CSVN – Bao nhiêu thanh xuân đã dâng hiến cho đời, cho dòng nhựa trắng nơi ven trời Tổ quốc! Vui có, buồn có, nhưng không bao giờ hối tiếc! Bởi lẽ: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?…”.
Lai Châu đang vào mùa mưa! Trời tháng bảy mà trở lạnh, mưa cứ xối xả suốt ngày đêm khiến đất, đá sạt lở, ách tắc nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh. Tranh thủ lúc trời hửng nắng, tôi cùng anh Vàng Văn Mạnh – kỹ thuật Nông trường Chăn Nưa trên chiếc xe máy cũ dính đầy bùn đất lên đồi cao su kiểm tra vườn cây. Đường trơn, lốp xe phải quấn xích vào mới đi được. Cũng phải trầy trật lắm mới đi hết một vòng xung quanh các lô cao su.
Dừng chân nghỉ một lúc, từ trên đỉnh đồi cao nhìn xuống dòng Nậm Na êm đềm, xanh biếc, phía xa bên kia bờ là những vạt đồi cao su xanh um đã khép tán, cạo mủ. Trên nền trời xanh, mây trắng lơ lửng trôi gợi nhớ bao nỗi niềm sâu thẳm. Mới đó thôi mà đã hơn 12 năm cây cao su bén rễ trên mảnh đất Lai Châu. Ký ức những ngày xưa cũ đầy gian lao, vất vả ùa về như vừa mới hôm qua…
Tôi xa Hà Tĩnh, mảnh đất thân thương, nghĩa tình sâu nặng, nơi “câu ví giặm nằm nghiêng gió Lào bỏng rát” để đến với Lai Châu hùng vĩ, “nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt”. Hành trang mang theo là khát vọng, lòng nhiệt huyết tuổi trẻ đưa cây cao su đến với đồng bào Tây Bắc, góp phần xóa đói giảm nghèo. Mới đó thôi, chỉ chớp mắt mà đã hơn 12 năm trôi qua, gió Xuân đã thổi mấy mùa hoa, nắng đã vàng qua mấy mùa cao su thay lá, dòng nhựa trắng đã khơi dòng, bao mảnh đời đã thoát khỏi đói nghèo, không còn phải nơm nớp lo thiếu ăn, thiếu mặc. Nghĩ vậy thôi là lòng đã vui sướng, bao mệt nhọc vội tan biến đi.
Tôi nhớ buổi sớm hôm ấy, 12 năm về trước. Khi mặt trời còn chưa lên, sương còn đặc quánh giăng khắp những ngọn đồi. Tôi và hai mươi đồng chí đoàn viên thanh niên công nhân công ty như một tiểu đội thanh niên xung phong tay cầm cuốc, chân mang giày quân ngũ, dao gài thắt lưng trong trang phục áo màu xanh dương với lá cờ bên ngực trái đồng loạt ra quân trồng mới những lô cao su đầu tiên của công ty với bao niềm hân hoan, phấn khởi… Những mầm xanh đầu tiên đã bắt đầu như vậy. Công cuộc khai hoang trồng mới đã bắt đầu nhưng công nhân thì ít, nhiệm vụ cấp thiết là đội ngũ công nhân đáp ứng yêu cầu đó.
Khổ nổi, đồng bào Tây Bắc vốn quen với cuộc sống nương rẫy, bắt họ phải rời xa bản làng đã quen suốt bao đời nay để đi làm công nhân cao su, trồng cái cây mà mình cả đời chưa biết mặt, biết tên thì quá là khó. Đã thế, sự không hiệu quả của một số dự án trồng rừng như trồng cây thông, cây trẩu, cây nguyên liệu chế biến giấy… trước đó càng làm cho họ không dám đặt niềm tin vào cây cao su xa lạ kia.
