19 để tiêm cho NLĐ. Đồng thời, cộng đồng trách nhiệm để thực hiện các công tác phòng chống dịch trên địa phương. Một điểm sáng của các khu vực MNPB năm 2021 là các đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc ký kết hợp đồng góp đất với người dân nhờ sự chỉ đạo tích cực từ phía lãnh đạo VRG và phối hợp tốt với chính quyền địa phương. Lãnh đạo VRG đánh giá cao tinh thần vượt khó của các đơn vị MNPB trên các lĩnh vực và biểu dương những thành quả đạt được của các đơn vị.
Dù kết quả hoạt động SXKD năm 2021 rất tích cực, khả quan nhưng các đơn vị cũng không nên chủ quan khi thực hiện nhiệm vụ năm 2022 vì dự báo những khó khăn về dịch bệnh, về diễn biến thị trường giá cả vẫn có nhiều ảnh hưởng đến các đơn vị. Do đó tôi đề nghị các đơn vị phải chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng các kịch bản ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại đơn vị. Tăng cường chăm lo tốt các hoạt động đối với NLĐ, phát động và đẩy mạnh hiệu quả của các phong trào thi đua, nhất là thi đua Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao, tiết giảm giá thành, nâng cao thu nhập cho NLĐ.
Song song đó, các đơn vị phải phối hợp tốt với chính quyền địa phương, thắt chặt mối quan hệ gắn bó để bảo vệ tốt an ninh trật tự, bảo vệ tài sản vườn cây, đơn vị. Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, thay mặt lãnh đạo VRG xin gửi lời chúc đến toàn thể NLĐ và gia thuộc các đơn vị MNPB đón Xuân an lành, hạnh phúc. Tôi tin tưởng rằng các đơn vị sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021 và phấn đấu thực hiện xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 để góp phần vào thắng lợi chung của toàn VRG, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.
HÀ KHUÊ (ghi)
Related posts:
- Gỗ Thuận An cần tăng cường đào tạo, củng cố nhân lực
- Cao su Đồng Phú đào tạo khai thác mủ cho 200 học viên
- Trao 10.000 lá cờ Tổ quốc cho biên giới Tây Ninh
- Gần 100 cán bộ VRG tham gia lớp tập huấn công tác truyền thông
- Cao su Chư Păh đẩy mạnh ứng dụng quản lý vườn cây
- Háo hức chờ ngày hội cấp ngành
- VRG phấn đấu doanh thu năm 2024 đạt 24.999 tỷ đồng
- VRG quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu
- Tín hiệu từ những vườn cây vượt khó
- Trồng xen canh cho thu nhập cao