“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, với cương vị là Bí thư Đoàn cơ sở, tôi đã cùng những đồng chí khác vào tận các bản làng để động viên, tuyên truyền về cây cao su. Đồng bào Tây Bắc vốn tính thật thà, ngay thẳng. Nói suông không tin mà phải thực tế, cụ thể, rõ ràng. Nhờ vào tiếng nói của các trưởng bản và sự nhiệt tình của mình đã có những thanh niên đầu tiên cơm đùm, áo gói rồi mang theo cả vợ con về làm lán ở trên đồi, khai hoang, nhận vườn cây trồng mới và chăm sóc.
Những thanh niên người Mông, người Thái cả đời chỉ bám víu vào đám nương trên những vạt đồi như những manh áo vá, luôn sống trong cảnh bấp bênh, đói ăn, không biết cây cao su là gì, cứ miễn cưỡng tạm cho là “vàng trắng” như lời tôi nói. “Vâng, vàng trắng hay vàng thau gì bọn em chưa biết, nhưng trước mắt có tiền, đảm bảo được ổn định cuộc sống là bọn em tin cái đã. Một cây 3.000đ, hôm nay em trồng được 100 cây vậy chi là 300.000đ. Từ trước đến giờ bọn em chưa bao giờ làm được nhiều tiền như vậy, một năm quần quật trên nương cũng chỉ được mấy bao thóc, chưa ăn đã hết, giờ vui quá anh ạ”, anh Cháng A Lâu – công nhân Đội Cao su Chăn Nưa 2 nói mà khóe mắt rưng rưng.
Không vui sao được khi từ chạy vạy, làm lụng vất vả quanh năm mà không đủ ăn, nay vào làm công nhân cao su, nhận chăm sóc vườn cây trồng mới một tháng thu nhập hơn 5 triệu đồng. Có tiền dư, còn mua được cả xe máy. Một điều mà có nằm mơ trước đó ai cũng không tin là có thật.
Tin vui đồn xa, về đến khắp các bản làng, bao người dân, thanh niên trai tráng theo nhau xin vào làm công nhân cao su. Đồng bào Tây Bắc vốn tính thật thà, chịu khó, một khi đã tin, đã làm thì việc khó mấy cũng xong. Khi đã vào công nhân cao su, những thanh niên đồng bào được động viên, quan tâm nhiều đến đời sống vật chất và tinh thần. Đặc biệt nhiều thanh niên ưu tú được tham gia kết nạp vào tổ chức Đoàn, nơi của tuổi trẻ, khát vọng cống hiến. Bây giờ họ mới biết đến tổ chức Đoàn, được tiếp xúc và rèn luyện trong môi trường tổ chức Đoàn, họ bản lĩnh hơn, tư tưởng vững vàng hơn, và đặc biệt nói là làm, không ngại khó, ngại khổ.
Phong trào “Vườn cây Thanh niên” ra đời đáp ứng kịp thời những trăn trở của công ty về nhân lực chăm sóc vườn cây, nhất là vườn cây thuộc diện khó khăn về địa hình chăm sóc. Một chi đoàn nhận chăm sóc ít nhất một vườn cây 5 héc ta ở khu vực khó khăn nhất với các hạng mục như phát thực bì, bón phân, làm cỏ… Công ty có 6 chi đoàn, cứ thế mà tham gia “Vườn cây Thanh niên”.
Số tiền thu được sẽ sung vào quỹ hoạt động Đoàn, nhằm thăm hỏi, động viên kịp thời những Đoàn viên Thanh niên có hoàn cảnh khó khăn hoặc đau ốm… Không chỉ chăm sóc “Vườn cây Thanh niên”, đội ngũ Đoàn viên Thanh niên còn sẵn sàng tham gia các hoạt động chăm sóc vườn cây ở những đơn vị có địa hình khó khăn khác ở Nậm Hàng, Nậm Khao, Mường Tè xa xôi, nhờ vậy vườn cây luôn đạt chuẩn, sinh trưởng và phát triển tốt.
Phong trào Đoàn phát triển, với nhiều hoạt động thiết thực, gắn liền cụ thể với mỗi Đoàn viên từ cuộc sống đến công việc, tư tưởng nên số lượng công nhân thanh niên tham gia và được kết nạp vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh công ty ngày càng tăng, lúc cao nhất lên đến hơn năm trăm Đoàn viên. Phong trào Đoàn lúc bấy giờ khí thế sôi nổi, nghìn trái tim tràn đầy nhiệt huyết, rạo rực.
Sức trẻ đang lên cuồn cuộn như nước sông Đà, sẵn sàng xông pha vào nơi khó khăn nhất, sẵn sàng đi đến đâu người dân, công ty cần. Dựng nhà cho dân, chăm sóc vườn cây, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau trong từng Đoàn viên… không nơi nào không có dấu chân Đoàn Thanh niên. Từ đó, tổ chức Đoàn được Đoàn viên tin tưởng, nhân dân quý mến…
12 năm trôi qua, Cao su Lai Châu II có hơn 4.727 héc ta cao su đã phủ xanh các đồi trống, rừng hoang hóa. Đến nay hơn 2.700 héc ta đã cạo mủ, lương công nhân bình quân đã lên đến gần 4 triệu 1 người/1 tháng. Một con số không nhỏ và là niềm mong ước so với mức sống của người dân nơi đây. Biết bao người đã thay đổi, cả tư duy và số phận. Và trong những thành tựu đó, có đóng góp một phần không nhỏ của Đoàn Thanh niên công ty.
Tôi lại nhớ những ngày mưa trơn, gió lốc, đất Mường Tè xa xôi cách trở khó đi, công ty có nhiệm vụ khai hoang trồng mới trên vùng đất Nậm Khao tái định cư thủy điện Lai Châu. Nơi sinh sống của đồng bào Thái, Cống, Mông… Chúng tôi được tăng cường vào khu vực mới. Ăn rừng, ngủ lán. Mùa hè thì nắng như đổ lửa, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, sạt lở chia cắt. Cuối chiều đi qua bản mua thực phẩm chưa kịp về thì đành phải ngủ lại nhà dân đến sáng mai rồi tính tiếp, vì con đường về đã bị nước chảy xé toang. Những ngày mưa lớn, nước suối đục ngầu, chúng tôi hứng vào bể làm bằng bạt rồi chờ cho nước tạm lắng đất đi để dùng…
Những lúc gian nan vất vả như vậy, trái tim trẻ đã được rèn luyện, trau dồi qua những năm tháng trong tổ chức Đoàn giúp chúng tôi không bao giờ nao núng, nhụt chí mà càng sôi sục và lạc quan, không bao giờ đầu hàng. Câu nói của người chí sỹ yêu nước Nguyễn Thái Học cứ văng vẳng bên tai, thúc giục chúng tôi: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đường trơn, xe không chở cây và phân bón lên đồi được chúng tôi tìm cách gùi bộ lên, đường sạt lở thì chúng tôi sửa, mưa nhiều quá thì cùng làm lán với công nhân ở trên đồi, mang theo thực phẩm thiết yếu, hái măng, rau rừng để ăn. Đợi lúc hết mưa thì đào hố, bón phân, trồng cây…
Những chuyện về cây cao su Tây Bắc đều rất ly kỳ và thú vị. Nó thú vị như chính câu chuyện anh công nhân Lý A Sì – Đội Cao su Chăn Nưa 4 ôm những cây cao su khóc sướt mướt vì bị gió lốc làm gãy như thể vừa mất đi một thứ gì đó thân thiết và thiêng liêng nhất. Hay ly kỳ như chuyện cô công nhân Lý Thị Pà đi bộ gần một ngày đường từ sáng sớm tinh mơ trên bản Tủa Sìn Chải đến chiều mới xuống để tham gia Đại hội Chi Đoàn Cao su Chăn Nưa 4, vì đường đồi núi xa xôi cách trở. Những tâm hồn ấy chất phác, đôn hậu như nắng mùa thu, suối mát mùa hè. Không ai không xúc động.
Và tôi lại nhớ những đồng chí, người anh em, đồng nghiệp đã một thời gắn bó, nghĩa tình. Để có được những vạt đồi cao su bạt ngàn xanh tốt hôm nay. Tất cả đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, thậm chí là có người đã đổ máu và bỏ cả tính mạng của mình nơi vùng Tây Bắc xa xôi.
Chỉ mới cách đây vài ngày thôi, hai đồng nghiệp, đồng chí và cũng là hai người anh của tôi, một người là Giám đốc Nông trường Cao su Chăn Nưa, một người là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu II đã vĩnh viễn ra đi vì tai nạn khi đi kiểm tra vườn cây. Chiếc xe mất lái ngay tại khúc cua khó, đường lại trơn do mưa đã lao xuống vực sâu hun hút lấy đi 2 mạng sống, để lại trong lòng chúng tôi bao nỗi niềm đau xót! Các anh đã gắn bó từ những ngày đầu gian khổ, đến khi có chút thành tựu thì các anh đã không còn để chứng kiến. Còn nỗi buồn nào buồn hơn, còn nỗi đau nào đau hơn! Xin được kính cẩn thắp nén hương lòng gửi đến các anh như một sự tri ân về những gì các anh đã đóng góp cho cây cao su nơi mảnh đất ven trời Tây Bắc.
Biến đau thương thành hành động, chúng tôi những Đoàn viên Thanh niên thế hệ trẻ với trái tim hồng và dòng máu nóng vẫn sẽ vượt lên nỗi đau thương mất mát đó để tiếp tục ươm mầm xanh, nối tiếp công việc của các anh. Cho cây cao su mãi xanh, cho dòng nhựa trắng chảy mãi không ngừng!
Chiều nay, trong ánh nắng vàng quyện vào mây trắng, dòng Nậm Na vẫn chảy, những rừng cây cao su vẫn xanh, hòa reo trong gió. Tiếng lá xôn xao như tiếng bước chân các anh vẫn sớm hôm đi về giữa vườn cây cao su tỏa bóng. Bao nhiêu thanh xuân đã dâng hiến cho đời, cho dòng nhựa trắng nơi ven trời Tổ quốc! Vui có, buồn có, nhưng không bao giờ hối tiếc! Bởi lẽ: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?…”.
NGUYỄN THẾ CƯỜNG
(UV BTV ĐTN VRG, Bí thư Đoàn,
Trưởng Ban Kiểm soát Công ty CP Cao su Lai Châu II)
Bài đoạt giải Nhất cuộc thi viết “Đoàn trong trái tim tôi”
Related posts:
- Sức sống cây cao su trên dải đất Bắc Trung bộ (kỳ 2)
- Hơn 150 đoàn viên thanh niên Cao su Chư Păh tham gia hiến máu tình nguyện
- Anh Thái Bảo Tri được hiệp thương vào UV Đoàn Chủ tịch TW Hội LHTN VN khóa VIII
- Liberia tiếp tục cấm xuất khẩu cao su chưa qua chế biến
- 4 công nhân nhận giải Cao su Việt Nam: Có nhiều sự cống hiến cho sự phát triển của ngành
- Đoàn Thanh niên VRG hỗ trợ 30 triệu đồng cho hoạt động Xuân biên giới
- Phát triển cao su ở miền núi phía Bắc: Góp phần "thay da đổi thịt" vùng cao
- Đoàn Thanh niên Cao su Bình Long bàn giao công trình nước sạch
- Những gia đình công nhân tận tụy, yêu nghề
- Doanh nhân trẻ và thanh niên đóng góp lớn vào sự phát triển của VRG